Lượt xem: 1356 | Gửi lúc: 18/02/2014 16:27:56

Công trình tiết kiệm năng lượng: Kiểm soát chặt chẽ từ khâu thiết kế

Bộ Xây dựng vừa xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng. Theo đó, xây dựng là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng rất lớn, ở hầu hết các giai đoạn trong xây dựng công trình. Bởi vậy, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, vấn đề tiết kiệm năng lượng trong xây dựng cần được tính đến ở mọi giai đoạn.


Sẽ kiểm soát chặt chẽ từ hồ sơ thiết kế xây dựng công trình.

Kiểm soát chặt chẽ trước khi đầu tư

Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng, bao gồm nhà ở và các công trình xây dựng dân dụng trọng điểm về sử dụng năng lượng, nằm trong danh mục các quyết định do Thủ tướng Chính phủ ban hành; Các công trình nhà ở, văn phòng, khách sạn, thương mại, giáo dục, y tế với tổng diện tích sàn xây dựng mới hoặc cải tạo bằng hoặc lớn hơn 2.500m2.

Theo số liệu của các nước tiên tiến, chỉ riêng tổng năng lượng tiêu thụ cho các công trình xây dựng đã chiếm đến 40 - 70% tổng năng lượng cung cấp cho đô thị. Từ thiết kế, thi công, khai thác sử dụng công trình đến sản xuất vật liệu xây dựng đều phải tiêu thụ năng lượng. Vì vậy, muốn quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các nhà quản lý phải kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào. Trong đó, kiểm soát hồ sơ thiết kế trước khi đưa vào xây dựng hay cải tạo một công trình là một trong những khâu quan trọng nhất. Dự thảo Thông tư quy định rõ: Hồ sơ thiết kế công trình xây dựng phải bao gồm phần thuyết minh tính toán về nhu cầu sử dụng năng lượng, các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo các yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đã được lựa chọn áp dụng.

Ông Nguyễn Trung Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: Hồ sơ thiết kế công trình xây dựng phải bao gồm phần thuyết minh tính toán về nhu cầu sử dụng năng lượng, để tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý địa phương trong quá trình kiểm soát hồ sơ khi thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, và cơ quan quản lý phải kiểm tra phần thuyết minh đó.

Để quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả việc thi công và nghiệm thu công trình xây dựng cũng phải kiểm soát chặt chẽ. Dự thảo, quy định rõ vật liệu xây dựng, trang thiết bị trước khi đưa vào xây dựng và lắp đặt cho công trình xây dựng phải được kiểm tra, chứng nhận về tính năng nhiệt, hiệu suất năng lượng theo yêu cầu của thiết kế.

Việc vận hành, chạy thử hệ thống kỹ thuật của công trình trong quá trình nghiệm thu phải bao gồm việc đo lường, đánh giá sự phù hợp của hệ thống đối với yêu cầu của thiết kế đã được thẩm định và phê duyệt. Hệ thống kỹ thuật của công trình trong trường hợp này bao gồm: Hệ thống cấp điện và chiếu sáng; Hệ thống bơm cấp thoát nước; Hệ thống thang máy, thang cuốn; Hệ thống thông gió và điều hòa không khí; Hệ thống cấp nước nóng; Hệ thống thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo, hệ thống điều khiển tòa nhà.

Tại Dự thảo thông tư cũng quy định rõ: Đối với các công trình trọng điểm về sử dụng năng lượng, phải bố trí người quản lý năng lượng có đủ năng lực theo quy định hiện hành nhằm quản lý việc sử dụng năng lượng, tổ chức áp dụng các giải pháp quản lý nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tổ chức kiểm toán năng lượng, tổng hợp số liệu và xây dựng báo cáo hàng năm về tình hình sử dụng năng lượng theo quy định.

Giảm khí thải

Các công trình xây dựng sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng được chủ quản lý, sử dụng công trình đăng ký để đánh giá và cấp chứng nhận “Công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Công trình xây dựng được cấp chứng nhận sẽ có ưu thế hơn các công trình xây dựng không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Điều này tạo điều kiện cho người chủ thứ cấp có nhiều lựa chọn hơn trong việc thuê, mua các công trình xây dựng tiết kiệm năng lượng.

Các tiêu chí đánh giá “Công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” bao gồm: Các chỉ tiêu kỹ thuật về năng lượng được khảo sát, đo lường và đánh giá thông qua kiểm toán năng lượng phải tốt hơn so với yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD; Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các bộ phận, vỏ bao che công trình, hệ thống thông gió và điều hòa không khí, hệ thống cấp điện và chiếu sáng, thang máy và thang cuốn, hệ thống cấp nước nóng, hệ thống bơm cấp thoát nước, hệ thống điều khiển tòa nhà (nếu có).

Việc xử lý vi phạm về quản lý năng lượng sử dụng trong công trình xây dựng được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ “Về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng; Kinh doanh bất động sản; Khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; Quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; Quản lý phát triển nhà và công sở” và Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.

Ông Phạm Huy Phong - Trưởng ban cố vấn kỹ thuật Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM cho biết: Tham khảo các công trình từ nhiều nước trên thế giới, để xây dựng những tòa nhà, công trình tiết kiệm năng lượng, chi phí xây dựng có thể tăng từ 10 - 30% nhưng có thể tiết kiệm khoảng trên 20% chi phí năng lượng so với các công trình không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, công trình xây dựng tiết kiệm năng lượng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho các chủ đầu tư, chủ công trình, người sử dụng, mặt khác cũng đóng góp đáng kể cho việc phát triển bền vững đô thị, giảm nhẹ các tác động đến môi trường và đặc biệt các chất khí thải gây ảnh hưởng đến hiện tượng biến đổi khí hậu.

                                                                                                                                                        Thành Luân