Công trình xanh: Hướng phát triển bền vững
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Trong
những năm gần đây, hoạt động xây dựng tại Việt Nam phát triển với tốc độ
nhanh, với nhiều công trình quy mô khác nhau, nhiều khu đô thị trên cả
nước, đã tiêu thụ một khối lượng lớn vật liệu, một lượng lớn chất thải
ảnh hưởng đến môi trường.
Công nghệ xây dựng, công nghệ sản xuất vật liệu lạc hậu gây lãng phí
tài nguyên, ô nhiễm môi trường… Thực tế này đang tạo nên áp lực, thách
thức không nhỏ cho công tác quản lý, là nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát
triển bền vững của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng, trước những thách thức của thực tế phát triển nêu
trên, xác định phương thức phát triển bền vững thông qua việc xây dựng
công trình theo hướng xanh hóa là phù hợp và có ý nghĩa quan trọng.
Định hướng này là một trong những nội dung thiết thực nhằm cụ thể hóa
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn
đến 2050, trong đó đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển CTX, đô thị xanh
theo hướng tích hợp các công nghệ mới, các giải pháp quản lý, quy hoạch,
thiết kế, xây dựng và khai thác đảm bảo tiết kiệm và sử dụng năng lượng
hiệu quả, giảm phát thải và thân thiện với môi trường, góp phần vào
giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Hoàn thiện văn bản pháp luật về CTX
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã quan tâm khuyến khích, tạo điều kiện
phát triển các CTX, đảm bảo phát triển môi trường xây dựng bền vững tại
Việt Nam, từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật
trong lĩnh vực đầu tư xây dựng như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy
hoạch đô thị, cùng hệ thống văn bản dưới luật và hệ thống quy chuẩn,
tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá công trình để tạo hành lang pháp lý đầy
đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý và thúc đẩy phát triển CTX trong cả nước.
Hiện Bộ Xây dựng chủ trì, giao Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam soạn
thảo “Chiến lược Quốc gia về phát triển công trình xanh ở Việt Nam đến
năm 2020, định hướng đến năm 2030” nhằm cụ thể hóa Chương trình mục tiêu
quốc gia Ứng phó BĐKH và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời
kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.
Dự thảo đang được tích cực hoàn thiện, tập trung vào một số nội dung.
Thứ nhất là tạo lập và phát triển thị trường xây dựng xanh. Thứ hai,
hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng cho phát triển
CTX. Thứ ba, xây dựng bộ tiêu chí CTX để làm cơ sở đánh giá và cấp chứng
chỉ CTX. Thứ tư, đào tạo, nâng cao năng lực thiết kế và công nghệ xây
dựng CTX. Thứ năm, các công trình được đầu tư công bằng nguồn vốn ngân
sách cần đạt các tiêu chí CTX để làm gương đi đầu, thúc đẩy khu vực tư
nhân noi theo. Thứ sáu, phát triển VLXD thân thiện môi trường, vật liệu
tái chế, tái sinh nhanh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả vật liệu trong
xây dựng công trình. Thứ bảy, sử dụng trang thiết bị trong nhà có hiệu
quả năng lượng. Thứ tám, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, tái sử dụng nước
thải, nước mưa và hướng dẫn cho toàn dân biết cách quản lý, vận hành và
bảo dưỡng CTX…
Ban hành Chiến lược Quốc gia về phát triển CTX ở Việt Nam trong thời gian tới
Mục tiêu phát triển CTX kể cả CTX ở nông thôn và TP xanh, có hiệu quả
cao, có tính phổ biến, bền vững và tương đối nhanh trên toàn quốc, theo
kịp trình độ phát triển CTX của các nước phát triển thế giới vào năm
2050.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 khoảng 30% công trình xây mới và sửa
chữa bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, 20% số lượng công trình xây mới
và sửa chữa bằng nguồn vốn tư nhân đạt các tiêu chí xanh, giảm 10-15%
mức tiêu thụ năng lượng vận hành công trình/m2 sàn so với năm
2010…; Phấn đấu đến năm 2030 con số này là 40% đối với công trình xây
bằng vốn ngân sách nhà nước và 30% công trình xây bằng vốn tư nhân đạt
tiêu chí xanh. Mức tiêu thụ năng lượng đến năm 2030 giảm tiếp 5-10% so
với năm 2020.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ đạo: Hội thảo tập trung làm rõ một số
nội dung chính như tính khả thi của mục tiêu, giải pháp nêu trong
dự thảo Chiến lược; làm rõ các yếu tố về nguồn lực tài chính, các cơ
chế, chính sách hiệu quả để khuyến khích chủ thể tư nhân tham gia; đề
xuất chương trình, dự án cụ thể tạo đột phá để triển khai thực hiện
Chiến lược theo từng giai đoạn phù hợp, đặc biệt tập trung nội dung
nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật,
quy chuẩn, tiêu chuẩn để khuyến khích, tạo điều kiện phát triển
CTX.
Hội thảo đã nhận được góp ý sâu sắc của nhiều đại biểu tham dự, trong
đó tập trung làm rõ hơn nội dung chiến lược, vấn đề thu hút nguồn lực và
xã hội hóa cũng như xây dựng bộ tiêu chí đánh giá…
Sau hội thảo tham vấn ý kiến lần này, Dự thảo “Chiến lược Quốc gia về
phát triển CTX ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” sẽ được
hoàn thiện và ban hành trong thời gian tới.