Lượt xem: 1202 | Gửi lúc: 05/12/2013 15:47:40

Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới - vấn đề nan giải

Bảo vệ môi trường (BVMT) là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhưng hiện nay, vấn đề rác thải, nước thải sản xuất và sinh hoạt gia đình, ven các khu chợ không có điểm thu gom và xử lý tập trung... đang khiến nhiều địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong thực hiện tiêu chí này.

                                                     
Đoàn viên, thanh niên tình nguyện huyện Hậu Lộc tổ chức dọn rác thải tại bờ biển xã Ngư Lộc. Ảnh: Lê Hà

Xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) là một trong những xã gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí môi trường. Trong tổng số 5 nội dung của tiêu chí này (tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm về môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy chuẩn; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định), xã Thiệu Nguyên mới đạt một nội dung là nghĩa trang nhân dân được xây dựng theo quy hoạch, các nội dung còn lại đều không đạt yêu cầu của tiêu chí. Nhiều xã khác trên địa bàn huyện Thiệu Hóa cũng đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện tiêu chí này. Tính đến tháng 10-2013, toàn huyện mới có 1/27 xã đạt tiêu chí về môi trường (xã Thiệu Trung - xã điểm XDNTM của tỉnh), các xã còn lại mới đạt được 30-50% nội dung của tiêu chí này.

Huyện Hà Trung cũng trong tình trạng trên, hầu hết các xã trên địa bàn huyện chưa có kinh phí xây dựng, quy hoạch bãi rác đạt tiêu chuẩn, nên lượng rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn được thu gom thường đổ ra các khu vực sườn núi hoặc chôn lấp thô sơ, tạm thời... Đến hết năm 2012, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện tiêu chí môi trường, nhưng đến nay chưa có xã nào đạt tiêu chí này. Xét riêng từng nội dung, mới có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 91,34%, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 52,21%... Huyện Nông Cống có hơn 185 ngàn dân, lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày khoảng 35 - 40 ngàn tấn; mỗi năm, các hộ nông dân huyện sử dụng gần 20 tấn thuốc bảo vệ thực vật; 199 trang trại chưa quy hoạch còn xen lẫn trong khu dân cư... đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Toàn huyện mới có 2/33 xã đạt tiêu chí môi trường trong XDNTM (Tượng Văn, Trường Sơn). Đồng chí Lê Hồng Tới, phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nông Cống, cho biết: Mặc dù huyện đã cố gắng rất lớn trong công tác tuyên truyền, vận động hộ dân tham gia BVMT, nhưng do kinh phí và quỹ đất có hạn, nên việc triển khai thực hiện tiêu chí môi trường ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Nếu như nhiều xã thuần nông vướng vào tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh (SXKD)... thì tại nhiều xã thuộc các huyện vùng biển, như: Quảng Xương, Hậu Lộc, Tĩnh Gia, Nga Sơn... vấn đề ô nhiễm môi trường chủ yếu là chất thải sinh hoạt và hoạt động khai thác, chế biến hải sản. Nước thải đọng của các tàu thuyền cập bến cá và từ các cơ sở chế biến hải sản vẫn chưa được xử lý trước khi xả thải ra môi trường, tạo thành những vùng nước đen, bốc mùi hôi tanh khó chịu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo đánh giá của Chi cục BVMT (Sở Tài nguyên và Môi trường), việc thực hiện tiêu chí môi trường trong lộ trình XDNTM ở tỉnh ta đang là vấn đề nan giải đối với nhiều địa phương. Trong 5 nội dung của tiêu chí này, nội dung về nước sạch hợp vệ sinh vẫn được xác định là dễ thực hiện hơn so với những nội dung khác. Hai nội dung khó thực hiện nhất là cơ sở SXKD đạt tiêu chuẩn về môi trường và chất thải, nước thải trong khu dân cư chưa được thu gom và xử lý theo quy định. Do vậy, tính đến tháng 10-2013, toàn tỉnh mới có 43 xã đạt chuẩn tiêu chí môi trường (chiếm 7,5%), các huyện có nhiều xã đạt tiêu chí môi trường là Quảng Xương 16 xã, Hoằng Hóa 10 xã...; phần lớn các huyện miền núi, trung du chưa có xã nào đạt tiêu chí này.

Tuy nhiên, tại một số xã đã đạt tiêu chí môi trường trong XDNTM (Quý Lộc, Minh Dân...), có những thời điểm, người dân chưa thực sự thực hiện nghiêm việc bảo đảm vệ sinh môi trường (VSMT). Vào những thời điểm thu hoạch sản xuất nông nghiệp, chất thải (rơm, cây ngô...) vẫn tập kết ngoài đường; cống rãnh chưa được khơi thông thường xuyên; một số hộ dân cột trâu, bò ngoài đường còn gây ô nhiễm môi trường...

Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ các cấp và người dân còn hạn chế, thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân; nhiều xã gặp khó khăn về kinh phí, quỹ đất nên việc quy hoạch bãi rác và xây dựng hệ thống xử lý rác thải khó thực hiện mà chỉ xử lý thủ công bằng phương pháp chôn lấp. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát môi trường đối với các loại hình SXKD, dịch vụ chưa được thường xuyên thực hiện, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi hủy hoại môi trường...

Để giải quyết những tồn tại trên, ban chỉ đạo XDNTM các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở các xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số từng bước thay đổi nhận thức, thói quen, tập quán của cộng đồng. Khơi dậy tính tự giác, trách nhiệm của người dân, phát huy và nhân rộng các mô hình có sẵn của các tổ chức, đoàn thể chính trị ở địa phương như: “Hố rác hộ gia đình”, “Hố rác ngoài đồng ruộng”...; khuyến khích người dân áp dụng rộng rãi quy trình an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, các địa phương cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác BVMT, tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra ngăn chặn và xử lý triệt để các hành động gây ô nhiễm môi trường; tiếp tục đầu tư, hỗ trợ các xã, nhất là xã điểm và xã XDNTM  các công trình xử lý ô nhiễm môi trường mang tính bức xúc của địa phương; đẩy mạnh công tác thẩm định, cấp phép về môi trường cho các cơ sở SXKD, dịch vụ trên địa bàn nhằm thực hiện tốt việc phát triển kinh tế gắn với khắc phục ô nhiễm môi trường... đưa các nội dung tiêu chí môi trường trong XDNTM sớm đạt kết quả.