Lượt xem: 1559 | Gửi lúc: 27/09/2013 07:52:35

Lễ đón bằng Di tích Quốc gia đặc biệt và lễ hội Lam Kinh 2013: “Hào khí Lam Sơn-tỏa sáng trường tồn”

Nhân kỷ niệm 595 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 585 năm Vua Lê Thái tổ đăng quang, 580 năm ngày mất anh hùng dân tộc Lê Lợi, sáng 26-9-2013 (tức ngày 22-8 năm Quý Tỵ), tại Khu Di tích Lịch sử Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân), UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ đón bằng Di tích Quốc gia đặc biệt và lễ hội Lam Kinh 2013.

Tới dự lễ, về phía Trung ương có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Văn Hoằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố có di sản, Hội đồng họ Lê Việt Nam và đông đảo khách thập phương gần xa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, gửi lẵng hoa chúc mừng.



Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Thanh Hóa dự Lễ hội Lam Kinh 2013. Ảnh: Minh Hiếu

Thắng lợi vĩ đại của cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn trường kỳ được đánh dấu bằng sự ra đời của vương triều hậu Lê, tồn tại hơn 360 năm và trở thành một trong những mốc son rực rỡ trong lịch sử dân tộc ta. Thành quả từ cuộc khởi nghĩa không chỉ là độc lập, chủ quyền mà còn mở ra thời kỳ mới trong công cuộc xây dựng và phát triển quốc gia Đại Việt cường thịnh, lưu truyền hậu thế nhiều di sản lớn lao và một trong số đó là quần thể các khu miếu điện, lăng mộ, các công trình văn hóa có quy mô 250 ha được xây dựng tại vùng đất Lam Kinh. Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh đã bị tàn phá nặng nề. Sau gần 20 năm thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, hơn 20 công trình đã được hồi sinh để dần trả lại sự tôn nghiêm, nguyên vẹn cho di tích. Với các giá trị nổi bật, trường tồn về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa, Di tích Lam Kinh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg, ngày 27-9-2012.

Lễ đón bằng Di tích Quốc gia đặc biệt và lễ hội Lam Kinh 2013 diễn ra trang trọng với phần rước linh vị, tấu cáo tiên tổ và là bản hòa âm nghệ thuật đậm đà bản sắc vùng văn hóa Lam Sơn, văn hóa dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, màn sân khấu hóa “Hào khí Lam Sơn – tỏa sáng trường tồn” đã tái hiện vô cùng sinh động một giai đoạn lịch sử từ khi “ngọn lửa bình Ngô” rực cháy đến lúc “phục hưng sơn hà, Lam Sơn dựng điện” và kết thúc ở bình minh hy vọng cho một tương lai tươi sáng đang đến với vùng đất Thanh Hóa “địa linh nhân kiệt”.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Ban chỉ đạo Lễ đón bằng Di tích Quốc gia đặc biệt và lễ hội Lam Kinh 2013, khẳng định: Khu Di tích lịch sử Lam Kinh là nơi con cháu tỏ lòng thành kính tổ tiên; nơi an táng, thờ cúng và tôn vinh các vị vua và thái hậu nhà Lê cho nên các vua nhà Lê sơ đã cho xây dựng tại đây nhiều điện miếu và các công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn cung đình, đánh dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ của kiến trúc nước nhà. Với các giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật có tính đại diện, di tích Lam Kinh đã được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa; đồng thời là mốc son xác định vị thế của Lam Kinh nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung trong dòng chảy lịch sử dân tộc; là sự khẳng định của Đảng, Nhà nước đối với công lao to lớn của các bậc tiền nhân nhà Lê, cũng như những đóng góp của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Phát huy hào khí Lam Sơn, Thanh Hóa đã có những đóng góp hết sức to lớn và xứng đáng vào các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc và ngày nay đang bước vào giai đoạn CNH, HĐH quê hương, đất nước. Với gần 16 tỷ đô la Mỹ, vươn lên đứng thứ 6 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài và nhiều nguồn vốn, nhiều dự án lớn, quan trọng; đặc biệt là Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đô la Mỹ, lớn nhất ở nước ta từ trước đến nay; dưới sự lãnh, chỉ đạo, quan tâm, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội; các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành bạn; với truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng; với con người Thanh Hóa anh dũng, kiên cường trong chiến đấu; thông minh, sáng tạo trong lao động, sản xuất; nhân hậu, nghĩa tình trong đời sống thường nhật; nhất định sẽ xây dựng mảnh đất Thanh Hóa anh hùng, thành “tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh: Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Di tích Lam Kinh còn lại cho đến ngày nay là tài sản văn hóa vô giá của cả dân tộc cần được quan tâm, bảo vệ. Do vậy, nó đặt ra những trọng trách to lớn trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản. Đồng chí tin tưởng rằng, với niềm tự hào về truyền thống, về di sản văn hóa được tôn vinh, tỉnh Thanh Hóa sẽ hài hòa được giữa việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế, góp phần đưa hình ảnh Thanh Hóa đến với đông đảo đồng bào trong nước và nước ngoài (toàn văn bài phát biểu đăng trong số báo này).

Tại buổi lễ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh cho các đồng chí đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.