Chiều ngày 22/7/2022, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác chuyển đổi số 06 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2022. Đồng chí Mai Xuân Liêm – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh chủ trì hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh. Tại điểm cầu cấp huyện có đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Theo Báo cáo của BCĐ Chuyển đổi số cấp tỉnh được đồng chí Đỗ Hữu Quyết – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trình bày tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2022 công tác chuyển đổi số toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả ghi nhận.
Cụ thể, về xây dựng chính quyền số, 100% cán bộ, công chức đã thực hiện tiếp nhận, luân chuyển, xử lý văn bản đi/đến, dự thảo, xin ý kiến, trình duyệt, ký số, phát hành văn bản trên phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; 100% văn bản và hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạng. Tổng số lượt văn bản trao đổi, xử lý trên môi trường điện tử là 1.902.270 văn bản (1.328.552 văn bản đến; 573.718 văn bản đi); tỷ lệ văn bản được ký số đạt trên 99,8% giúp cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước.
Đồng chí Đỗ Hữu Quyết – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trình bày báo cáo tại Hội nghị.
Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã cung cấp 149 dịch vụ công mức độ 3 và 725 dịch vụ công mức độ 4 (chiếm 36%) của 03 cấp hành chính; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 776 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa của tỉnh đã tiếp nhận 502.225 hồ sơ trong đó tiếp nhận, xử lý 192.933 hồ sơ trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn đạt 97,60%. Đã thực hiện đồng bộ kết quả giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh trên môi trường điện tử từ Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia về Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia. 100% hồ sơ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh đều được thực hiện trực tuyến.
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị.
Các ngành đã triển khai các ứng dụng CNTT trong lĩnh vực chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý và điều hành như: Ngành Giao thông vận tải đã áp dụng phần mềm quản lý hệ thống cầu đường, phần mềm quản lý tài sản hạ tầng giao thông giúp nâng cao chất lượng; áp dụng hệ thống Govone trong công tác duy tu bảo dưỡng công trình đường bộ giúp quản lý giám sát tập trung, trực tuyến, khách quancông tác hiện trường cũng như kết quả tuần đường, tuần kiểm, sửa chữa, bảo trì đường bộ... Ngành Xây dựng đang phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở, công sở; cung cấp thông tin về các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép hàng năm, chỉ số giá một số loại bất động sản tại các đô thị được công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản. Ngành Nội vụ đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh xây dựng phần mềm “Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thanh Hóa” và mở rộng đến cấp xã phần mềm “Chấm điểm chỉ số cải cách hành chính và chấm điểm mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh”...
Về kinh tế số, ngành Công Thương đang phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện 02 đề án “Duy trì, cập nhật và quảng bá Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thanh Hoá năm 2022” và “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hoạt động thương mại điện tử tại địa phương” theo chỉ đạo của Bộ Công Thương theo Quyết định số 2951/QĐ-BCT ngày 27/12/2021 nhằm hỗ trợ các đơn vị cung cấp thông tin và quảng bá sản phẩm; đồng thời hỗ trợ công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngành Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn, hỗ trợ 5.425 doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử voso.vn, trong đó có 13 sản phẩm OCOP; 61.391 doanh nghiệp, hộ kinh doanh lên sàn thương mại điện tử postmart.vn, trong đó có 38 sản phẩm OCOP; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông-CNTT hỗ trợ trên 548.817 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu. Cục thuế Thanh Hóa đã triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; công khai, minh bạch các hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Hiện đang thực hiện kết nối chia sẻ dữ liệu với ngành giao thông vận tải dữ liệu về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe để phục vụ công tác quản lý thuế trên địa bàn; tính đến 31/5/2022 đã có 14.037 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 97,5%); có 1.018 hộ, cá nhân nộp thuế bằng hóa đơn điện tử (chiếm 98,4%); có 1.300.281 hóa đơn điện tử đã được sử dụng...
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị.
