Lượt xem: 1580 | Gửi lúc: 03/09/2013 16:10:27

Ý Đảng lòng dân: Cội nguồn thành công

Đất nước Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX sôi động bởi “ánh sáng” Âu hóa lừa bịp, mị dân và cỗ máy bóc lột hoạt động hết công suất. Thế nhưng con đường để giải phóng dân tộc khỏi hai tầng áp bức lại kín như bưng.


Đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, gặp gỡ, trò chuyện với nhân dân làng Miềng, xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc (tháng 6-2013). Ảnh: Ngọc Hải

Con người Việt Nam một lòng nồng nàn yêu nước, đề cao tinh thần dân tộc, giàu tình thương yêu, nhân ái, chan hòa. Song, bấy nhiêu phẩm chất quý đều bị chôn vùi dưới vũng bùn nô lệ tăm tối, cùng cực. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã thắp lên “trái tim Đankô”, soi đường cho dân tộc ta “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, tìm lại phẩm giá làm người trong lòng một đất nước tự do. Đó là phép màu được tạo ra từ cây đũa thần của ý Đảng – lòng dân!

Ý Đảng và lòng dân, hai giá trị cao cả cùng tồn tại trong một dân tộc  Việt Nam duy nhất. Hai giá trị ấy gặp nhau và hòa quyện khăng khít - “Dân là dân Đảng, Đảng là Đảng dân”. Dân là lực lượng – động lực của Đảng, của cách mạng và Đảng là người dẫn đường, người lãnh đạo quần chúng làm cách mạng. Bởi vậy, khẳng định ý Đảng hợp lòng dân cũng chính là nhấn mạnh đến hai nhân tố cấu thành và quyết định nhất đến mọi sự thành công của cách mạng. Đó cũng đồng thời là “bộ khung” cần được thường xuyên bồi đắp cho bền vững để cơ thể - đất nước - luôn phát triển khỏe mạnh và thịnh vượng.

Xuyên suốt bề dày lịch sử dân tộc, qua nhiều triều đại phong kiến quân chủ, có thể thấy rằng “mệnh trời” và “lòng dân” là hai nhân tố quyết định nhất đến sự hưng vong của mỗi vương triều. Cho nên, dựa vào sức dân để đánh đuổi kẻ thù, giữ gìn bờ cõi, xây dựng giang sơn đã trở thành truyền thống, với những pho kinh nghiệm quý báu từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê. Đảng ta ra đời  không bởi “mệnh trời” nào, mà là đòi hỏi bức thiết của hoàn cảnh lịch sử và đời sống xã hội đã tạo cơ sở để nhen nhóm lên “mầm đỏ cách mạng”. Kế thừa truyền thống ngàn năm của cha ông, đồng thời giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, Đảng ta đã tập hợp được quần chúng, quy tụ được lòng người và cũng dựa vào đó để nhanh chóng trưởng thành.

Sức mạnh từ ý Đảng, lòng dân không phải là một “lý thuyết đẹp”. Đó là chân lý của thực tiễn đã được minh chứng. Vì sao một Đảng mới 15 tuổi có thể lãnh đạo cách mạng thành công? Câu hỏi ấy sẽ không thể trả lời tường minh nếu không soi vào cội nguồn là ý Đảng, lòng dân. Nhìn lại cuộc Cách mạng Tháng Tám để một lần nữa thấy hết tầm vóc và giá trị không gì thay thế của nó, cũng đồng thời để thấy sự sáng suốt, khôn khéo của Đảng khi đã tổng động viên được tuyệt đại quần chúng “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Người ta vẫn nói, mỗi sự thành công không phải kết thúc mà là sự khởi đầu. Thắng lợi của cách mạng mùa thu năm ấy đã chứng minh rằng, một dân tộc nô lệ nhỏ bé có thể đứng lên, tự giải phóng mình, làm chủ vận mệnh mình thì không có gì là không thể. Thực tế là, sau mốc son 1945, dân tộc ta đã giành về những mùa xuân đại thắng để thống nhất non sông.

