Lượt xem: 1431 | Gửi lúc: 23/09/2013 07:54:08

Cấp bách sửa đổi Luật Xây dựng

Ngày 04/9, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT), Quốc hội khóa XIII đã tổ chức phiên họp thường trực Ủy ban mở rộng Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi). Tại hội nghị này, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã có những ý kiến đóng góp quan trọng vào dự án sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng, Báo Xây dựng lược ghi ý kiến phát biểu của ông.

 

Quan điểm và yêu cầu của Luật Xây dựng sửa đổi lần này là đối mới thể chế về tổ chức thực hiện trong đầu tư xây dựng nhằm mục tiêu nâng cao hiệ quả đầu tư xây dựng thông qua các quy định của pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện. Hai yếu tố quan trọng nhằm thực hành tiết kiệm, chống thất thoát lãng phí; ngăn chặn đẩy lùi nạn tham ô tham nhũng trong đầu tư xây dựng là vấn đề nhức nhối và được xã hội đặc biệt quan tâm.

Tránh chồng chéo

Mặc dù chúng ta đã xây dựng rất nhiều luật, cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều biện pháp tăng cường quản lý. Do vậy việc sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng và một số luật liên quan là việc làm cần thiết cấp bách, đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất với các Luật có liên quan.

Đặc điểm đầu tư xây dựng ở Việt Nam (Đầu tư có công trình xây dựng) hiện chiếm tỷ trọng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội rất cao trong (60 - 70%), lại có đặc thù gắn liền với hoạt động xây dựng từ quá trình lập dự án (có thiết kế cơ sở, thi tuyển phương án kiến trúc, phù hợp quy hoạch xây dựng) đến quá trình thiết kế, thẩm định, phê duyệt, gắn liền với quá trình thực hiện xây dựng đưa vào sử dụng.

Vì vậy quá trình lập dự án, lập thiết kế, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng để ở luật xây dựng (Chương III) là hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên để tránh chồng chéo, mâu thuẫn cần làm rõ nội dung phạm vi giữa Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng đối với đầu tư có xây dựng công trình đó là, trong Luật Đầu tư công phân làm 2 loại: Dự án đầu tư không có công trình xây dựng và dự án có công trình xây dựng (Trình tự, thủ tục lập dự án đầu tư có công trình xây dựng được quy định trong luật xây dựng). Luật Đầu tư công chỉ điều chỉnh các dự án đầu tư xây dựng nguồn vốn Nhà nước không nhằm mục đích lợi nhuận. Vì vậy phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng là hoạt động xây dựng bao hàm cả các hoạt động xây dựng và hoạt động đầu tư xây dựng.

(Với đặc thù ở Việt Nam đầu tư xây dựng chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (60 -70%) lại có đặc thù riêng liên quan đến chuyên ngành Xây dựng do vậy việc quản lý nhà nước về đấu thầu dự án xây dựng cũng cần xem xét đưa về một mối là Bộ Xây dựng - Quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng là Bộ có chuyên môn về xây dựng (hiện Bộ KH&ĐT không có đội ngũ quản lý nhà nước chuyên sâu về xây dựng lại quản lý đấu thầu xây dựng).

Vì vậy chúng tôi đề nghị Luật Đấu thầu chỉ là Luật khung quy định những vấn đề chung nhất về việc: Phải đấu thầu các loại khi sử dụng vốn Nhà nước. Các quy định tính công khai, minh bạch, các chế độ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Còn các quy định có tính chuyên ngành nên để ở các Luật chuyên ngành hoặc Nghị định như: Đấu thầu trong xây dựng để ở Luật Xây dựng (hiện có ở Luật Xây dựng năm 2003), đấu thầu khai thác khoáng sản để ở Luật Khoáng sản. Đấu thầu hoạt động dầu khí để ở Luật Dầu khí (hiện có quy định tại Điều 16 Luật Dầu khí. Điều 16: Tổ chức cá nhân muốn ký kết hợp đồng dầu khí phải thông qua đấu thầu theo quy định riêng do Chính phủ Việt Nam ban hành). Đấu thầu sử dụng đất để ở Luật Đất đai, Đấu thầu mua sắm hàng hóa để ở Luật mua sắm công hoặc Nghị định do Bộ Tài chính trình về quản lý nhà nước trình… Như vậy trong Luật Xây dựng (sửa đổi) vẫn cần thiết phải có một chương “Luật chọn nhà thầu xây dựng và hợp đồng xây dựng”.

Cần đồng bộ ban hành

Vấn đề đồng bộ của Dự án Luật và Nghị định hướng dẫn. Để tránh tình trạng Luật chậm trễ đi vào cuộc sống, Luật chờ Thông tư, Nghị định hướng dẫn cần phải trình Luật đồng thời với các Nghị định, thông tư hướng dẫn cùng một lần với trình luật đồng thời với dự án luật. Về chế độ cung cấp thông tin công khai minh bạch cần được quy định chi tiết hơn các yêu cầu các loại thông tin của dự án được phê duyệt: Các dự án quy hoạch, các dự án sửa đổi, khá rõ, nâng cấp, dự án mới trên website để cộng đồng có thể theo dõi, bao gồm các dự án quy hoạch chung và chi tiết. Các dự án đầu tư xây dựng: có các danh mục cụ thể: loại dự án, chủ đầu tư, nguồn vốn, diện tích, số tầng, số căn hộ, tiến độ (cập nhật trong tháng). Về hợp đồng kinh tế, cần đưa ra các quy định đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng theo đúng luật dân sự không kể nguồn vốn nào. Trong đó đặc biệt liên quan đến tiến độ, chất lượng, chế độ thanh quyết toán.

Tốt nhất là Luật Xây dựng trình cùng một lần với Luật Quy hoạch xây dựng Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công. Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội đã ghi chỉ có Luật Xây dựng sửa đổi, chưa ghi Luật Quy hoạch xây dựng. Nếu vẫn để Chương II, Quy hoạch xây dựng trong đó quy định quy hoạch vùng và quy hoạch nông thôn thì sau này lại phải tiếp tục sửa đổi lần nữa bằng một Luật Quy hoạch xây dựng hoặc 3 luật quy hoạch: Quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng, quy hoạch nông thôn.

Vì vậy đề nghị vẫn trình Quốc hội Chương II, Luật Xây dựng này tại kỳ họp lần thứ VI để xin ý kiến đồng thời xin Quốc hội cho nhập vào Luật Đô thị thành Luật Quy hoạch xây dựng trình Quốc hội một lần vào kỳ họp VII.

Trần Ngọc Hùng
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam