(Xây dựng) - Ngày 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp thứ nhất, ra mắt Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, theo hình thức trực tuyến.
Dự phiên họp tại đầu cầu Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam và các thành viên Ủy ban; lãnh đạo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số/xây dựng Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số. Thứ Trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tham gia cuộc họp trực tuyến từ đầu cầu Bộ Xây dựng.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. |
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chuyển đổi số là xu thế chung của thế giới, song cũng là đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển đất nước. Phiên họp đầu tiên ra mắt Ủy ban là bước triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về chuyển đổi số, với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Thủ tướng nhấn mạnh, phiên họp đầu tiên của Ủy ban hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, để bảo đảm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Thủ tướng đã quyết định kiện toàn, đổi tên Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Đây là minh chứng thể hiện cho sự quyết tâm hành động; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương.
Tại Phiên họp này, Ủy ban sẽ bàn về việc tiếp tục nâng cao nhận thức, thống nhất hành động; đề ra kế hoạch, bước đi, phương pháp, nội dung để Ủy ban hoạt động một cách khoa học, hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trước mắt là phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; khôi phục, phát triển kinh tế- xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng; nâng cao vị thế vai trò, tiềm lực của Việt Nam trên trường quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc…
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định xây dựng Chính phủ số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đây cũng là xu thế tất yếu, vừa nâng cao tính công khai, minh bạch, giải trình của Chính phủ, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển đất nước Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị, các thành viên Ủy ban Quốc gia, Bộ trưởng, Trưởng ngành cho ý kiến cụ thể, chỉ ra những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và những bài học kinh nghiệm. Đồng thời, đề ra kế hoạch, giải pháp thiết thực nhất để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
|
Thứ Trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh và đại diện các đơn vị thuộc Bộ theo dõi cuộc họp trực tuyến tại đầu cầu Bộ Xây dựng. |
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển đô thị thông minh trong Đề án 950 về phát triển đô thị thông minh bền vững của Việt Nam, quản lý về quy hoạch, kiến trúc và các lĩnh vực cần có nền tảng cơ sở dữ liệu.
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, phát triển số, chuyển đổi số, Quốc gia số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số là những từ khóa quan trọng, thường xuyên được nhắc tới trong các văn bản chiến lược, kế hoạch hành động ở cấp cao nhất của nhiều quốc gia trên thế giới.
Việt Nam gần như đi cùng nhịp với những nước nhanh nhất trên thế giới trong việc ban hành các văn bản về chủ trương, chiến lược quốc gia. Nhờ vậy, kết quả chỉ số xếp hạng “Sự trỗi dậy số” của các quốc gia năm 2021 do Trung tâm cạnh tranh số châu Âu thực hiện, đánh giá cho 3 năm từ 2018 đến năm 2020 của 137 quốc gia, Việt Nam được xếp hạng nhất về tốc độ tiến bộ trong nhóm Đông Á và Thái Bình Dương.
Trong kế hoạch chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá, dẫn dắt, lan toả, thúc đẩy chuyển đổi số toàn quốc trong giai đoạn mới. Thủ tướng nhất trí về mặt chủ trương với 18 nhóm nhiệm vụ và một số chính sách thúc đẩy chuyển đổi số theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022 có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu rõ ràng, hoạt động thực chất, hiệu quả, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường vai trò của Tổ công tác giúp việc Ủy ban, đồng thời bảo đảm nguyên tắc Ủy ban không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở ý kiến góp ý tại phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền thông thông hoàn thiện, lấy ý kiến của các thành viên Ủy ban, các Bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ký ban hành.