Lượt xem: 1176 | Gửi lúc: 05/02/2014 10:29:03

Tập trung hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước về xây dựng

Năm 2013, sự đổi mới của ngành Xây dựng không quá “ồn ào” nhưng có chiều sâu và quyết liệt. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ: Kết quả lớn nhất mà ngành Xây dựng đã làm được trong năm qua là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, phát triển nhà và thị trường bất động sản…


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng

- Thưa Bộ trưởng, nhìn lại hoạt động nổi bật của ngành Xây dựng năm 2013, Bộ trưởng sẽ nói điều gì và điều gì còn khiến ông còn trăn trở?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Năm 2013, Bộ làm được 3 luật, đổi mới được căn bản hệ thống chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị và nhà ở, đó là Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Cả 3 luật này dự kiến trình Quốc hội để ban hành trong năm 2014.

Trong khi các Luật chưa được ban hành, Bộ Xây dựng đã kịp thời hoàn thiện các Nghị định quan trọng trình Chính phủ ban hành, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Điển hình là Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị; Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định số 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Nghị định số 15/2013/NĐ-CP đã giúp tăng cường quyền và trách nhiệm của các cơ quan, công chức quản lý nhà nước về xây dựng trong việc kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng. Đặc biệt, vấn đề tiền kiểm được đặt ra đối với thiết kế kỹ thuật và cả dự toán các công trình đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước.

Theo tổng hợp báo cáo của 136/252 Sở Xây dựng và các Sở quản lý công trình chuyên ngành đã cho thấy hiệu quả của công tác “tiền kiểm”. Qua đó, cắt giảm được 2.840,9 tỷ đồng trên tổng giá trị dự toán trước thẩm tra là 30.982,5 tỷ đồng, (tương đương 9,2% so với dự toán ban đầu) góp phần chống thất thoát và nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng.

Cùng đó, Nghị định 11 đã đổi mới căn bản về tư duy quản lý đô thị. Lần đầu tiên quan điểm quản lý đô thị phải theo quy hoạch và có kế hoạch được đưa ra, để khắc phục tình trạng phát triển tràn lan, phong trào, thiếu quy hoạch, không có kế hoạch như thời gian vừa qua, dẫn đến khó khăn cho thị trường BĐS, phát triển đô thị thiếu bền vững, gây lãng phí tài nguyên.

Đặc biệt là Nghị định 188 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã thể hiện một chính sách rất tập trung hướng tới người dân và cụ thể hóa các quan điểm của Chiến lược phát triển nhà ở. Nghị định này đã quy định rõ các chính sách để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng khó khăn về nhà ở cả đô thị và nông thôn.

Điều trăn trở lớn nhất của tôi là làm sao chính sách được ban hành sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả mang lại lợi ích cho người dân, chặn được thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng để tiết kiệm ngân sách cho đất nước.

- Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều chương trình phát triển nhà ở tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn khó khăn như hiện nay thì Bộ sẽ có phương án gì để thực hiện hiệu quả các chương trình này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu, xây dựng đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015 và đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng chống lũ, lụt khu vực miền Trung.

Theo số liệu thống kê của các địa phương, cả nước có khoảng 500.000 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở và khoảng trên 40.000 hộ nghèo khu vực miền Trung cư trú tại vùng bị lũ, lụt có mức ngập từ 1,5 m trở lên cần hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, chống lũ, lụt. Trong số hộ này một bộ phận cư trú tại vùng thường xuyên có bão.

Nếu thực hiện hỗ trợ nhà ở theo từng đề án riêng biệt thì cần số vốn rất lớn, trong khi đang có khó khăn về cân đối ngân sách. Vì vậy, cần có phương án hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo đảm bảo hiệu quả, vừa tiết kiệm được vốn hỗ trợ vừa đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân khi triển khai xây dựng nhà ở kết hợp phòng, tránh bão, lụt. Sau khi nghiên cứu cho thấy: phương án thực hiện lồng ghép các chương trình hỗ trợ nhà ở được xem là phù hợp và có tính khả thi.

Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo theo phương án trên để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Cụ thể, thực hiện lồng ghép chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo (Chương trình 167 giai đoạn 2) với chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt.

Đối với chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, để hoàn thành việc hỗ trợ cho khoảng 71.000 hộ như Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục cấp đủ nguồn kinh phí hỗ trợ còn lại để thực hiện việc hỗ trợ theo kế hoạch đã đề ra.