Về xã hội số, đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai Nền tảng Quản lý tiêm chủng, cấp hộ chiếu vắc xin theo yêu cầu của Bộ Y tế. Hệ thống xét nghiệm thông minh, hướng tới bệnh án điện tử, bệnh viên thông minh. Triển khai việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) trong khám chữa bệnh thay thế thẻ bảo hiểm y tế; số lượng cơ sở đã sử dụng thẻ CCCD trong khám chữa bệnh: 211 cơ sở; số lượng công dân sử dụng CCCD khám chữa bệnh: 6.409 lượt công dân; số lượng công dân sử dụng CCCD khám chữa bệnh tra cứu có thông tin: 2.580/6.409 lượt công dân do dữ liệu của bảo hiểm cập nhật chưa đầy đủ; Số lượng CCCD được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng CCCD là 1.482.332 thẻ; 27/27 bệnh viện tuyến huyện đã kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương; 100% các bệnh viện công lập triển khai thanh toán phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; 100% bệnh viện công lập đã triển khai hóa đơn điện tử. Ngành Công an thực hiện Đề án 06, đã triển khai thực hiện 9/11 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (tiếp nhận, giải quyết trên 19.000 hồ sơ); đã huy động tối đa lực lượng, khắc phục những khó khăn, tăng cường làm thêm giờ, kết hợp giữa thu nhận hồ sơ CCCD tại đơn vị với thu nhận hồ sơ CCCD lưu động để phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu thu nhận hồ sơ CCCD, thu nhận hồ sơ định danh điện tử Bộ Công an giao...
Tại Hội nghị các đại biểu đã trao đổi về những nội dung chuyển đổi số của ngành, địa phương thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022, khó khăn, vướng mắc và phương hướng, giải pháp hoàn thành các nhiệm vụ còn lại trong 6 tháng cuối năm 2022.
Đồng chí Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Mai Xuân Liêm – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đánh giá cao và ghi nhận những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm về công tác chuyển đổi số của tỉnh.
Đồng chí Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, nút thắt cần phải tháo gỡ để triển khai thực hiện các kế hoạch về chuyển đổi số trong thời gian tới. Đồng chí nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, cần thường xuyên và sự quyết tâm của người đứng đầu trong các cơ quan quản lý nhà nước; xác định yếu tố con người và thể chế là đầu tiên. Đồng chí cũng cho rằng, việc đưa chỉ tiêu về chuyển đổi số vào đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ cuối năm của các sở, ban, ngành, địa phương là việc cần thiết, quan trọng. Bên cạnh đó, sự vào cuộc chung tay của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp thì mới thành công.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, đồng chí Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Mai Xuân Liêm yêu cầu các ngành, địa phương rà soát, xem xét các nhiệm vụ còn lại về công tác chuyển đổi số của đơn vị mình để có giải pháp trong 6 tháng cuối năm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Đồng chí yêu cầu các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND các huyện, thị, xã, thành phố cần tập trung chỉ đạo, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện việc chuyển đổi số của ngành, địa phương mình năm 2022 và thời gian tới; với các nội dung trọng tâm như sau:
Tiếp tục triển khai nhiệm vụ theo Kế hoạch số 157/KH-UBND ngày 10/6/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về triển khai thúc đẩy phát triển thương mại điện tử dựa trên Nền tảng sàn thương mại điện tử; Kế hoạch số 99/KH-BCĐ ngày 05/4/2022 về hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số năm 2022; Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 25/4/2022 triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số năm 2022 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 969/QĐ-UBND ngày 18/3/2022 của UBND tỉnh về chỉ tiêu chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã (nhất là 94 xã chuyển đổi số năm 2022)…
Tăng cường chỉ đạo, thực hiện ngay có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến. Giám đốc các sở, ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo, triển khai chuyển đổi số bảo đảm hiệu quả, thiết thực; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao về chuyển đổi số.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo UBND cấp xã đảm bảo thực hiện chuyển đổi số cấp xã theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để hoàn thành các chỉ tiêu được Chủ tịch UBND tỉnh giao tại Quyết định số 969/QĐ-UBND ngày 18/3/2022.
Giao Sở Tài chính khẩn trương tổng hợp kinh phí trình Chủ tịch UBND tỉnh, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh giao kinh phí để các chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ theo quy định.
Giám đốc các sở, ngành, đơn vị đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, dự toán ứng dụng CNTT tại Công văn số 6004/UBND-CNTT ngày 29/4/2022. Hàng tháng, quý báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Sau Hội nghị này, giao cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh dự thảo thông báo kết luận Hội nghị để báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh và để các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện./.