Lượt xem: 960 | Gửi lúc: 03/12/2013 08:02:25

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11/2013

Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải phát kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đã đề ra; bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán; tăng cường chống thất thu, triệt để thực hành tiết kiệm... là một số nội dung quan trong được các thành viên Chính phủ thảo luận trong phiên họp thường kỳ tháng 11.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2013.

Ngày 2/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên họp thường kỳ tháng 11/2013.

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2013, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, dưới sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đề ra trong các Nghị quyết số 01, số 02, Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Qua đó, tình hình kinh tế-xã hội 11 tháng qua chuyển biến đúng hướng và đạt được những kết quả tích cực trong việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; lãi suất giảm; tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi cùng kỳ năm trước; thanh khoản của các tổ chức tín dụng được cải thiện; nợ xấu từng bước được xử lý; sản xuất công nghiệp từng bước hồi phục, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước; lĩnh vực dịch vụ phát triển khá; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra; tỷ lệ nhập siêu thấp; vốn FDI đăng ký và thực hiện tiếp tục đạt cao hơn cùng kỳ; giải ngân vốn ODA đạt khá; an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm.

Tiếp tục thực hiện kiềm chế lạm phát, quản lý chặt thị trường

Tuy nhiên, bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn; lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại trong những tháng tới; tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao; hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn; tổng cầu và sức mua còn yếu.

Ý kiến của một số thành viên Chính phủ đề xuất, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đã đề ra, bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, bởi đây là thời điểm dễ xảy ra những yếu tố gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô, đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; tích cực triển khai các chương trình phát triển thị trường trong nước; củng cố và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện hiệu quả hơn nữa các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đề nghị trong tháng cuối năm 2013, cần tập trung hơn nữa cho công tác thu, chống thất thu ngân sách Nhà nước; tiết kiệm triệt để chi; thực hiện tốt các biện pháp xử lý nợ đọng thuế; xử lý nghiêm và công khai các hành vi trốn thuế, gian lận thuế; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng như quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng đối với những dự án giao thông trọng điểm...

Cho biết một số kết quả tích cực trong giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để tiếp tục giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, phải từng bước khắc phục được tình trạng lệch pha cung-cầu, chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; gắn tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với chiến lược về nhà ở; hướng mạnh gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng vào người dân có thu nhập thấp, có nhu cầu thực sự về nhà ở...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các cấp, ngành cần chủ động có kế hoạch thực hiện Hiến pháp đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua, đồng thời tập trung tăng cường tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; quyết liệt hơn trong công tác phòng chống các loại hình tội phạm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán tới đây.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Bộ NNPTNT và các địa phương nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng cơ cấu diện tích cây trồng hợp lý, đảm bảo cho khả năng tiêu thụ của các sản phẩm nông sản; tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người nông dân cũng như chính sách thua mua tạm trữ lúa gạo.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền và một số thành viên Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ trong quản lý, điều hành thị trường, giá cả trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ trục lợi, găm hàng, đẩy giá bất hợp lý; ngăn chặn có hiệu các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... Đồng thời tập trung hỗ trợ các vùng bị thiên tai, bão lũ, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động; rà soát, thực hiện tốt chính sách đối với người có công; quan tâm hơn nữa đến công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khi đến làm việc ở các cơ quan công quyền.


Các thành viên Chính phủ dự phiên họp thường kỳ tháng 11/2013.

Thực hiện hiệu quả hơn việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn lại tháng 11 và 11 tháng năm 2013, kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực trên các mặt. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn của năm 2012 và duy trì tăng trưởng khoảng 5,4% là có thể thực hiện được.

Đề cập đến các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tập trung khắc phục khó khăn, hạn chế, yếu kém còn tồn tại; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đã đề ra.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên định, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, không để hàng hóa tăng giá đột biến, nhất là hàng nông sản, thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Cùng với đó là quan tâm thực hiện hiệu quả hơn nữa các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Tập trung tăng cường chống thất thu, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phấn đấu hoàn thành kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2013 theo dự toán đã được duyệt.

Nhấn mạnh hiện đang là mùa khô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm sử dụng vốn đầu tư theo đúng mục đích, yêu cầu và quy định.

Cùng với đó là tiếp tục rà soát và hỗ trợ đồng bào các vùng bị thiên tai, lũ lụt, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân ở các vùng này. Các ngành, các cấp chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân... Tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tăng cường phòng chống cháy nổ, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn trọng điểm.


Toàn cảnh phiên họp Chính phủ tháng 11/2013.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các ngành tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành pháp luật, bảo đảm phấn đấu đến hết năm 2013 cơ bản không còn văn bản nợ đọng; đồng thời chuẩn bị và thực hiện tốt việc tổng kết năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của ngành, chú ý tổ chức dưới hình thức hội nghị trực tuyến trên tinh thần bảo đảm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.

Liên quan đến các công trình, dự án thủy điện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng, các địa phương kiểm tra lại và báo cáo cụ thể về an toàn hồ đập của 268 thủy điện đang vận hành; tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác trồng lại rừng, tái định cư các dự án thủy điện cũng như sớm xây dựng quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa; quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với 205 thủy điện đang xây dựng và 348 thủy điện nằm trong quy hoạch.

                                                                                                                                               Theo Chinhphu.vn