- Bộ trưởng đã dành nhiều tâm huyết về chương trình phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng khó khăn về nhà ở và thu nhập. Bộ trưởng từng nói: “Không có tiền để cho dân nhưng sẽ xây dựng thể chế và chính sách để người dân nghèo được tiếp cận nhà ở”, vậy đến nay việc triển khai cụ thể đã đạt kết quả như thế nào?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Xây dựng thể chế, chính sách là những nhiệm vụ chính đồng thời cũng là cơ hội tốt để triển khai các quan điểm, chủ trương, chính sách mới có lợi cho nhân dân và xã hội.

Gỡ khó cho thị trường BĐS phải khắc phục được lệch pha cung cầu, giảm nhà ở cao cấp, tăng cung ở phân khúc đang thiếu và thiếu rất nhiều là nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo.

Căn hộ diện tích nhỏ, mang tính xã hội, giá rẻ, đồng thời được hỗ trợ của Nhà nước, chắc chắn sẽ giúp bình ổn giá nhà ở nói chung trên thị trường. Nghị định 188 chính là nhân tố mới giúp đưa nhà ở về giá trị thực của nó. Nhà ở xã hội chính là giá trị thực vì kiểm soát được chi phí, bán đúng chi phí và lợi nhuận chỉ trong giới hạn Nhà nước cho phép. Như vậy, những người dân nghèo mới có nhiều cơ hội có nhà ở.

Hiện cả nước có 125 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô xây dựng khoảng 78.700 căn hộ. Trong đó gồm: 86 dự án dành cho người thu nhập thấp, tương đương 52.000 căn hộ với tổng mức đầu tư khoảng 23.900 tỷ đồng; 39 dự án với 27.000 căn hộ dành cho công nhân khu công nghiệp có tổng mức đầu tư khoảng 6.850 tỷ đồng...

Chiến lược nhà ở quốc gia mới bắt đầu thực hiện mà đã đạt kết quả này thì trong thời gian tới chắc chắn lượng cung nhà ở xã hội sẽ ngày càng lớn, đáp ứng nhu cầu người dân.

- Thị trường BĐS Việt Nam đang có tín hiệu phục hồi tích cực, được đánh giá đã “thoát đáy”, “hạ cánh mềm”, những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS với các chính sách linh hoạt và hợp lý đã bắt đầu phát huy hiệu quả, Bộ trưởng bình luận gì về những nhận định này?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Một số nước phát triển đã giải quyết "bong bóng" bất động sản (BĐS) bằng cách bỏ tiền ngân sách mua lại hàng hóa dư thừa và khi thị trường bình ổn thì sẽ bán lại, có khi Nhà nước còn có lãi. Ở nước ta, điều kiện kinh tế còn khó khăn, ngân sách hạn chế nên tháo gỡ khó khăn, giảm tồn kho bất động sản phải cân nhắc trong tổng thể nền kinh tế, không thể rập khuôn cách làm của các nước khác.

Do đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất quan điểm giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở và quản lý phát triển đô thị, trong đó chủ yếu là tháo gỡ bằng cơ chế, chính sách như cho phép điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu thị trường, giảm thuế, giãn, hoãn nộp nghĩa vụ tài chính và chỉ có 1 gói tín dụng hỗ trợ nhà ở (30.000 tỷ đồng) cho vay đối với phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Tức là điều chỉnh một phần khối lượng hàng hóa dành cho đối tượng có tiền hiện đang dư thừa sang phục vụ đối tượng có thu nhập thấp, đồng thời hỗ trợ tín dụng để họ có điều kiện về tài chính để mua nhà ở, đồng thời thực hiện Nghị định 11 với yêu cầu phát triển đô thị phải theo đúng quy hoạch và có kế hoạch, cũng từng bước khắc phục tính tự phát, phong trào của thị trường BĐS để hướng đến lành mạnh, bền vững.

Thực tế, sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP (năm 2013) của Chính phủ, thị trường BĐS đã có xu hướng ấm lên, thể hiện qua thực tế giá giảm, lượng giao dịch tăng, tăng trưởng tín dụng BĐS cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung, các dự án dở dang tiếp tục được triển khai và mở bán, niềm tin của khách hàng dần được hồi phục...

Cơ cấu hàng hóa bất động sản đã được điều chỉnh sát với nhu cầu của thị trường; doanh nghiệp cũng chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, cơ cấu sản phẩm bất động sản và tăng cường thông tin, tiếp thị. Phân khúc nhà ở diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các đô thị lớn được tiêu thụ mạnh, hầu như không còn tồn kho loại sản phẩm này. Điều đó cho thấy các giải pháp đã đúng và mang lại hiệu ứng tích cực cho thị trường BĐS.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!                                                     

                                                                                                                                          Toàn Thắng(thực hiện)