Ngay từ những năm 70, Chính phủ đã có chủ trương hình thành chiến lược xây dựng ngành công nghiệp lọc – hóa dầu. Năm 1977, dự án liên hợp lọc hóa dầu (LHLHD) đầu tiên được hình thành do Công ty Beicip của Pháp nghiên cứu thực hiện, dự kiến đặt tại Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa với công suất dự kiến ban đầu khoảng 5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đến năm 1979, dự án tạm dừng do thiếu vốn và mãi đến năm 2000 mới tái khởi động lại.
Đến tháng
8-2008, hợp đồng liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Công
ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI), Công ty Idemitsu Nhật Bản, Công ty Hóa chất
Mitsui Nhật Bản về triển khai Dự án LHLHD Nghi Sơn được ký kết. Nếu tính cả
thời gian 2 năm đàm phán trước đó, thì LHLHD Nghi Sơn phải mất 7 năm để đi đến
ngày khởi công (23-10-2013).
7 năm là một
khoảng thời gian khá dài. Nhưng nếu nhìn cả chặng đường dài mà dự án đã đi qua,
mới thấy khoảng thời gian trên là cần thiết. Ngay sau lễ ký kết hợp đồng liên
doanh ít ngày là việc trao giấy chứng nhận đầu tư của UBND tỉnh Thanh Hóa cho
liên doanh; tiếp đó là quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB) nhà máy với gần 600
hộ dân phải di chuyển; sau GPMB, việc san lấp mặt bằng được triển khai với yêu
cầu cao về tiến độ, chất lượng và tổng khối lượng đào đắp lên tới hàng triệu mét
khối đất. Bên cạnh đó là việc hoàn thành thiết kế tổng thể (FEED); ký thỏa thuận
bảo lãnh và cam kết của Chính phủ (GGU); phát hành thư trao thầu EPC (LOA); ký
hợp đồng EPC... Phần việc nào cũng đòi hỏi sự cẩn trọng, chi tiết, vì sự phát
triển ổn định, bền vững của dự án trong tương lai.
Để vượt qua những
cột mốc quan trọng đó, Chính phủ các nước Việt Nam, Nhật Bản, Cô–oét; các bên
liên doanh và tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện kiên trì, quyết tâm cao độ. Đặc biệt,
theo đánh giá của lãnh đạo PVN, PVN may mắn có các đối tác là các doanh nghiệp
lớn hàng đầu tại các nước, thể hiện rõ thiện chí và quyết tâm hợp tác đầu tư.
Trong đó, KPI là công ty dầu khí lớn nhất của Cô–oét. Các đối tác đến từ Nhật
Bản là những nhà đầu tư thận trọng, bài bản và có kinh nghiệm, uy tín cao trong
ngành lọc hóa dầu và hóa chất thế giới; trong đó Idemitsu được thành lập từ năm
1911 và từ 50 năm trước đã vận hành nhà máy lọc dầu đầu tiên; Tập đoàn Mitshu
Kemiko cũng kinh doanh hóa dầu từ năm 1958 và hiện đang hợp tác với Idemitsu giữ
vững vị thế dẫn đầu tại Nhật Bản trong lĩnh vực kinh doanh này. Trong liên
doanh, KPI bảo lãnh cung cấp nguồn dầu thô suốt đời cho dự án, Idemitsu bảo
lãnh về công nghệ cho dự án. Đây là những yếu tố quan trọng, bảo đảm cho liên
doanh có thể thu xếp được nguồn vốn vay lớn từ các ngân hàng và các tổ chức tài
chính quốc tế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.
Ngày 23-10,
LHLHD Nghi Sơn sẽ khởi công, với công suất lọc dầu dự kiến đạt 200.000
thùng/ngày (tương đương với 10 triệu tấn/năm); tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD.
LHLHD Nghi Sơn được đánh giá là dự án dầu khí lớn nhất được triển khai trong khu
vực trong vòng 10 năm trở lại đây. Đây cũng là dự án có vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. LHLHD Nghi Sơn có mục tiêu
góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là đối với các sản phẩm
dầu mỏ. Thực hiện chiến lược phát triển các lĩnh vực hạ nguồn của công nghiệp
chế biến dầu mỏ và khí, bao gồm các lĩnh vực lọc và hóa dầu; phát triển công
nghiệp hóa dầu, các ngành công nghiệp phụ trợ và các dịch vụ có liên quan.
Chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm trong việc quản lý và vận hành quá trình
lọc dầu. Thông qua dự án, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thiết lập được cơ sở kinh
doanh vững chắc tại Việt Nam và tăng cường các mối quan hệ ở Việt Nam. Với những
mục tiêu quan trọng đó, dự án sẽ tạo động lực mạnh mẽ nhằm phát triển kinh tế -
xã hội khu vực Nam Thanh Hóa, Bắc Nghệ An và các vùng phụ cận. Việc thực hiện
thành công LHLHD Nghi Sơn còn là yếu tố quan trọng trong việc thu hút thêm đầu
tư từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Cô–oét,
Hàn Quốc, Singapore.
Được biết, sau lễ
khởi công, dự án sẽ bước vào giai đoạn thi đua khẩn trương với phạm vi công việc
của Nhà thầu EPC bao gồm toàn bộ công việc thiết kế, mua sắm, xây lắp và hỗ trợ
chạy thử cho toàn bộ nhà máy. Theo ông Phùng Định Thực, Chủ tịch Hội đồng thành
viên PVN: Việc khởi công dự án là khởi đầu cho một chặng đường dài, nhiều khó
khăn phía trước. Dự kiến sẽ có từ từ 2.000-3.000 lao động phổ thông; hàng trăm
cán bộ, chuyên gia, kỹ sư cùng lượng lớn máy móc, thiết bị sẽ đổ về công trường;
hàng triệu ngày công lao động sẽ được sử dụng và khoảng 500.000 tấn thiết bị sẽ
được lắp đặt. Đây là khối lượng công việc lớn, đòi hỏi kinh nghiệm và sự sắc bén
của mỗi cán bộ, công nhân, chuyên gia.
Theo kế hoạch,
thời gian thiết kế, mua sắm, xây dựng đến hoàn thành cơ khí là 40 tháng, kể từ
ngày bắt đầu triển khai hợp đồng và 8 tháng chạy thử. Như vậy, nếu không có gì
thay đổi, năm 2017, LHLHD Nghi Sơn bắt đầu vận hành thương mại. Khi đó, với
LHLHD Nghi Sơn, Thanh Hóa được dự báo sẽ có nguồn thu ngân sách hàng năm từ 14
đến 17 nghìn tỷ đồng; đây là nguồn lực lớn lao, là “cú hích” trên lộ trình CNH,
HĐH của tỉnh. LHLHD Nghi Sơn - hạt nhân của Khu Kinh tế Nghi Sơn - động lực của
sự phát triển.
.Ngọc Hải