(Xây dựng) - Quản lý phát triển đô thị là một lĩnh vực rộng lớn và phức tạp, nên cần thiết phải có một luật riêng điều chỉnh nhằm điều tiết và kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Thực hiện Nghị quyết số 40/2012/QH13 của Quốc hội, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng Luật về quản lý đô thị.
Không ngừng hoàn thiện thể chế
Tuy nhiên, việc xây dựng Luật về quản lý đô thị cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, trên cơ sở khoa học và thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm trong nước và quốc tế thì mới có thể đảm bảo chất lượng và có tính khả thi.
Trong khi chờ luật mới, để khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý phát triển đô thị trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã kịp thời nghiên cứu trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Bộ cũng đã và đang nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định về phân loại đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phát triển đô thị.
Trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng, Bộ đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về quy hoạch xây dựng vào Luật Xây dựng 2014 theo hướng bổ sung, làm rõ hơn các quy định về đối tượng lập quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng nông thôn, tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng vùng.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng thường xuyên chỉ đạo việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, tập trung đẩy nhanh tốc độ lập quy hoạch và xác định rõ các nguồn lực thực hiện, để bảo đảm quy hoạch phải thực sự đi trước một bước và có tính khả thi cao, làm cơ sở cho việc kế hoạch hóa đầu tư và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.
Tính từ năm 2013 đến nay, Bộ đã tổ chức lập, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 16 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng, 18 đồ án quy hoạch xây dựng và nhiều đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật quan trọng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Bộ chỉ đạo các địa phương tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chung xây dựng các đô thị trên địa bàn, triển khai các quy hoạch phân khu, đẩy nhanh tốc độ phủ kín quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị, trọng tâm là kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án cấp quốc gia và cấp vùng về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật.
Những chuyển biến tích cực
Hiện nay, các đồ án quy hoạch đô thị đã thể hiện tư duy đổi mới và tầm nhìn dài hạn, tỷ lệ phủ kín quy hoạch tăng lên đáng kể, chất lượng đồ án quy hoạch từng bước được cải thiện. Theo báo cáo, tính đến hết năm 2014, cả nước có 15 quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 60/63 tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (cuối năm 2012 là 58/63). Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100% (năm 2011 là 93%); quy hoạch phân khu đạt khoảng trên 70% (năm 2011 là 45%); quy hoạch chi tiết đạt khoảng 30% (năm 2011 là 25%); quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 94,05% (năm 2011 là 28%).
Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện Nghị định số 11/2013/NĐ-CP, các địa phương đã và đang tiến hành xây dựng chương trình phát triển đô thị; hình thành các khu vực phát triển đô thị, thành lập ban quản lý khu vực phát triển đô thị, tiến hành rà soát các dự án phát triển đô thị trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư các dự án đô thị mới…
Các chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020, Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009-2020, Chương trình nâng cấp 6 đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình đô thị khu vực miền núi phía Bắc... được tập trung thực hiện đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân đô thị, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tại các đô thị miền núi, ven biển, là những địa bàn trước đây có nhiều khó khăn.
Công tác nâng cấp, nâng loại đô thị có nhiều đổi mới theo hướng không khuyến khích mở rộng quy mô mà tập trung nâng cao chất lượng và tính đồng bộ của các đô thị.
Tiếp tục khắc phục những bất cập
Bên cạnh những thành quả đạt được, công tác quản lý phát triển đô thị cũng còn những hạn chế, bất cập. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại một số đô thị chưa cao. Công tác lập và quản lý thực hiện quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và thiết kế đô thị ở một số nơi còn chậm, ảnh hưởng đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.
Công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy định tại Nghị định 11/2013/NĐ-CP có những nơi còn thiếu quyết liệt. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại một số dự án khu đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ. Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị còn bất cập, việc lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện của Việt Nam còn khó khăn.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về lĩnh vực quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, nghiên cứu xây dựng Luật quản lý phát triển đô thị; tổ chức triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng; rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch vùng liên tỉnh, quy hoạch khu chức năng đặc thù, quy hoạch chung đô thị trên phạm vi cả nước; đẩy nhanh tốc độ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị làm cơ sở, công cụ quản lý đô thị có hiệu quả.
Bộ cũng sẽ tăng cường quản lý và kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; tích cực thực hiện Nghị định số 11/2013/NĐ-CP, chỉ đạo các địa phương khẩn trương xây dựng chương trình phát triển đô thị, phê duyệt các khu vực phát triển đô thị, thành lập các Ban quản lý khu vực phát triển đô thị…; thực hiện các chương trình, dự án phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật theo kế hoạch.
Bộ đồng thời nghiên cứu áp dụng các mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm tài nguyên đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và các nguồn lực xã hội, thân thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững...
Tính đến tháng 12/2014, cả nước có 775 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 21 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 67 đô thị loại IV và 628 đô thị loại V. |