Cơ bản, nội dung cơ chế, chính sách hỗ trợ của Đề
án này như quy định tại Quyết định 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 về việc triển khai
thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với
lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (Quyết định 716). Tuy nhiên,
đề án này có điều chỉnh, bổ sung một số quy định để đảm bảo phù hợp hơn với thực
tế.
Cụ thể, các hộ nghèo chưa có nhà ở kiên cố có sàn
sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà và là hộ độc lập có
thời gian tối thiểu 2 năm tính từ thời điểm tách hộ đến khi Chính sách có hiệu
lực thi hành sẽ được hỗ trợ xây nhà ở phòng, tránh lũ, lụt.
Các hộ gia đình được hỗ trợ phải đang cư trú tại
vùng thường xuyên bị thiên tai lũ, lụt thuộc khu vực nông thôn hoặc tại các
thôn, làng, buôn, bản, ấp, phum, sóc trực thuộc phường, thị trấn, xã trực thuộc
14 tỉnh, TP: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên -
Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận,
Bình Thuận.
Theo đề xuất, do Nhà nước đang có khó khăn về cân
đối ngân sách cho Chương trình, để đảm bảo tính khả thi, đề nghị tập trung hỗ
trợ trước cho các hộ nghèo.
Thời gian thực hiện trong 2 năm (2014 – 2015),
trong đó năm 2014 hỗ trợ cho khoảng 15 nghìn hộ nghèo, với số vốn Ngân sách nhà
nước khoảng 156 tỷ đồng. Số còn lại (khoảng trên 25 nghìn hộ) sẽ triển khai thực
hiện trong năm 2015.
Sau khi hoàn thành việc hỗ trợ cho các hộ nghèo,
căn cứ tình hình thực tế sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện hỗ
trợ đối với những hộ thuộc diện cận nghèo (hơn 36.400 hộ).
Các hộ thuộc đối tượng hỗ trợ sẽ được Ngân sách
nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ và những hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt
khó khăn là 12 triệu đồng/hộ.
Đối với những hộ thuộc diện đối tượng của Chính
sách, nếu có nhu cầu vay vốn thì được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi
với mức tối đa là 15 triệu đồng/hộ.
Đối với những hộ dân đã được hỗ trợ nhà ở theo
các chương trình, chính sách khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức đoàn
thể có nhu cầu vay vốn thì được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính
sách xã hội để làm sàn phòng, tránh lũ, lụt (tăng 5 triệu đồng/hộ so với Quyết
định 716).
Đối với những hộ dân đang được hỗ trợ nhà ở theo
các chương trình, chính sách khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức đoàn
thể thì ngoài mức vay (nếu có) theo quy định của các chương trình, chính sách
đó, nếu có nhu cầu vay vốn thì được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng
Chính sách xã hội để lồng ghép với các nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay theo quy định
của các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở đó để xây dựng nhà ở kết hợp làm
sàn phòng, tránh lũ, lụt.
Ngoài ra, đóng góp của hộ gia đình và huy động
các nguồn vốn khác từ cộng đồng để thực hiện với mức tối thiểu 10 triệu
đồng/hộ.
Bộ Xây dựng cũng đồng thời đề xuất phương án giải
ngân nguồn vốn hỗ trợ và cho vay. Theo đó, đối với ngân sách Trung ương, các hộ
dân thực hiện xây mới sẽ được giải ngân lần đầu 70% vốn hỗ trợ sau khi đã hoàn
thành phần móng.
Riêng những hộ thực hiện cải tạo, nâng tầng nhà ở
sẽ được giải ngân lần đầu sau khi hoàn thành sàn vượt lũ. Sau khi các hộ hoàn
thành phần mái sẽ được giải ngân tiếp 30% còn lại.
Đối với vốn vay, các hộ sẽ được giải ngân 100%
vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội sau khi hoàn thành phần móng đối với hộ
xây mới và hoàn thành phần sàn đối với hộ thực hiện cải tạo, nâng tầng nhà
ở.
Về tổ chức thực hiện Đề án, Bộ Xây dựng đề xuất
áp dụng như quy định tại Quyết định 716. Ngoài ra, bổ sung quy định các tỉnh,
thành trực thuộc Trung ương tổ chức bình xét từ cơ sở thôn, bản; giao UBND cấp
huyện phê duyệt danh sách hỗ trợ và báo cáo UBND cấp tỉnh.
UBND cấp tỉnh lập và phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ
nghèo xây dựng nhà ở tránh lũ trên địa bàn. Các quy định khác như chi phí quản
lý thực hiện chính sách, thực hiện xây dựng... áp dụng như quy định tại Quyết
định 716.
Trước đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
tại Quyết định 716/QĐ-TTg, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành và địa
phương thực hiện thí điểm thành công việc hỗ trợ cho 700 hộ nghèo tại những khu
vực bị ảnh hưởng nặng bởi lũ, lụt trên địa bàn 7 tỉnh miền Trung xây dựng chòi
phòng tránh lũ, lụt.
Việc thực hiện Chương trình thí điểm đã giúp các
bộ, ngành và các địa phương rút ra những kinh nghiệm bổ ích từ việc xây dựng cơ
chế, chính sách hỗ trợ đến việc triển khai thực hiện để khi tiến hành triển khai
trên diện rộng đạt hiệu quả cao hơn.
Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với các địa phương
thực hiện điều tra, khảo sát, thống kê số hộ nghèo và hộ cận nghèo hiện đang
sinh sống tại khu vực bị ngập từ 1,5 m trở lên trên địa bàn các tỉnh miền Trung.
Theo đó, số hộ nghèo là 40.533 hộ, trong đó số hộ cư trú tại thôn đặc biệt khó
khăn là 8.050 hộ.
Số hộ cận nghèo là 36.449 hộ, trong đó số hộ cư
trú tại thôn đặc biệt khó khăn là 6.138 hộ. |
Phạm Bùi