Với quyết tâm không gì lay chuyển “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, cùng với nhân dân cả nước, Thanh Hóa trở thành hậu phương lớn cho các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào. Đặc biệt, với chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã “góp sức” tới gần 5.000 tấn gạo, gần 550 tấn  thực phẩm. Có những thời điểm, để đủ lương thực cho tiền tuyến, nhân dân trong tỉnh đã phải “dốc bồ” và nông dân khắp nơi ra đồng cắt tỉa từng bông lúa chín. Trong kháng chiến chống Mỹ, Thanh Hóa còn là mảnh đất chia lửa cho các chiến trường từ Bắc vào Nam... Nhiều người có thể cho rằng, bởi Thanh Hóa vốn là mảnh đất anh hùng, người dân giàu đức hy sinh; bởi đây là đất cố hương, đất quý hương của nhiều triều đại phong kiến nên người dân giàu lòng yêu nước và tự tôn dân tộc. Đúng, nhưng sẽ là chưa đủ nếu không đề cập đến một duyên cớ sâu xa, đó là lòng tin. Nhân dân ta tin vào ngày thắng lợi cũng chính là đặt niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Khi ý Đảng hợp lòng dân thì mỗi lời động viên cũng giống như một lời hiệu triệu!

Độc lập, tự do, hạnh phúc có lẽ không tự nhiên mà nằm ngay dưới Quốc hiệu của Việt Nam. Đó là mối quan hệ hữu cơ, không tách rời. Có độc lập mà nhân dân không hạnh phúc, tự do thì độc lập sẽ chẳng hề có ý nghĩa. Xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân là mục tiêu, là lý tưởng cao nhất cho mọi sự tự do và hạnh phúc. Đường đến bến bờ tươi sáng ấy sẽ còn vô vàn những gập ghềnh, đòi hỏi Đảng phải vững tay chèo và lòng dân phải ví như con nước hiền hòa.

Mọi mối quan hệ, dù khăng khít đến mấy cũng sẽ có nút thắt. Để ý Đảng, lòng dân cùng chung một con đường, có nhiều giá trị cần bồi đắp và nhiều hệ lụy phải loại bỏ giống như tháo các nút thắt, có cả vô hình lẫn hữu hình. Đó là sự công phá ngày càng khốc liệt của vật chất, danh lợi, tiền tài đến các giá trị tinh thần, nhân văn của dân tộc; là sự trỗi dậy của cái tôi cá nhân vị kỷ đang ngấm ngầm gặm nhấm cái Ta cộng đồng trong con người, trong đó có cả những đảng viên của Đảng... Để tháo được những nút thắt tự bên trong ấy, thiết nghĩ cũng cần đến cả một cuộc cách mạng và đương nhiên phải có hy sinh. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã nêu lên tính “cấp bách” trong xây dựng Đảng hiện nay. “Không thể chậm trễ” hay “phải giải quyết gấp” là hàm nghĩa của từ ấy, cũng đồng thời cho thấy Đảng ta đang quyết tâm “làm mới” lại mình, theo tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”. Bởi, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”.

Không gì đáng sợ bằng sự giảm sút niềm tin của dân vào Đảng. Đó cũng ví như sự đứt gãy của xương thịt trong cơ thể hay như cái cây tự bật gốc khỏi mặt đất vậy. Cho nên, chỉ khi dám thừa nhận và sửa chữa khuyết điểm, khi ấy Đảng ta mới càng “tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”, cũng như giữ gìn được cái gốc vững bền của mình là lòng dân. Nghị quyết Trung ương 4 ra đời trong hoàn cảnh hiện nay, thiết nghĩ là hợp với nguyện vọng của nhân dân ta là Đảng mạnh để lãnh đạo cuộc cách mạng XHCN đi đến thành công.

Trong chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ”, được viết ngày 5-11-1946, Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn thể đồng bào ta “Cố ráng sức qua khỏi mùa đông lạnh lẽo thì ta sẽ gặp mùa xuân”. Quy luật chảy trôi của tạo hóa dường như đã bắt nhịp để làm nên bản hòa âm đồng điệu cùng lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó cũng là quy luật tồn tại và phát triển đã trở nên tất yếu của một dân tộc mà hai từ “Độc Lập”, “Tự Do” phải dùng máu để giành về và cũng chỉ có thứ vũ khí ấy mới gìn giữ được. Song, một trong những bản tính tốt đẹp nhất của con người Việt Nam  là niềm lạc quan, yêu đời. Phát huy phẩm chất ấy để tin rằng, khi ý Đảng và lòng dân luôn hòa làm một thì không có giới hạn nào mà dân tộc ta không thể vượt qua.