Lượt xem: 1601 | Gửi lúc: 03/11/2022 14:08:20

Kiểm soát giá và đảm bảo nguồn nguyên, vật liệu cho dự án quan trọng quốc gia

Đây là một trong những nội dung Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Các dự án trọng điểm quốc gia có nhu cầu về vật liệu xây dựng

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Hiện nay nguồn cung tất cả các loại vật liệu xây dựng chủ yếu (gồm xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, đá ốp lát…) dồi dào, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các công trình xây dựng trong nước và có một phần xuất khẩu.

Các loại vật liệu xây dựng thông thường (cát xây dựng, đá xây dựng, đất san lấp…) có nguồn cung phụ thuộc nhiều vào vùng cung cấp. Đây cũng là loại vật liệu chủ yếu phục vụ cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

Đề cập đến nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường đối với một số dự án trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, có tổng chiều dài khoảng 729km, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương nơi có dự án đi qua, trữ lượng, công suất khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã cấp phép và đang hoạt động hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu của Dự án. Một vài tỉnh thiếu nguồn cung đã được cân đối từ các tỉnh lân cận. Trong đó, nhu cầu đòi hỏi lớn nhất là khối lượng vật liệu sử dụng làm lớp nền, móng, mặt đường (đất san lấp).

Riêng về đất san lấp, nhu cầu của dự án Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, vào khoảng hơn 59,5 triệu m3; các dự án đường cao tốc qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần khoảng 39 triệu m3. Đối với dự án sân bay Long Thành, được quy hoạch xây dựng trên diện tích 5.000ha, nhu cầu cát xây dựng khoảng 24 triệu m3, đá làm vật liệu xây dựng thông thường khoảng 50 - 60 triệu m3.

Việc cung cấp vật liệu với sản lượng khai thác lớn trong thời gian ngắn sẽ khó khăn

Về nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường đối với một số dự án trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Đối với nguồn vật liệu cho đường cao tốc Bắc – Nam, đến nay Bộ Giao thông Vận tải cho chỉ đạo chủ đầu tư, tư vấn đã cơ bản hoàn thành việc khảo sát mỏ vật liệu xây dựng thông thường. Theo đó, đã xác định 147 mỏ đất đắp nền đường với tổng trữ lượng khoảng gần 188 triệu m3, đáp ứng đủ nhu cầu của Dự án Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa.

Khó khăn lớn nhất là các dự án đường cao tốc qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do nguồn nguyên liệu khoáng sản ở khu vực này hạn chế, trữ lượng của các mỏ cát được cấp phép trong khu vực (An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long…) sẽ không đáp ứng được nhu cầu. Ước tính còn thiếu khoảng 20 triệu m3 vật liệu đất đắp.

Trước thực trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lại quy hoạch mỏ cát sông trong khu vực này, nghiên cứu dự án dùng cát biển để đắp nền đường bảo đảm nguồn cung cấp cho các dự án, tăng cường kết hợp với sử dụng vật liệu thay thế.

Đối với nguồn vật liệu cho Dự án sân bay Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Các địa phương lân cận dự án đã cân đối được khoảng 40 mỏ đá đang khai thác với tổng trữ lượng các mỏ khoảng 381 triệu m3, công suất khai thác hàng năm đạt khoảng 20 triệu m3, cơ bản đáp ứng đủ phuc vụ cho dự án.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng sẽ khó khăn trong việc cung cấp sản lượng khai thác lớn trong thời gian ngắn. Muốn đảm bảo nguồn cung cấp cho các dự án thì cần tăng cường kết hợp với sử dụng vật liệu thay thế.

Bộ Xây dựng giải quyết kịp thời kiến nghị của Bộ, ngành và các địa phương liên quan

Phân tích chung về các khó khăn, vướng mắc trong việc đảm bảo nguồn nguyên, vật liệu cho dự án quan trọng quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhận định: Do nhu cầu sử dụng nguồn vật liệu tăng đột biến trong một thời gian ngắn, trong khi công suất khai thác của các mỏ đã được cấp thấp nên không đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

Việc cấp phép, nâng công suất các mỏ khoáng sản thủ tục mất nhiều thời gian, dẫn đến nguồn cung vật liệu chậm đáp ứng nhu cầu thực tế. Hơn nữa, có tình trạng chất lượng nguồn vật liệu đưa vào hồ sơ khảo sát chưa đạt tiêu chuẩn dẫn đến khi triển khai thực tế nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt.

Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 từ đầu năm 2021, giá của một số vật liệu xây dựng chủ yếu như thép, xi măng, cát, đá, sỏi, nhựa đường… có sự biến động lớn và thiết lập mặt bằng mới nhưng vẫn cao hơn 10 - 20% so với cuối năm 2020.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đã giải quyết kịp thời kiến nghị của Bộ, ngành và các địa phương liên quan, hoàn thiện trình Chính phủ cơ chế đặc thù cấp phép các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ công trình trọng điểm quốc gia.

Bộ Xây dựng kịp thời, trách nhiệm trong việc tham gia ý kiến đối với việc điều chỉnh, bổ sung các mỏ khoáng sản để địa phương có cơ sở cấp phép sớm các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ công trình trọng điểm quốc gia. Bộ chủ động xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, các chủng loại vật liệu xây dựng, vật liệu thay thế góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng để phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia.

Điển hình, nhằm tăng cường sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên trong trong xây dựng, đặc biệt là sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên trong san lấp, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 430/QĐ-BXD ngày 16/5/2017 về việc ban hành chỉ dẫn kỹ thuật “Xỉ gang và xỉ thép sử dụng làm vật liệu xây dựng” và xây dựng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12249 : 2018 “Tro xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp- Yêu cầu chung”; Tiêu chuẩn “Sử dụng nhiệt điện tro xỉ đốt than trong nền đường”…

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban hành hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng, bao gồm 19 Tiêu chuẩn, 01 Quy chuẩn và 7 Chỉ dẫn kỹ thuật, 03 định mức kinh tế kỹ thuật cho các lĩnh vực: Làm nguyên liệu sản xuất xi măng, vữa xây, bê tông, bê tông đầm lăn, gia cố đất làm đường giao thông, tấm thạch cao, tấm tường, vật liệu san lấp.

Bộ Xây dựng đồng thời đề xuất các giải pháp, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương công bố giá vật liệu, chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh, bổ sung kịp thời phục vụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo đúng quy định.

“Bộ Xây dựng đôn đốc các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, quản lý việc khai thác, kinh doanh đảm bảo đáp ứng nguồn cung và đúng giá niêm yết, công bố trên thị trường, bình ổn thị trường vật liệu xây dựng, chống đầu cơ, tăng giá bất hợp lý ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình trọng điểm”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.