ảnh minh họa
Chuyển đổi nhà thương mại sang nhà TNT
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ngày 1/3/2013, Chính
phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP “về một số giải pháp tháo gỡ khó
khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu”.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ
quan, địa phương rà soát tất cả các dự án phát triển nhà ở để phân loại
xem dự án nào được tiếp tục thực hiện, dự án nào tạm dừng, dự án nào
phải điều chỉnh, chuyển đổi thành dự án phát triển nhà ở xã hội cho phù
hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội. Như vậy, không phải
là chung cư, căn hộ cao cấp nữa mà nhà ở xã hội được coi là một lối
thoát cho thị trường bất động sản sắp tới.
Sau khi Chính phủ cho phép được chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở
xã hội, ngay lập tức, trên thị trường xuất hiện làn sóng các dự án
thương mại ồ ạt xin chuyển đổi thành nhà ở xã hội để hưởng những chính
sách ưu đãi của nhà nước.
Tính đến cuối tháng 10/2013, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có tới 26
dự án nộp hồ sơ xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại
và chuyển đổi các dự án từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội.
Với những doanh nghiệp địa ốc đang gặp khó khăn, việc cho phép chuyển
đổi dự án sang nhà ở xã hội là một trong những giải pháp giúp họ tìm
được lối ra cho dự án của mình. Theo nhiều ý kiến, giải pháp này không
chỉ giúp doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho người dân mua được nhà
giá thấp.
Tuy nhiên không phải dự án nào cũng được phép chuyển đổi. Tính đến nay,
số lượng dự án được phê duyệt chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho BĐS
Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng cũng đã ký kết ban
hành Thông tư về hỗ trợ cho vay mua nhà ở nhằm thực hiện Nghị quyết 02
của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị
trường và giải quyết nợ xấu. Theo chủ trương của Nghị quyết 02, các ngân
hàng sẽ phải dành lượng vốn khoảng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi
cho vay đầu tư, kinh doanh và thuê mua nhà.
Được xem là “phao cứu sinh”, ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của thị
trường BĐS nhưng cho đến nay, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng vẫn chưa phát
huy tác dụng như mong đợi. Đặt kỳ vọng nhiều bao nhiêu khi vừa được sinh
ra thì gói hỗ trợ lãi suất 6%/năm lại làm các doanh nghiệp và người dân
thất vọng bấy nhiêu khi triển khai trên thực tế chỉ được giải ngân nhỏ
giọt. Sau hơn 5 tháng, việc tiếp cận nguồn vốn từ gói 30.000 tỷ đồng ưu
đãi lãi suất 6%/năm hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà này vẫn rất
chậm.
Theo Bộ Xây dựng, gói 30.000 tỉ đồng tới thời điểm này mới giải ngân
được 341 tỉ đồng tương đương khoảng 1,1%. Lý do là có quá nhiều thủ tục
phức tạp khiến người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận.
Tràng Tiền Plaza hồi sinh
Đầu tháng 4/2013, tại Hà Nội, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương- IPP đã tổ
chức khai trương Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza sau hai năm cải
tạo, nâng cấp để biến nơi đây trở thành một trung tâm mua sắm với các
nhãn hàng đẳng cấp thế giới.
TTTM Tràng Tiền hồi sinh sau một thời gian dài "đắp chiếu".
Hồi sinh trung tâm thương mại Tràng Tiền (Tràng Tiền Plaza), biến nó
thành nơi mua sắm hàng hiệu đẳng cấp nhất Việt Nam trong bối cảnh kinh
tế khủng hoảng được đánh giá là một quyết định rất mạo hiểm của
Johnathan Hạnh Nguyễn.
Sau 2 năm tu sửa, Tràng Tiền Plaza trở lại với một diện mạo không quá
xa lạ, nhưng cũng làm người dân Thủ Đô phải choáng ngợp trước vẻ sang
trọng và lộng lẫy...
