Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BXD-BNV hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị (QLĐTPTĐT). Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/01/2014, thay thế cho Thông tư 04/2006/TT-BXD ngày 18/8/2006 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện quy chế KĐTM ban hành theo Nghị định số 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Ảnh minh họa.
Phát triển đô thị theo đúng quy hoạch, kế hoạch
Theo Thông tư liên tịch, khu vực phát triển đô thị (KVPTĐT) phải được
định kỳ (5 năm một lần) xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện
đầu tư xây dựng để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát
triển kinh tế, xã hội và dự báo nhu cầu về phát triển đô thị. Sở Xây
dựng chủ trì rà soát định kỳ việc thực hiện các KVPTĐT đã được phê duyệt
của địa phương và báo cáo bằng văn bản về UBND cấp tỉnh, cơ quan có
thẩm quyền phê duyệt KVPTĐT và Bộ Xây dựng.
Đối với KVPTĐT thuộc địa giới hành chính của 2 tỉnh, TP trực thuộc
Trung ương trở lên, Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các
UBND cấp tỉnh có liên quan rà soát định kỳ việc thực hiện các KVPTĐT,
báo cáo Thủ tướng Chính phủ để quyết định điều chỉnh nếu cần thiết.
Trong hồ sơ đề xuất KVPTĐT phải thể hiện cụ thể phân đợt thực hiện đầu
tư theo các giai đoạn 5 năm với danh mục các dự án được thực hiện trong
từng phân đợt. Kế hoạch thực hiện KVPTĐT được lập căn cứ theo: Thời hạn
thực hiện của quy hoạch đô thị và chương trình phát triển đô thị đã được
phê duyệt; dự báo nhu cầu về nhà ở và dịch vụ đô thị (gắn liền với tốc
độ gia tăng dân số dự kiến) và khả năng huy động các nguồn lực cho công
tác đầu tư xây dựng…
Sở Xây dựng là cơ quan chịu trách nhiệm
Theo Thông tư liên tịch, KVPTĐT tại các đô thị có đồ án quy hoạch chung
thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và KVPTĐT mới, khu
vực bảo tồn đô thị, khu vực tái thiết đô thị, khu vực có chức năng
chuyên biệt (quy định tại các khoản 2, 5, 6, 7 Điều 2 của Nghị định số
11/2013/NĐ-CP) sẽ phải thành lập Ban quản lý (BQL) KVPTĐT.
BQL KVPTĐT có thể được thành lập mới hoặc thành lập trên cơ sở tổ chức
sắp xếp lại các BQL dự án đầu tư xây dựng, BQL phát triển đô thị, BQL
phát triển hạ tầng, BQL khu đô thị mới trực thuộc UBND cấp tỉnh hiện có
trên địa bàn.
Sở Xây dựng là cơ quan chịu trách nhiệm đề nghị thành lập, tổ chức lại
và giải thể QBL KVPTĐT. Đồng thời, Sở Xây dựng và các Sở quản lý chuyên
ngành có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và
thanh tra, kiểm tra các hoạt động của BQL KVPTĐT trong phạm vi các lĩnh
vực quản lý nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật.
Đối với KVPTĐT thuộc địa giới hành chính của 2 tỉnh, TP trực thuộc
Trung ương trở lên, các BQL KVPTĐT có trách nhiệm phối hợp với nhau
trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng, kết nối đồng bộ, tiến độ, chất
lượng và hiệu quả công tác đầu tư tại các khu vực được giao quản lý. Bộ
Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, TP có liên quan thành
lập Ban điều phối KVPTĐT để chỉ đạo, hỗ trợ các BQL KVPTĐT của địa
phương thực hiện đồng bộ quá trình thực hiện KVPTĐT thuộc địa giới hành
chính của 2 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trở lên cũng như phối hợp với
UBND cấp tỉnh có liên quan xem xét, xử lý các vấn đề vướng mắc, phát
sinh trong quá trình thực hiện KVPTĐT theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ
tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Để đảm bảo việc đầu tư PTĐT theo quy hoạch và kế hoạch, BQL KVPTĐT sẽ
có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng
kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện KVPTĐT, bao gồm việc đề xuất danh
mục, loại nguồn vốn và lộ trình thực hiện các dự án đầu tư PTĐT, trình
UBND cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Đồng thời, BQL KVPTĐT có trách nhiệm tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu
tư và nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù áp dụng
đối với hoạt động đầu tư xây dựng trong KVPTĐT; lập kế hoạch lựa chọn
chủ đầu tư dự án ĐTPTĐT, trình UBND cấp tỉnh quyết định; theo dõi, giám
sát việc thực hiện các dự án ĐTPTĐT đảm bảo đúng theo quy hoạch, kế
hoạch, tiến độ theo các nội dung dự án đã được phê duyệt...
Nhiều dự án chậm tiến độ sẽ bị dừng triển khai
Theo Thông tư liên tịch, UBND các cấp sẽ giao cho Sở Xây dựng chủ trì
tổ chức rà soát đánh giá thực trạng triển khai và phân loại các dự án
phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã được chấp thuận, cho phép đầu tư
trước ngày Nghị định số 11/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành; làm rõ tình
hình tồn kho BĐS trên địa bàn để báo cáo UBND cấp tỉnh. Căn cứ trên kết
quả rà soát, đánh giá này, UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc dừng, tạm
dừng hoặc cho tiếp tục triển khai các dự án.
Thông tư cũng đưa ra những nguyên tắc cơ bản để phân loại dự án thành 4
nhóm: Nhóm dự án được tiếp tục triển khai; Nhóm các dự án cần điều
chỉnh để được tiếp tục triển khai; Nhóm các dự án tạm dừng; Nhóm các dự
án phải dừng. Trong đó, nhóm các dự án phải dừng là những dự án không
giải phóng được mặt bằng, dự án có chức năng không phù hợp quy hoạch đô
thị được duyệt; dự án thực hiện chậm tiến độ phải bị xử lý thu hồi theo
quy định của pháp luật về đất đai và BĐS.
Theo Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BXD-BNV, BQL KVPTĐT có các
phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Tùy theo quy mô và tính chất của KVPTĐT
phải quản lý có thể thêm phòng quản lý theo khu vực nhưng phải đảm bảo
thiết thực, hiệu quả.
Trưởng ban, Phó trưởng ban sẽ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm,
miễn nhiệm trên cơ sở đề xuất của Giám đốc Sở Xây dựng, thẩm định của Sở
Nội vụ theo phân cấp của UBND cấp tỉnh và quy định của pháp luật.
Các viên chức của QBL KVPTĐT sẽ do Trưởng ban quyết định tuyển
dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm các viên chức trên cơ sở tuân thủ các quy
định của pháp luật về quản lý, tuyển dụng, sử dụng viên chức, người lao
động trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
|
Phạm Bùi