Lượt xem: 1303 | Gửi lúc: 03/10/2013 07:30:40

Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh giám sát tình hình nợ xây dựng cơ bản của thị xã Bỉm Sơn và huyện Thiệu Hóa

Trong 2 ngày 1, 2-10-2013, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh do đồng chí Phùng Bá Văn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có các buổi làm việc với thị xã Bỉm Sơn và huyện Thiệu Hóa về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB).

Sau khi đi kiểm tra thực tế, làm việc với các địa phương của 2 đơn vị, đoàn công tác của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh đã nghe lãnh đạo huyện, thị xã báo cáo về tình hình của địa phương.

Theo báo cáo của UBND thị xã Bỉm Sơn, từ năm 2010 đến hết tháng 8-2013, tổng số nợ XDCB trên địa bàn thị xã là 91.201 triệu đồng; trong đó, nợ từ nguồn vốn ngân sách thị xã 13.140 triệu đồng, nợ từ nguồn vốn ngân sách xã là 6.535 triệu đồng. Về tình hình nợ đọng XDCB của cấp xã, phường từ năm 2010 đến hết tháng 8-2013, tổng số nợ vẫn còn là 19.267 triệu đồng; trong đó, vốn ngân sách thị xã là 6.535 triệu đồng, vốn từ ngân sách xã, phường 9.808 triệu đồng, nợ từ vốn khác 2.924 triệu đồng.

Theo giải trình của lãnh đạo thị xã, ngoài một số nguyên nhân khách quan về thị trường bất động sản trầm lắng, biến động của giá các mặt hàng xây dựng, nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình hình nợ đọng XDCB của thị xã là do năng lực của nhiều chủ đầu tư còn hạn chế, phần lớn giao hết cho đơn vị tư vấn thiết kế, do vậy trong quá trình triển khai dự án không lường hết được khối lượng công việc thực hiện, khiến khối lượng phát sinh nhiều làm tăng tổng mức đầu tư; một số xã, phường xây dựng kế hoạch thu tiền sử dụng  đất hàng năm cho đầu tư phát triển chưa sát với thực tế, ảnh hưởng đến dự toán đầu tư hàng năm không đạt kế hoạch. Tình trạng bố trí đầu tư dàn trải, chưa xử lý dứt điểm nợ cũ lại khởi công các dự án mới dẫn đến nợ XDCB nhiều năm bị tồn đọng.

Tại huyện Thiệu Hóa, từ năm 2010 đến hết tháng 8-2013, tổng mức đầu tư XDCB của huyện là 170.387 triệu đồng; trong đó, khối lượng hoàn thành đã giải ngân, thanh toán là 110.989 triệu đồng; nợ XDCB còn lại tính đến hết tháng 8-2013 trên địa bàn huyện là 58.970 triệu đồng; trong đó, vốn từ ngân sách huyện 23.211 triệu đồng, vốn từ ngân sách xã 5.895 triệu đồng, nợ từ các nguồn vốn khác 29.864 triệu đồng. Về tình hình nợ đọng XDCB của cấp xã, từ năm 2010 đến hết tháng 8-2013, tổng số nợ vẫn còn 5.895 triệu đồng, chủ yếu là từ vốn ngân sách xã.

Theo báo cáo của lãnh đạo huyện, nguyên nhân dẫn đến tình hình nợ đọng XDCB của huyện là do trong quá trình phê duyệt đầu tư, địa phương chưa nghiên cứu kỹ tình hình công nợ, định mức đầu tư của từng dự án cũng như khả năng bố trí từ nguồn vốn ngân sách cấp trên và ngân sách địa phương trong từng dự án, nên đầu tư vượt mức khả năng cân đối ngân sách. Nguồn thu ngân sách không bảo đảm nhiệm vụ chi hàng năm do nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương ngày càng cao trong khi công tác huy động vốn hạn chế. Trong kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm của các đơn vị chưa coi trọng việc dành nguồn kinh phí để chi trả nợ XDCB, nên số nợ nhiều năm bị tồn đọng.

Sau khi nghe báo cáo, giải trình của lãnh đạo cấp huyện và ý kiến thảo luận của các thành viên trong đoàn công tác, đồng chí Phùng Bá Văn ghi nhận những kết quả các đơn vị đã đạt được trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Đồng chí đề nghị, để giải quyết tình trạng nợ đọng XDCB, thời gian tới, các địa phương cần có giải pháp bố trí vốn để từng bước xử lý nợ, tăng cường công tác quản lý đầu tư xây mới bảo đảm tiến độ, chất lượng thanh, quyết toán, hạn chế thấp nhất tình trạng ứng vốn để xây dựng các công trình...

Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách  HĐND tỉnh tiếp thu kiến nghị, đề xuất của các địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn tình hình nợ XDCB và các vấn đề chung về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.