Với mục đích biến Tràng Tiền Plaza từ một trung tâm thương mại bậc nhất
Hà Nội thành một trung tâm mua sắm sang trọng ngang tầm với các trung
tâm mua sắm lớn trong khu vực và thế giới, dự án nâng cấp Trung tâm
thương mại đã được đầu tư 20 triệu USD (khoảng hơn 400 tỷ đồng).
Tràng Tiền Plaza vẫn được giữ nguyên kết cấu, kiến trúc bên ngoài với
nét truyền thống, chỉ tập trung nâng cấp bên trong tòa nhà, với nội thất
mang một phong cách hoàn toàn mới.
Khai trương Vincom Mega Mall Royal City
Ngày 26/7/2013, Tập đoàn Vingroup đã chính thức khai trương Vincom Mega
Mall Royal City tại Khu đô thị Royal City (72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân,
Hà Nội), mang lại diện mạo mới cho BĐS Thủ đô khi có Quần thể Trung tâm
thương mại (TTTM) và Vui chơi giải trí trong lòng đất lớn nhất Châu Á.
Đây được coi là một trong những sự kiện đánh dấu đẳng cấp và bước phát
triển vượt bậc của Vingroup nói chung, cũng như tiếp tục khẳng định vị
trí dẫn đầu và dẫn dắt thị trường của Vingroup trong việc đầu tư, vận
hành những dự án TTTM lớn và cao cấp nhất tại Việt Nam nói riêng. Với
tổng diện tích lên đến 230.000m2, Vincom Mega Mall Royal City đi vào
hoạt động đã trở thành Quần thể TTTM và vui chơi giải trí lớn nhất và
đầu tiên tại Việt Nam phát triển theo mô hình Mega Mall chuẩn quốc tế
với đầy đủ các hạng mục và đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng, giải trí của
khách hàng.
Không chỉ vượt trội về tốc độ, với tầm nhìn chiến lược, sự đầu tư bài
bản cũng như kinh nghiệm hoạt động xuất sắc trong việc đầu tư, khai thác
các tổ hợp mua sắm - giải trí lớn trên cả nước, Vingroup còn tạo một
bước đột phá trong thị trường bán lẻ khi cho ra đời một quần thể mua sắm
và giải trí trong lòng đất lớn nhất Châu Á và đạt tỷ lệ lấp đầy là hơn
95% chỉ sau hơn 10 tháng công bố chào thuê với sự hội tụ của hàng trăm
thương hiệu lớn trong và ngoài nước.
Tách huyện Từ Liêm thành 2 quận
Ngày 6/12 vừa qua, Đề án điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm để thành lập
2 quận và 23 phường được HĐND TP thông qua với 93,7% đại biểu tán
thành.
Theo đề án tách quận do huyện Từ Liêm xây dựng, đường quốc lộ 32 sẽ là
ranh giới chia Từ Liêm ra làm 2 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Quận
Bắc Từ Liêm là phần đất ở phía bắc huyện, bao gồm diện tích của 9 xã:
Thượng Cát, Tây Tựu, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Phú
Diễn, Minh Khai, Cổ Nhuế và phần đất thị trấn Cầu Diễn phía Tây sông
Nhuệ. Quận Nam Từ Liêm sẽ bao gồm toàn bộ phía nam huyện Từ Liêm với các
xã: Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ, phần lớn diện tích xã
Xuân Phương, một phần thị trấn Cầu Diễn.
Mặc dù đây không phải là một sự kiện BĐS nhưng lại được xem là có tác
động rất lớn đến thị trường BĐS phía Tây Hà Nội. Theo nhiều chuyên gia
trong ngành, việc lên quận của Từ Liêm và tách địa giới hành chính sẽ
tác động đến giá đất khu vực này, đặc biệt là tạo đà cho khu vực Bắc Từ
Liêm vốn kém phát triển hơn sẽ vươn lên mạnh mẽ, điểm sáng cho các nhà
đâu tư…