Lượt xem: 1395 | Gửi lúc: 08/02/2014 07:50:43

Nhiều biện pháp nâng cao chất lượng các công trình xây dựng

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh triển khai đầu tư xây dựng hàng trăm công trình kết cấu hạ tầng thuộc nhiều lĩnh vực, như: giao thông, thủy lợi, dân dụng... với số vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.


Thi công Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn qua TP Thanh Hóa đến hết địa bàn tỉnh.

Nhiều công trình đưa vào sử dụng đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị... Bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên vẫn còn một số công trình thi công chậm tiến độ. Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình nhằm bảo đảm theo kế hoạch là việc làm cần thiết của cả chủ đầu tư và đơn vị thi công. Nhưng điều quan trọng hơn là chất lượng xây dựng các công trình phải đặc biệt được quan tâm, bởi nếu chỉ quan tâm đến đẩy nhanh tiến độ mà không có biện pháp thi công sẽ dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm. Thực tế có nhiều công trình do chạy theo tiến độ, không quan tâm đến chất lượng nên dẫn đến công trình xuống cấp, thậm chí có công trình xuống cấp nghiêm trọng khi bàn giao đưa vào khai thác sử dụng.

Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng đã tham mưu và chủ động đề ra các biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng. Đồng thời, phối hợp với các ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, giám sát chất lượng công trình xây dựng; lập kế hoạch và thực hiện công tác giám sát Nhà nước về chất lượng các công trình thủy điện trên địa bàn. Sở cũng đã phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của 26/27 huyện, thị xã, thành phố về công tác quản lý chất lượng xây dựng theo tinh thần Nghị định 15/2013/NĐ–CP của Chính phủ. Thông qua tập huấn, cán bộ làm công tác quản lý đầu tư xây dựng ở các địa phương đã nắm được nội dung công tác thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng. Sở Xây dựng cũng đã thực hiện rà soát, hoàn thiện hồ sơ năng lực của các doanh nghiệp xây lắp, doanh nghiệp tư vấn xây dựng; công khai trên trang Website của sở để các chủ đầu tư lựa chọn các tổ chức tư vấn xây dựng, thi công phù hợp... Bằng sự nỗ lực của Sở Xây dựng, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng của các ngành, địa phương, đặc biệt là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, vùng bãi ngang đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, năng lực tổ chức quản lý, nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật công nghệ. Các chủ thể tham gia xây dựng công trình đã dần nắm được quyền và nghĩa vụ của mình trong quản lý đầu tư xây dựng; chất lượng xây dựng công trình được nâng cao, không xảy ra sự cố. Nhiều công trình hoàn thành đúng tiến độ phục vụ kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. 

Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn nhiều công trình, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, đặc biệt là những công trình được đầu tư xây dựng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng được yêu cầu, hư hỏng, xuống cấp nhanh, tuổi thọ công trình giảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Chỉ tính riêng trong năm 2013, qua kiểm tra 82 công trình, vẫn còn tới 39 công trình (chiếm 45%) có khiếm khuyết về chất lượng xây dựng cơ bản. Theo đó, ngày 7–11–2013, Thanh tra Sở Xây dựng đã có Quyết định số 77/QĐ–XPHC đối với Công ty CP Tư vấn thủy lợi Thanh Hóa (đơn vị khảo sát, thiết kế xây dựng), với số tiền phạt 30 triệu đồng do đã có hành vi vi phạm hành chính trong việc lập phương án khảo sát không đầy đủ nội dung, không đúng theo quy định, vi phạm Điểm a, Khoản 2, Điều 22 Nghị định 23/2009/NĐ–CP ngày 27-2-2009 của Chính phủ. Ngày 18–11–2013, Thanh tra Sở Xây dựng cũng đã có Quyết định số 81/QĐ–XP HC đối với chủ đầu tư là UBND huyện Mường Lát, với số tiền phạt 30 triệu đồng, do đã có hành vi vi phạm hoạt động xây dựng; không thực hiện giám sát công tác khảo sát xây dựng theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 6 của Nghị định số 23/2009/NĐ–CP ngày 27-2-2009 của Chính phủ... Thực tế qua kiểm tra cho thấy, những tồn tại về chất lượng xây lắp công trình giao thông, việc thi công độ dốc ngang mặt đường, độ dốc rãnh dọc, độ dốc mái ta luy, thành phần hạt của các loại cấp phối đá dăm chưa bảo đảm chất lượng. Quy trình thi công nền đường và bố trí các khe co giãn của các đường bê tông chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật... Đối với các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, quy trình thi công các lớp đất đắp, chất lượng đất đắp của một số công trình thực hiện chưa bảo đảm yêu cầu; đập, tràn một số công trình thi công ở miền núi chất lượng bê tông kém; một số hạng mục kênh, mương thi công bằng gạch rỗng... Ban quản lý dự án do UBND xã làm chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực... Một số tổ chức tư vấn xây dựng và nhà thầu xây dựng bố trí các chức danh như chủ trì khảo sát, chủ nhiệm thiết kế, chỉ huy công trường... không đủ điều kiện về năng lực... Năng lực tài chính, thiết bị, đội ngũ công nhân lao động, đặc biệt là công nhân có tay nghề cao, biện pháp thi công chưa phù hợp với cấp, loại công trình và cam kết trong hồ sơ dự thầu... Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện thi công các công trình ở miền núi, vùng sâu, vùng xa khó khăn. Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng xây dựng công trình còn hạn chế; xử lý sau kiểm tra, thanh tra chủ yếu mới dừng ở mức độ hướng dẫn, nhắc nhở hoặc yêu cầu phá đi làm lại. Việc phân cấp, giao quyền cho chủ đầu tư, quyền lựa chọn nhà thầu; quyền tổ chức, quản lý chất lượng xây dựng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, bảo hành, bảo trì công trình; trong khi hầu hết chủ đầu tư làm việc kiêm nhiệm, chủ đầu tư cấp xã và một số huyện không đủ điều kiện về năng lực.

Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường phổ biến pháp luật, triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật mới về xây dựng. Tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý xây dựng của các huyện, thị xã, thành phố các chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng. Tổ chức tốt quy trình lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch, nhất là khâu lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực và kinh nghiệm. Sở phối hợp với các ngành, các địa phương tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra chất lượng công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình ở miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ tạo nên chuyển biến đồng bộ trong công tác quản lý chất lượng công trình, góp phần chống lãng phí thất thoát và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh.