Lượt xem: 1125 | Gửi lúc: 22/10/2013 15:07:59

Thời cơ mới, vận hội mới cho sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa

Theo kế hoạch ngày mai 23–10 Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ khởi công với số vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD. Đây là thời cơ mới, vận hội mới cho sự phát triển của Khu Kinh tế Nghi Sơn nói riêng, của tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Nhằm kịp thời thông tin đến bạn đọc sự kiện đặc biệt quan trọng này, phóng viên Báo Thanh Hóa đã phỏng vấn đồng chí Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án.

Phóng viên (PV):
Được đánh giá là công trình trọng điểm quốc gia, việc khởi công Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu (LHLHD) Nghi Sơn sẽ mở ra thời cơ, vận hội mới cho sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa, cũng như tác động tích cực đến sự phát triển của khu vực và cả nước. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn về dự án này?

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến: 
Dự án LHLHD Nghi Sơn là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, có tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ USD, liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPE), Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó: Petro Vietnam đóng góp 25,1%, KPE 35,1%, IKC 35,1% và MCI 4,7%. Theo thiết kế, Dự án LHLHD Nghi Sơn có tổng công suất của giai đoạn I là 10 triệu tấn/năm (200.000 thùng dầu thô/ngày) và sẽ nâng công suất giai đoạn II lên 20 triệu tấn dầu thô/năm (toàn bộ khối lượng dầu thô phục vụ cho dự án được cung cấp từ Kuwait). Dự án sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn I và vận hành thương mại vào năm 2017.

Ngày 27–1-2013, Công ty TNHH LHD Nghi Sơn đã ký Hợp đồng EPC đối với dự án, theo đó liên doanh nhà thầu do Công ty JGC (Nhật Bản) đứng đầu và các thành viên khác, bao gồm: Chiyoda (Nhật Bản), GS E&EC (Hàn Quốc), SK E&EC (Hàn Quốc), Technip France (Pháp) và Technip Geoproduction (Malaysia). Tiến độ hợp đồng cụ thể là: Thời gian thiết kế, mua sắm, xây dựng đến hoàn thành cơ khí trong vòng 40 tháng; thời gian chạy thử 8 tháng. Dự án LHLHD Nghi Sơn là tổ hợp hóa dầu chế biến sâu, tầm cỡ thế giới, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, nguyên liệu và sản phẩm chính, bao gồm: khí hóa lỏng (LPG), xăng A92, A95, A98; dầu diesel cao cấp, diesel thường, nhiên liệu phản lực và polypropylene... Khi hoàn thành đầu tư xây dựng đi vào hoạt động, dự án sẽ đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu của cả nước.

Ngày 23-10, Dự án LHLHD Nghi Sơn – công trình trọng điểm quốc gia sẽ khởi công xây dựng, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đáp ứng lòng mong đợi và sự kỳ vọng thiết tha của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; mở ra thời cơ, vận hội mới cho sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa nói chung cũng như tác động tích cực đến sự phát triển của khu vực Nam Thanh Hóa, Bắc Nghệ An và cả nước. Việc khởi công Dự án LHLHD Nghi Sơn, không những góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, mà tạo ra sức lan tỏa, bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư vào tỉnh, tạo ra nhiều việc làm mới, tăng nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh để từ một tỉnh luôn mất cân đối phải hỗ trợ ngân sách từ Trung ương sẽ trở thành tỉnh tự cân đối được ngân sách và còn có thể cân đối về ngân sách Trung ương; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh và vùng phụ cận có cơ hội nghiên cứu điều chỉnh chiến lược, cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh để phát triển các ngành dịch vụ, nhất là các ngành công nghiệp phụ trợ sau LHD, để tương lai không xa nữa Thanh Hóa sẽ trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển của cả nước.


PV:
Được biết, để có lễ khởi công, trong một thời gian dài, tỉnh Thanh Hóa nói chung, các ban, ngành chức năng nói riêng đã nỗ lực, quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành một khối lượng công việc lớn. Xin đồng chí cho biết rõ hơn, cụ thể những phần việc đó?


Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến:  
Dự án LHLHD Nghi Sơn có tổng diện tích thu hồi đất là 1.607 ha, trong đó: diện tích mặt bằng xây dựng nhà máy giai đoạn I là 358 ha (bao gồm cả 30,2 ha diện tích hành lang tuyến ống dẫn dầu) và 350 ha quy hoạch cho mở rộng giai đoạn II; với 3.000 hộ dân của 4 xã: Hải Yến, Tĩnh Hải, Mai Lâm, Xuân Lâm bị ảnh hưởng, trong đó có 1.730 hộ và khoảng 4.000 mồ mả phải di chuyển đến khu tái định cư. Do vậy, để có thể khởi công xây dựng công trình có nhiều việc phải làm, nhưng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là công việc khó khăn nhất.


