Sáng 9-10, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, sau 10 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc.
Phát biểu bế
mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Các đồng chí Ủy viên Trung
ương và các đồng chí tham dự hội nghị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo
luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ, xác đáng vào các báo
cáo, đề án. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối
đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương
đã nhất trí cao thông qua nghị quyết hội nghị.
Tiếp tục ưu tiên
cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Với tinh thần
nhìn thẳng vào sự thật, xem xét các vấn đề một cách khách quan, khoa học, hội
nghị đã thống nhất nhận định về thực trạng kinh tế - xã hội đất nước thời gian
qua và xác định quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải
pháp chủ yếu cho năm 2014 và hai năm 2014 - 2015. Ban Chấp hành Trung ương ghi
nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân ta trong 3 năm qua, đã kịp thời điều chỉnh và tổ chức thực hiện tốt
các chủ trương, chính sách, biện pháp đưa kinh tế đất nước vượt qua những khó
khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực, đúng hướng trên các lĩnh vực.
Nổi bật nhất là đã kiềm chế được lạm phát và cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ
số giá tiêu dùng (CPI) từ mức 18,13% năm 2011 giảm xuống khoảng 7% năm 2013.
Hoạt động của hệ thống các tổ chức tài chính - tín dụng an toàn, ổn định hơn,
mặt bằng lãi suất giảm dần. Dự trữ ngoại hối tăng, tỉ giá ổn định. Tăng trưởng
kinh tế duy trì ở mức bình quân 5,6%/năm trong 3 năm 2011-2013; riêng năm 2013
dự kiến đạt 5,4% (cao hơn năm 2012)...
Ban Chấp hành
Trung ương đã chỉ rõ vẫn phải kiên trì mục tiêu tổng quát do Đại hội XI của Đảng
đã đề ra; song hai năm còn lại của nhiệm kỳ khóa XI ( 2014-2015) phải nỗ lực hơn
nữa để thực hiện mục tiêu: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát;
phục hồi nhịp độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh trên
cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng
trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế...
Thông qua Nghị
quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo
Phát triển những
kết quả đã đạt được tại Hội nghị Trung ương 6, hội nghị lần này đã thảo luận và
nhất trí ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Về mục tiêu của
đổi mới lần này, Trung ương chỉ rõ, phải tạo cho được chuyển biến căn bản về
chất lượng và hiệu quả giáo dục- đào tạo; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài
đang gây bức xúc trong xã hội. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện
và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, hết
lòng phục vụ nhân dân và đất nước; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng
tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục
mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt...
Tiếp tục hoàn
thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Ban Chấp hành
Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận một số vấn đề còn có ý kiến khác
nhau và góp ý cụ thể vào từng chương, điều và toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
năm 1992. Một lần nữa, Trung ương hoan nghênh và cảm ơn đồng bào, chiến sĩ cả
nước và kiều bào ta ở nước ngoài, trong thời gian qua tiếp tục có nhiều ý kiến
đóng góp hoàn chỉnh Dự thảo; đồng thời hoan nghênh, đánh giá cao các đại biểu
Quốc hội đã phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, đóng góp nhiều ý kiến cụ
thể, xác đáng vào nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ban Chấp hành Trung ương
ghi nhận, biểu dương Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các cơ quan
chức năng đã khẩn trương, nghiêm túc tổng hợp, phân tích, tiếp thu, giải trình
một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
năm 1992.
Ngay sau hội nghị
này, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các cơ quan chức
năng cần khẩn trương tiếp thu ý kiến của Trung ương hoàn chỉnh toàn văn Dự thảo
sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.
Vận dụng nhuần
nhuyễn bài học dựng nước và giữ nước của ông cha
Tổng kết việc
thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Ban Chấp
hành Trung ương nhất trí cho rằng: 10 năm qua, trong bối cảnh tình hình quốc tế
và khu vực có nhiều biến động rất phức tạp, đất nước gặp nhiều khó khăn gay gắt,
các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá nước ta, với sự nỗ lực
phấn đấu cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã giữ vững được ổn
định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc
độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc,
bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tiềm lực kinh tế, uy
tín, vị thế quốc tế của đất nước được nâng cao. Nền quốc phòng toàn dân, an ninh
nhân dân được củng cố; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; sức mạnh
tổng hợp bảo vệ Tổ quốc được nâng lên một bước. Tuy nhiên, sự nghiệp bảo vệ Tổ
quốc hiện vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Ban Chấp hành
Trung ương khẳng định phải tiếp tục thực hiện những mục tiêu, quan điểm, phương
hướng, phương châm chỉ đạo mà Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX đã đề ra, đồng
thời bổ sung và phát triển cho phù hợp với tình hình mới. Nắm vững và vận dụng
nhuần nhuyễn bài học của ông cha ta: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”, “giữ nước
từ khi nước chưa nguy”; có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh,
xung đột từ sớm, từ xa. Nghĩa là, làm sao cho kinh tế phải vững, quốc phòng phải
mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân
tộc là một khối đoàn kết thống nhất.
Thành lập 5
Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII của Đảng
Ban Chấp hành
Trung ương đã thảo luận kỹ và thống nhất quyết định thành lập 5 Tiểu ban chuẩn
bị Đại hội XII của Đảng gồm: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế- Xã hội; Tiểu
ban Điều lệ Đảng; Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Tổ chức phục vụ đại hội. Các tiểu
ban cần khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để sớm đi vào hoạt động, bảo
đảm chất lượng và hiệu quả.
Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Các quyết sách Trung ương đề ra lần này đều rất hệ
trọng, có tầm ảnh hưởng to lớn đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh
tế - xã hội, chấn hưng giáo dục, đào tạo, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, bảo
vệ Tổ quốc, bảo đảm sự trường tồn của đất nước ta, chế độ ta. Tổng Bí thư đề
nghị: Mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý hãy nêu
cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu thực hiện và tổ chức lãnh
đạo thực hiện thật tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này cùng với Nghị
quyết Đại hội XI và các nghị quyết khác của Trung ương.
Theo TTXVN