Lượt xem: 2188 | Gửi lúc: 12/09/2013 08:34:17

Khu công nghiệp sử dụng công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng – thêm điểm nhấn trong bức tranh công nghiệp tỉnh nhà

Bên cạnh việc phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), để khai thác tiềm năng và thế mạnh của các địa phương và vùng miền, tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch và thành lập một số khu công nghiệp (KCN) tập trung như: KCN Lễ Môn (75 ha); KCN Đình Hương (112 ha); KCN Bỉm Sơn 568 ha. Trong đó, KCN sử dụng công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng đang trong quá trình hình thành là điểm nhấn trong bức tranh công nghiệp khu vực phía Tây của tỉnh.

Lamson.gif
Một góc khu vực dự kiến xây dựng khu công nghiệp sử dụng công nghệ cao (xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân).

Theo Viện Quy hoạch Thanh Hóa, khu vực Lam Sơn – Sao Vàng nằm ở vị trí trung tâm hình học tỉnh Thanh Hóa, là trung tâm giao lưu giữa miền núi trung du phía Tây với vùng đồng bằng và ven biển phía Đông tỉnh Thanh Hóa. Đây được xác định là 1 trong 4 cụm động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Tại đây, có cảng hàng không dân dụng Thọ Xuân, trong tương lai sẽ nâng cấp lên sân bay quốc tế; có đường Hồ Chí Minh nối khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) với Lam Sơn – Sao Vàng dài 100 m; Quốc lộ 47 nối TP Thanh Hóa với Lam Sơn – Sao Vàng dài 40 km. Tương lai, 2 tuyến đường này sẽ nâng lên cao tốc, rút ngắn thời gian đi lại giữa Hà Nội, TP Thanh Hóa với Lam Sơn – Sao Vàng. Tỉnh ta cũng đã có chủ trương đầu tư xây dựng tuyến cao tốc nối KKTNS với khu vực Lam Sơn – Sao Vàng dài 60km và tuyến đường sắt cao tốc nối TP Thanh Hóa, đường bộ nối các cụm kinh tế động lực trong tỉnh với Lam Sơn – Sao Vàng. Bên cạnh đó, Lam Sơn – Sao Vàng là vùng đất có nhiều thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển công nghiệp và đô thị, như: quỹ đất xây dựng nhiều, ít phải bồi thường, giải phóng mặt bằng, ít phải san lấp và không phải đất trồng lúa; có nguồn lao động dồi dào; có hệ thống hạ tầng kỹ thuật nội tại kết nối với các vùng trong tỉnh và trong nước thuận lợi. Lam Sơn – Sao Vàng còn là vùng có tài nguyên đất đai phát triển nông  nghiệp, có truyền thống, kinh nghiệm trong sản xuất, canh tác nông nghiệp và cho năng suất cao. Tại đây, đã và đang xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được UBND tỉnh chính thức phê duyệt quy hoạch và xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn bước đầu với quy mô 125 ha, có khả năng phát triển nhân rộng lên 1.000 ha. Ngoài ra, khu vực Lam Sơn – Sao Vàng và vùng kế cận có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, cảnh quan và sinh thái đa dạng, phong phú.

Tất cả các yếu tố trên đã tạo cho Lam Sơn – Sao Vàng có một vị thế quan trọng trong tổng thể mối quan hệ vùng tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, đặc biệt là với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Việc gắn kết chặt chẽ các yếu tố, lĩnh vực, thế mạnh của vùng như: phát triển đô thị - phát triển công nghiệp – phát triển nông nghiệp công nghệ cao – phát triển du lịch bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ hỗ trợ khác đã tạo ra cơ hội và thách thức cho Lam Sơn – Sao Vàng phát triển, tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Chính vì thế, UBND tỉnh đã có chủ trương phát triển khu vực Lam Sơn – Sao Vàng thành một “tổ hợp công – nông nghiệp công nghệ cao – đô thị và dịch vụ du lịch”, làm động lực cho phát triển kinh tế tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là khu vực miền Tây Thanh Hóa.

Mục tiêu hướng tới của KCN sử dụng công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng là xây dựng thành KCN sạch, sử dụng công nghệ cao, hướng tới hình thành khu công nghệ cao, bao gồm: công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ – điện tử, quang – điện tử và tự động hóa; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thủy sản và y tế. Trước mắt ưu tiên cho các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm nguyên chiếc và linh kiện, điện tử, viễn thông như điện thoại, máy tính, máy ảnh kỹ thuật số... và các sản phẩm công nghệ cao khác, gắn với đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, hướng tới phát triển thành khu công nghệ cao trong tương lai. Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 1.975 ha, thuộc địa phận các xã Xuân Sơn, Xuân Thắng và Xuân Phú, huyện Thọ Xuân. Cơ cấu quy hoạch, bao gồm: KCN sử dụng công nghệ cao 750 ha; các khu chức năng thuộc khu công nghệ cao 175 ha; khu đô thị thông minh 535 ha; đất hạ tầng kỹ thuật 190 ha và diện tích đất núi đồi, ao hồ là 325 ha.

Trong giai đoạn 1, dự kiến tại đây sẽ thành lập và tập trung đầu tư cho KCN sử dụng công nghệ cao khoảng 350 ha; trước mắt ưu tiên xây dựng KCN điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; giai đoạn 2 sẽ phát triển khu “nghiên cứu và ứng dụng RD” “vườn ươm doanh nghiệp”; các cơ sở đào tạo và dạy nghề nhằm tạo nguồn nhân lực “sản xuất và ứng dụng công nghệ cao” cho KCN; giai đoạn 3 sẽ hoàn chỉnh các khu chức năng còn lại và thành lập khu công nghệ cao sau năm 2025.

Hiện nay, tỉnh ta đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư nhằm hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng KCN sử dụng công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng. Trong tháng 4 vừa qua, đoàn đại biểu cấp cao của TP Seongnam, Hàn Quốc sang thăm và làm việc tại tỉnh ta và đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác năm 2013, trong đó có nội dung quan trọng là TP Seongnam sẽ cử đoàn công tác gồm các doanh nghiệp, chuyên gia về quy hoạch sang hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa xây dựng quy hoạch Khu công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng.