Phiên họp được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự hội nghị tại các điểm cầu có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính
phủ Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các
ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương; lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp bất động sản, ngân
hàng thương mại, các chuyên gia kinh tế.
Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị thống nhất đánh giá,
việc Chính phủ kịp thời ban hành và triển khai Nghị quyết 33 là hết sức
cần thiết, quan trọng với thị trường bất động sản, với các doanh nghiệp
và nền kinh tế nói chung. Nghị quyết được xây dựng với các giải pháp
đồng bộ, toàn diện, hướng tới mục tiêu tháo gỡ trên cả 3 phương diện,
gồm pháp lý, tín dụng và cung cầu bất động sản, nhất là về nhà ở xã hội.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ đạo giải quyết,
với nhiều biện pháp, giải quyết rất cụ thể và quyết liệt để giải quyết
tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản tại nhiều văn
bản.
Để tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội
dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự
thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng
(sửa đổi)…; trình Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/203 sửa đổi,
bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy
định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị
trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc
tế; ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 sửa đổi, bổ sung
một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Nghị
định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của
các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Theo Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và địa phương đã xác định việc tháo gỡ
khó khăn của thị trường bất động sản và thúc đẩy thị trường bất động sản
phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững là nhiệm vụ cấp bách, quan
trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc Thủ tướng Chính phủ đã
chỉ đạo "khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào, cơ quan nào
thì cấp đó, cơ quan đó phải giải quyết dứt điểm".
Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn, NHNN có nhiều văn
bản để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng thúc đẩy phát triển nhà ở
xã hội, triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn
hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp"
và triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu
đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung
cư.
Nhờ các giải pháp đồng bộ, việc triển khai Nghị quyết 33 đã bước đầu đi
vào cuộc sống, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực,
tình hình thị trường cải thiện, quý II nhìn chung ít khó khăn hơn quý I
và có tín hiệu sẽ tích cực hơn nữa thời gian tới.
Về hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc cho các dự án bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay, Tổ công tác
đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương, tiếp nhận, xem xét, xử lý
112 văn bản liên quan đến 174 dự án bất động sản, với nhiều nội dung
kiến nghị về quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây
dựng, chuyển nhượng dự án…
Riêng tại TPHCM, Tổ công tác đã hướng dẫn, giải đáp khoảng 30 nội dung
kiến nghị liên quan tới 180 dự án nhà ở, khu đô thị; cùng 37 văn bản
kiến nghị của doanh nghiệp và người dân. Đến nay, TPHCM đã chỉ đạo và
giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án
ban đầu), trong đó có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác,
có 39 dự án qua rà soát của địa phương.
Tại Hà Nội, Tổ công tác đã giải đáp, hướng dẫn khoảng 20 nội dung kiến
nghị liên quan đến 712 dự án nhà ở, khu đô thị. Ngoài ra, có 12 văn bản
kiến nghị của doanh nghiệp hiện đã đề nghị UBND TP. Hà Nội giải quyết
tháo gỡ theo thẩm quyền. Đến nay Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được
419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu).
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính
đánh giá cao các báo cáo của các bộ, ngành về kết quả triển khai các
nhiệm vụ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 33 và đề xuất các giải pháp tháo
gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản; các tham luận với
những giải pháp rất cụ thể từ các hiệp hội, chuyên gia trong lĩnh vực
tài chính, bất động sản đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ vướng mắc pháp
lý, tăng nguồn cung bất động sản, giải pháp tài chính, ngân hàng, giải
pháp quản lý, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, thông điệp của hội nghị là chung tay tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc để thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn,
lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Việc triển khai Nghị quyết 33 đã có hiệu quả nhất định, giúp tình hình
tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước và hy vọng năm
2023 sẽ tốt hơn năm 2022. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề vướng mắc kéo dài
nhiều năm, không thể giải quyết bằng một cuộc họp, một văn bản hay một
năm, một quý.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những khó khăn vướng mắc
liên quan tới pháp lý, việc phát triển thị trường chứng khoán, thị
trường vốn, các thủ tục hành chính, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền…
Một số cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật có tâm lý
sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đùn đẩy, chậm xử lý,
không dám đề xuất, không dám quyết định. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu
yếu, cần linh hoạt, chủ động, sáng tạo hơn, việc phối hợp giữa các cấp,
các ngành cần đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.
Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ một số
nhiệm vụ chung, mà trước hết là cần tiếp tục kiên trì, kiên định giữ
vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng,
bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát khung khổ pháp lý xem vướng mắc ở đâu,
tại văn bản nào, nội dung gì, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu;
trong đó, cần thúc đẩy nhanh sự ra đời của các sàn giao dịch bất động
sản để phát huy khả năng tự điều chỉnh của thị trường, hạn chế việc can
thiệp hành chính.
Các bộ, ngành địa phương tập trung, khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch với các ngành, vùng, địa phương, phân khu.
Để tăng tổng cung và tổng cầu, Thủ tướng yêu cầu cần quyết liệt triển
khai chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu
quả hơn nhưng có kiểm soát (giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín
dụng, đẩy mạnh cung tiền M2; đẩy mạnh việc khoanh nợ, cơ cấu lại nợ,
giãn, hoãn nợ…); phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài
khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng,
dứt khoát (với các biện pháp giảm, giãn hoãn thuế, phí, lệ phí…, trong
đó giảm thuế VAT phải nhanh với tinh thần "cái gì được thì cho đi
trước", không thể chờ cả gói mới thực hiện miễn là đúng luật pháp; đẩy
mạnh giải ngân đầu tư công; triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia,
chương trình phục hồi và phát triển); chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu
quả phối hợp các chính sách.
Tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất kinh
doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế, thu nhập, nâng cao đời sống
vật chất tinh thần và nhân dân cho người dân.
Thủ tướng một lần nữa lưu ý các địa phương, các khu đất đẹp, thuận lợi
về giao thông cần ưu tiên dành cho sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo
công ăn việc làm, thu hút người đến làm, có người đến làm thì mới có
người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, từ đó mới phát
triển được bất động sản, đô thị… Đây là vấn đề có tính quy luật, được
thực tiễn chứng minh.
Cơ cấu lại các phân khúc bất động sản cho phù hợp, lưu ý quan tâm phân
khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập trung bình.
Thực tế cho thấy cơ cấu bất động sản không hợp lý khiến nhiều người có
nhu cầu thực không thể tiếp cận nhà ở.
Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ,
lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần chú trọng công tác này, thực hiện thực
chất, hiệu quả, không hình thức.
Về các giải pháp về tổ chức thực hiện và giải pháp con người, Thủ tướng
yêu cầu căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các bộ, ngành, địa
phương phải chủ động thực hiện các giải pháp nói trên theo thẩm quyền,
nếu vượt quá thẩm quyền thì đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết
định. Các cơ quan động viên, khuyến khích, đề cao trách nhiệm và hình
thành cơ sở, hành lang pháp lý để cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ,
dám làm thực hiện công việc, miễn là vô tư, trong sáng, vì lợi ích
chung, vì sự phát triển; khen thưởng, kỷ luật, xử lý kịp thời, nghiêm
minh.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp
tục thực hiện nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa
phương, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của
Tổ công tác theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu,
hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi),
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đảm bảo tính đồng bộ, thống
nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.
Phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh
nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1
triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu
công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố
danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây
dựng lại chung cư. Phối hợp với NHNN, Ngân hàng Chính sách xã hội để
triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số
33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị
quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi kinh tế.
Thủ tướng đánh giá Hòa Bình, Bình Định đang làm tốt việc triển khai các
dự án nhà ở xã hội, Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang cũng
đang tích cực triển khai…
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì đề xuất sửa đổi Nghị định số
100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; sửa
đổi ngay Thông tư 09 năm 2021 của Bộ về nhà ở xã hội theo trình tự, thủ
tục rút gọn; sửa đổi Thông tư 06 năm 2022 ban hành quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.
Hoan nghênh NHNN đã chỉ đạo các giải pháp hạ lãi suất cho vay, ban hành
Thông tư 02 quy định việc cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ
cho khách hàng gặp khó khăn và Thông tư 03 điều chỉnh hoạt động kinh
doanh trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu NHNN
tiếp tục rà soát việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động
sản; có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản
và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, vừa
tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kiểm soát được rủi ro, góp phần
tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn,
lành mạnh, hiệu quả, bền vững, nhất là xem xét rất cụ thể để cho vay với
các dự án sắp hoàn thành.
NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng
120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công
nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.
Các ngân hàng thương mại tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp, người dân,
tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, đơn giản hoá các thủ tục hành chính
cho vay; phát huy cơ sở dữ liệu dân cư trong quản lý, cho vay tín dụng.
Doanh nghiệp phải hỗ trợ người mua nhà về thủ tục. Ngân hàng, doanh
nghiệp và người mua nhà cần phát huy tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro
chia sẻ".
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, hướng dẫn các địa phương
thực hiện công tác quy hoạch và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ
tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản,
trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để tăng nguồn cung cho thị
trường.
Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, triển khai các giải pháp phát
triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; nghiên cứu hình thành quỹ phát
triển nhà ở xã hội cho công nhân; thúc đẩy tăng cường hợp tác công tư
trong phát triển nhà ở xã hội…
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan
trong hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi); khẩn trương hoàn thiện
và trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định
số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về phương pháp định giá đất; xây dựng
điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất; định giá đất cụ thể và hoạt động
tư vấn xác định giá đất theo trình tự thủ tục rút gọn; đồng thời hướng
dẫn các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến xác
định giá đất.
Tập trung rà soát các tồn tại, hạn chế, vướng mắc của các thông tư để
khẩn trương sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, nhất là Thông tư số
36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 quy định chi tiết phương pháp định giá
đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn
xác định giá đất để ban hành cùng với Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị
định số 44/2014/NĐ-CP.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin về đất đai theo hướng
tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên
phạm vi cả nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
về đất đai.
Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các nhiệm
vụ, giải pháp Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp
tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành
mạnh, bền vững. Chủ tịch UBND chủ động thành lập các Tổ công tác, tập
trung rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các
dự án bất động sản trên địa bàn.
Khẩn trương, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được giao
cụ thể tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn
2021-2030" và Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho các dự án xây
dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác quy hoạch;
nghiên cứu đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm
quyền; chú trọng việc đào tạo, nâng cao năng lực và tinh thần trách
nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.
Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông,
báo chí tăng cường thông tin khách quan, trung thực, chú ý đề xuất, gợi
mở các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của thị trường bất
động sản. Người dân cần được hướng dẫn, tuyên truyền, được cung cấp
thông tin liên quan bất động sản, sản phẩm của doanh nghiệp, được thông
tin về các chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan bất động sản.
Thanh tra Chính phủ tăng cường thanh tra công vụ đột xuất ở một số địa
phương. Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành Nghị định quy
định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, năng động sáng
tạo.
Các bộ, ngành, cơ quan có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được
giao chủ động tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thuộc lĩnh
vực quản lý; đề xuất xử lý đối với những vấn đề phát sinh, vượt thẩm
quyền.
Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị tiếp tục chủ động tổ chức
rà soát, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, danh mục đầu tư, cơ cấu sản phẩm
đầu tư của doanh nghiệp nhằm đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính,
quy mô, khả năng quản trị của doanh nghiệp và phù hợp với nhu cầu thực
của xã hội.
Khẩn trương rà soát, hoàn thiện và báo cáo, đề xuất cơ quan, người có
thẩm quyền xem xét giải quyết các thủ tục pháp lý của dự án để nhanh
chóng triển khai, thực hiện dự án đảm bảo đúng quy định pháp luật. Tập
trung nguồn lực thỏa đáng cho các dự án sắp hoàn thành, các dự án lớn có
tính khả thi cao để sớm đưa vào kinh doanh, khai thác thu hồi vốn, tạo
dòng tiền cho doanh nghiệp và tăng nguồn cung cho thị trường. Rà soát,
cơ cấu lại nguồn vốn; tập trung xử lý nợ xấu, nợ đến hạn để tạo cơ sở,
điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán...
triển khai thực hiện dự án.
Thủ tướng một lần nữa đề nghị các chủ thể liên quan gồm các cơ quan
quản lý nhà nước, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp, người dân đều
phải có trách nhiệm, chung tay đoàn kết, thống nhất để giải quyết các
khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo chuyển biến tích cực sau hội nghị,
thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu
quả, bền vững.