Lượt xem: 2382 | Gửi lúc: 12/11/2013 16:00:37

Cho ý kiến dự án Luật Xây dựng, Bảo vệ môi trường

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều 11/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).


Đại biểu Quốc hội TP.HCM Huỳnh Minh Thiện phát biểu ý kiến.

Tăng cường giám sát cộng đồng đối với các công trình xây dựng

Liên quan đến nội dung về quy hoạch xây dựng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng nên quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự án Luật, nhằm kế thừa được quy định của Luật Xây dựng hiện hành, bảo đảm nguyên tắc quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước, tạo cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư và công cụ quản lý khi luật mới chưa được ban hành.

Tuy nhiên, các đại biểu Lê Trọng Sang, Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng không nên quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự án Luật mà đưa nội dung về quy hoạch xây dựng, kết hợp với nội dung Luật Quy hoạch đô thị thành một luật mới, có phạm vi điều chỉnh quy hoạch của cả 3 đối tượng gồm vùng, đô thị và nông thôn.

Đại biểu Lê Trọng Sang giải thích rằng trong các điều khoản quy định về quy hoạch xây dựng không điều chỉnh nội dung nào liên quan đến trách nhiệm của đội ngũ làm quy hoạch hay trách nhiệm các cơ quan lập, thẩm định, xét duyệt quy hoạch...

"Trong thực tiễn vừa qua, chính do phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng không bao phủ dẫn đến chất lượng quy hoạch kém, nhiều đề án quy hoạch không hoàn chỉnh... Hơn nữa, trong phạm vi điều chỉnh không nói đến đối tượng quy hoạch xây dựng, mà chỉ tập trung quy định đối tượng xây dựng. Xây dựng và quy hoạch xây dựng là hai đối tượng điều chỉnh khác nhau, đối tượng phạm vi điều chỉnh quy hoạch xây dựng rộng hơn đối tượng điều chỉnh của xây dựng. Đây cũng là hành lang pháp lý, quy định để ràng buộc các tổ chức liên quan đến quy hoạch xây dựng", đại biểu Lê Trọng Sang nói.

Quan tâm đến việc tăng cường sự giám sát của cộng đồng trong lĩnh vực xây dựng, đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 80/2005/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng. Quyết định đã có thời gian đủ để đánh giá, tổng kết để từ đó có thể đúc kết, bổ sung vào dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) cụ thể hơn.

Đại biểu Võ Thị Dung cũng nhận định rằng trong thực tế, giám sát trong cộng đồng chỉ giám sát được những công trình địa phương đầu tư, còn các công trình lớn của bộ, ngành Trung ương rất khó để giám sát. Nếu quy định rõ trong luật đầy đủ quy trình công bố, trách nhiệm, quyền hạn của cộng đồng giám sát sẽ góp phần phát huy được sự giám sát của nhân dân ở địa phương, hạn chế được tiêu cực trong quá trình xây dựng.

Tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Quốc Bình nhận xét, Luật Xây dựng ban hành từ năm 2003, đến nay đã qua 10 năm thực thi. Với tốc độ đô thị hóa, xây dựng cơ bản phát triển chóng mặt như hiện nay, thì việc sửa đổi luật là rất cần thiết.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình

Cho rằng dự luật chưa có 1 điều nào về việc tạm đình chỉ công trình xây dựng vi phạm trong quá trình kiểm tra, xử lý phát hiện ra, mà thực tế thường xảy ra, nên ông Bình đã đề nghị Ban Soạn thảo dự luật bổ sung thêm nội dung này.

Về thanh tra xây dựng, dự thảo quy định lực lượng này thuộc biên chế các sở và Bộ Xây dựng, đại biểu Quốc Bình cho rằng tình hình vi phạm xây dựng diễn ra hằng ngày, phổ biến và việc xử lý còn nhiều bất cập, nên đề nghị dự thảo “cần quy định rất rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra xây dựng, từ cấp sở đến cấp bộ, để hoạt động hiệu quả”.

Đại biểu Đào Văn Bình thì đề cập về “khảo sát và thiết kế xây dựng”. Ông nói: Nội dung thẩm định thiết kế xây dựng công trình không nên quy định trong luật mà nên giao Chính phủ quy định trong nghị định. Để giảm thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho chủ đầu tư, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm theo hướng cơ quan chức năng nhà nước về xây dựng chỉ giám định hoặc kiểm tra thiết kế với một số hạng mục công trình có yêu cầu cao.


Đại biểu Quốc hội Đào Văn Bình.

Về quyền và nghĩa vụ của người xin cấp phép, đại biểu Văn Bình đề nghị bổ sung thêm ý “được khởi công xây dựng công trình nếu sau thời gian quy định, mà cơ quan cấp giấy phép không có văn bản trả lời, khi đã đủ các điều kiện quy định”.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo luật, đại biểu Phạm Huy Hùng đề cập đến “điều kiện cấp giấy phép xây dựng”. Ông cho rằng quy định “phải có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định” là không khả thi. gây khó khăn cho các tổ chức xin cấp phép. Trên thực tế giai đoạn xin cấp giấy phép xây dựng thì chủ đầu tư chưa đủ điều kiện, kế hoạch gọi nhà thầu thi công.

Về quy định hồ sơ xin cấp phép xây dựng, ông Hùng cho rằng dự thảo đều đề cập đến những điều kiện tương đối mở, nhưng chính vì thế cần quy định cụ thể hơn về các nội dung này, tránh việc từ quy định mở chung chung của luật, dẫn đến hướng dẫn thực hiện không nhất quán trên thực tế.

“Ban Soạn thảo cũng nên nâng mức phạt trong hoạt động xây dựng lên cao hơn mức 5% như dự thảo quy định, bởi đặc thù xây dựng, chi phí đầu tư lớn, nên việc đưa ra các chế tài phạt cao là một trong những yếu tố nâng cao ý thức, trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện”- đại biểu Phạm Huy Hùng chốt lại.

Nâng mức xử phạt đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường

Góp ý về nội dung bảo vệ môi trường rừng, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng từ ngàn xưa, phát triển của quốc gia dựa vào hai lợi thế rừng và biển. Tuy nhiên, dự án Luật hầu như chỉ nói đến biển đảo, trong khi rừng chiếm một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội nhưng không được đề cập đến.

Đại biểu đề nghị, dự án Luật cần bổ sung thêm một chương riêng về bảo vệ môi trường rừng bởi nếu không sẽ mất cân xứng, không thể hiện được tầm quan trọng chiến lược của rừng trong phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng an ninh.

Vấn đề quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, đại biểu Huỳnh Minh Thiện chỉ ra rằng: hiện nay các hành vi vi phạm môi trường trong phát triển kinh tế-xã hội ngày càng phổ biến. Nguyên nhân không chỉ do buông lỏng quản lý mà còn do văn bản quy phạm pháp luật chưa cụ thể, xử lý chưa nghiêm. Vì vậy, dự án Luật cần bổ sung một chương về xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường để đảm bảo sức răn đe, tạo thuận lợi cho việc thực thi áp dụng pháp luật để có hình thức xử lý kịp thời…

Đề cập đến quy định về thanh tra, kiểm tra trong bảo vệ môi trường, theo đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM), hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị và nông thôn đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của người dân nhưng công tác thanh, kiểm tra trong bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường do thanh tra phát hiện còn ít, nhiều vụ việc nghiêm trọng chủ yếu do lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện hoặc do người dân phản ánh.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang đề nghị, ngoài quy định bắt buộc thanh tra định kỳ 2 lần/năm, dự án luật cần bổ sung quy định ít nhất 1 lần thanh tra đột xuất, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra trong việc phát hiện các hành vi vi phạm về môi trường.

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Phạm Văn Gòn (TP.HCM) chỉ rõ: Dự án Luật đã đưa chi tiết những hành vi cấm trong quản lý môi trường nhưng chế tài thực hiện còn nhiều hạn chế. Do đó, dự án Luật cần nâng mức xử phạt, "đánh" vào tài chính của doanh nghiệp; đồng thời bổ sung vào Bộ luật Hình sự quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Phụng (TP.HCM) đề xuất Ban Soạn thảo nghiên cứu thêm về quy định xử phạt trong dự án Luật.

Ngày mai thứ ba, ngày 12/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, buổi sáng, tiếp tục xem xét về công tác nhân sự; buổi chiều, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

BDT (tổng hợp)