Để thực hiện công tác GPMB và di dân tái định cư, phục vụ triển khai dự án, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện; ban hành chính sách hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất GPMB trong Khu Kinh tế Nghi Sơn, gắn với quy định rõ về trình tự, thủ tục, giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành, các cấp và huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác GPMB, trong đó vai trò chủ yếu là cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể huyện Tĩnh Gia và các xã trong vùng dự án; chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về công tác GPMB; công bố công khai các chế độ, chính sách của Trung ương và của tỉnh về bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư, các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Nhà nước, nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất để nhân dân biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện... Với sự nỗ lực, cố gắng của các ngành cấp tỉnh, đặc biệt là cán bộ và nhân dân huyện Tĩnh Gia đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB theo hướng có lợi cho người dân, nhưng vẫn bảo đảm các quy định của pháp luật, nên được nhân dân đồng tình, ủng hộ, góp phần bảo đảm tiến độ của dự án.


Theo đăng ký ban đầu, Dự án LHLHD Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD, sẽ hoàn thành thiết kế tổng thể cuối năm 2009 và vận hành thương mại vào năm 2013; tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, dự án đã điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên hơn 9 tỷ USD, việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng những biến động chính trị ở nhiều nước trên thế giới. Song, với sự nỗ lực cố gắng của các bên liên doanh, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa, rất nhiều những khó khăn, vướng mắc đã được tập trung tháo gỡ, hoàn tất các thủ tục pháp lý để tổ chức khởi công xây dựng dự án, đáp ứng lòng mong đợi của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.


Ngoài GPMB và một số công việc đã được giải quyết nêu trên còn nhiều công việc khác mà Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cũng như phía liên doanh giao cho Thanh Hóa như: đóng đường dân sinh qua nhà máy, đầu tư hạ tầng giao thông, cảng biển, thu hồi diện tích mặt biển, bảo đảm công tác an ninh trật tự, công tác môi trường... tỉnh Thanh Hóa đều tổ chức thực hiện nghiêm túc, một số nội dung công việc còn thực hiện tốt hơn cam kết.


PV:
Do sự lan tỏa của Dự án LHLHD Nghi Sơn, nhằm đón đầu làn sóng đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đã có kế hoạch cụ thể như thế nào thưa đồng chí?


Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến:  
Dự án LHLHD Nghi Sơn được khởi công xây dựng, rồi việc đưa vào sử dụng, khai thác có hiệu quả Cảng hàng không Thọ Xuân và nhiều công trình, dự án lớn, quan trọng khác, đã tạo ra sức lan tỏa, bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư vào tỉnh.


Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và làn sóng đầu tư vào tỉnh, Thanh Hóa đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận; tập trung xây dựng, ban hành các quy hoạch lớn mở đường cho thu hút đầu tư như quy hoạch khu Lam Sơn – Sao Vàng thành khu công nghiệp công nghệ, khu nông nghiệp công nghệ, với tổng diện tích khoảng 6.000 ha để định hướng trong tương lai sẽ cùng với Khu Kinh tế Nghi Sơn trở thành đầu tầu kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, nhân dịp khởi công Dự án LHLHD Nghi Sơn, trong các ngày 23, 24-10, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận. Đây là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia năm 2013, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Thanh Hóa, trong đó tập trung vào kêu gọi đầu tư những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế như: phát triển ngành công nghiệp phụ trợ sau LHD, các dự án sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao, điện tử, năng lượng, môi trường, phát triển du lịch; xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm...


Với nhận thức, thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến với Thanh Hóa, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết 02/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch hành động số 45/KH-UBND của UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy hoạch, các cơ chế chính sách, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, thực sự thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, hấp dẫn hơn; tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng các khu công nghiệp, nhất là giao thông, cảng biển, cảng hàng không, truyền tải phân phối điện, bưu chính viễn thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải; xóa bỏ phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; làm tốt công tác GPMB, bảo đảm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường đối thoại, nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư; bảo đảm an ninh, an toàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.


PV:
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch UBND tỉnh.