Hội thảo nhằm nâng cao hiệu quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.
Hội thảo do Tổng Hội Xây dựng Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Bộ
Xây dựng, có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch trong
nước cũng như nhà quản lý ở các địa phương tham dự đã góp lên tiếng nói
phong phú, đa chiều về thực tiễn và định hướng quy hoạch đô thị và quản
lý xây dựng theo quy hoạch ở Việt Nam hiện nay.
Theo kỹ sư Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thì,
công tác tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị
là khâu hết sức quan trọng để thực hiện các ý tưởng, mục tiêu quy hoạch
đô thị lập ra. Tầm quan trọng này đã được Luật Quy hoạch Đô thị quy
định rõ ràng rằng: "Mỗi dự án quy hoạch đều phái lập, phê duyệt quy định
quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị được phế
duyệt...".
Đến hết năm 2012, nước ta có 765 đô thị, chiếm tỷ lệ đô thị hóa đạt
32,45%. Các đô thị đã đóng góp 70% GDP của quốc gia, tạo động lực cho
phát triển đất nước sau một chặng đường nhiều năm đổi mới. Tuy nhiên, ở
nhiều tỉnh, thành, công tác quy hoạch đô thị chưa được thực hiện nghiêm,
những công trình xây dựng không phép, sai phép, không tuân thủ quy
hoạch chung còn diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó là sự chênh lệch giàu
nghèo, mất cân đối giữa các vùng đô thị hóa và vùng ven đô.
Nguyên nhân của thực trạng này, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết là
do năng lực và trình độ quản lý đô thị của các địa phương chưa đáp ứng
được tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị dẫn đến những bất cập trong
việc quản lý đô thị, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và lao
động của người dân. Sự phát triển về quy mô đô thị chưa đi đôi với nâng
cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ đô thị, nên những tồn tại chậm được
khắc phục...
Tất cả những vấn đề đó đang đặt ra thách thức cho công tác quản lý phát triển đô thị.
Trong bối cảnh đó, công tác quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch có ý
nghĩa hết sức quan trọng, phải điều phối các nguồn lực nhằm thúc đẩy sự
phát triển bền vững cũng như phát huy nguồn thu từ ngân sách địa phương
để giảm thiểu hỗ trợ từ nguồn ngân sách từ Trung ương.
"Chúng ta cần nghiên cứu và đề xuất các nhóm giải pháp quản lý xây dựng
đô thị cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng đô thị, nâng cao tính minh
bạch và thông tin về định hướng phát triển của đô thị để đảm bảo khả
năng tập trung nguồn lực đầu tư, thực hiện các định hướng phát triển đáp
ứng yêu cầu trước mắt nhưng vẫn đảm bảo khả năng linh hoạt, thích ứng
với những diễn biến của thị trường. Bên cạnh đó, sẵn sàng thực hiện các
điều chỉnh có tính chiến lược khi có các yêu cầu mới trong tương lai" -
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết chính quyền các cấp
cần huy động được sự tham gia chủ động, tích cực hơn của cộng đồng ngay
từ quá trình lập quy hoạch cũng như chủ động thực hiện quy hoạch, hạn
chế những tác động bất lợi của quy hoạch “treo”.
Bộ Xây dựng đã và đang từng bước
xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về các lĩnh vực
thuộc ngành với mục tiêu phủ kín hoạt động, phân cấp mạnh mẽ, rõ ràng
trách nhiệm, đơn giản thủ tục và phát huy nguồn lực, tạo hành lang pháp
lý có hiệu quả cho phát triển, quản lý đô thị và các ngành lĩnh vực khác
có liên quan. Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số
11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị nhằm
từng bước lập lại trật tự trong quản lý đầu tư phát triển đô thị theo
đúng quy hoạch và kế hoạch được duyệt, điều chỉnh toàn diện công tác đầu
tư phát triển đô thị từ tổng thể đô thị cho đến từng dự án cụ thể cũng
như toàn bộ các khâu từ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, chấp thuận
chủ trương đầu tư cho đến bàn giao quản lý và vận hành dự án khu đô thị. |
Trần Đình Hà