Báo cáo tại Hội nghị về kết quả hoạt động của Ban
Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Trịnh Đình Dũng- Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, Quy hoạch xây
dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 05/5/2008. Theo đó, vùng
Thủ đô Hà Nội gồm 08 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Hà Tây,
Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình; có tổng diện tích
13.428km2, dân số khoảng 13 triệu người, với đô thị trung tâm là Thủ đô Hà Nội.
Sau khi Quốc hội khóa XII thông qua Nghị quyết mở rộng Thủ đô Hà Nội vào ngày
29/5/2008 và để đảm bảo sự phát triển tương xứng trong vùng sau khi mở rộng đô
thị trung tâm, vùng Thủ đô được mở rộng thêm 03 tỉnh mới là Phú Thọ, Thái Nguyên
và Bắc Giang, với tổng diện tích toàn vùng là 24.315km2, quy mô dân số xấp xỉ
17,5 triệu người (số liệu 2012), chiếm 19,1% dân số cả nước.
Bộ trưởng Bộ Xây
dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, sau 10 năm hoạt
động của Ban Chỉ đạo và 05 năm thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, mặc dù
trong điều kiện kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức,
nhưng công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô đã đạt được nhiều kết
quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu,
nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng nói riêng và cả nước nói chung,
cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng luôn duy trì ở mức cao và tương
đối ổn định, GDP toàn vùng năm 2012 đạt khoảng 646.730 tỷ đồng, chiếm 21,72% so
với cả nước, cơ cấu kinh tế dịch chuyển nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công
nghiệp, dịch vụ; Công tác quy hoạch và phát triển đô thị đạt được nhiều kết quả,
tỷ lệ phủ kín quy hoạch trong vùng tăng nhanh và cao hơn so với bình quân chung
cả nước, hệ thống đô thị phát triển nhanh về quy mô và ngày càng được nâng cao
chất lượng; Hệ thống khu công nghiệp phát triển nhanh, phân bố tương đối hợp lý
với hiệu suất sử dụng tương đối cao. Toàn vùng có 119 khu công nghiệp đã và đang
được hình thành với tổng diện tích quy hoạch khoảng 31.805ha, tỷ lệ lấp đầy
khoảng từ 50-75%; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của vùng có bước
phát triển nhanh, nhất là hạ tầng giao thông với nhiều tuyến đường bộ quan
trọng, huyết mạch của vùng như: đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải
Phòng, Nội Bài - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Pháp Vân - Cầu Giẽ, các tuyến
đường vành đai 3, 4 và 5, các cầu qua sông Hồng, hệ thống đường sắt đô thị Hà
Nội...; Lĩnh vực nhà ở có bước phát triển vượt bậc với hàng loạt dự án khu đô
thị mới, khu nhà ở với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ được
triển khai, góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu nhà ở, nâng cao chất lượng
sống của người dân dô thị và phát triển dịch vụ đô thị; Mô hình tổ chức quản lý
phát triển vùng đã đạt được những kết quả ban đầu thông qua hoạt động của Ban
chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô, sự tham gia của các Bộ, ngành
và các địa phương. Các địa phương trong vùng đã thực hiện nghiêm túc các ý kiến
chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, nghiên cứu, phát huy lợi thế của vùng trong quá trình
lập quy hoạch và đầu tư xây dựng tại địa phương, có nhiều hoạt động phối hợp
triển khai các dự án cấp vùng, chủ động chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong
công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng...
Bên cạnh những kết quả
tích cực đã đạt được, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng nêu lên một số bất cập
trong công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô và đề nghị các đại biểu
tập trung thảo luận, tìm giải pháp khắc phục, đó là việc cụ thể hóa quy hoạch
xây dựng vùng Thủ đô còn chậm, thiếu các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân
khu, quy hoạch chi tiết; sự thiếu đồng bộ về hạ tầng của các khu đô thị, khu
công nghiệp, phát triển thiếu quy hoạch, kế hoạch và chưa cân đối các nguồn lực
thực hiện theo từng giai đoạn dẫn đến lãng phí đất đai, tác động tiêu cực đến
thị trường bất động sản; mô hình phát triển đô thị, khu công nghiệp còn thiếu
tính bền vững, chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh theo đặc điểm của từng địa
phương; công tác phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội còn nhiều hạn chế,
thiếu đồng bộ, thiếu tính kết nối, thiếu nhiều công trình hạ tầng xã hội như y
tế, giáo dục, văn hóa - thể thao cấp vùng.
Toàn cảnh Hội
nghị
Trong thời gian diễn ra Hội nghị, các địa biểu
tham dự đã nghe đơn vị tư vấn -Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn Bộ
Xây dựng báo cáo về việc điều chỉnh Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, các tham luận
của tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, thành phố Hà Nội, tham luận
của các Bộ: Giao thông Vận tải, Công thương, Tài chính.
Phát biểu kết
luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những cố gắng của lãnh đạo
các địa phương thuộc vùng, đã có sự phối hợp tốt hơn với nhau trong công tác quy
hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở được quan tâm hơn rất nhiều. Tuy nhiên Phó
Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, hoạt động của Ban Chỉ đạo vẫn chưa đạt được
các hiệu quả mong muốn, công tác xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí quy hoạch và cơ
chế quản lý quy hoạch, phối hợp chỉ đạo thực hiện quy hoạch, việc điều hành tháo
gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng,
phát triển đô thị, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa...còn nhiều bất cập cần
được nghiên cứu, có giải pháp khắc phục.
Về báo cáo lần đầu về điều chỉnh
quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị đơn vị tư
vấn tập trung rà soát, đánh giá kỹ hơn việc thực hiện quy hoạch theo Quyết định
490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành,
các địa phương tại Hội nghị để cập nhật vào quy hoạch điều chỉnh. Bên cạnh đó
cần làm rõ chức năng của mỗi địa phương trong vùng, dựa trên thế mạnh đặc thù
của từng địa phương và việc quy hoạch hệ thống hạ tầng phải phù hợp với các chức
năng đó. Một vấn đề khác đó là việc dự báo phát triển của vùng, cần phải có sự
tính toán cẩn thận, đưa ra những dự báo có mức độ chính xác và tin cậy cao, để
quy hoạch mang tính khả thi.
Tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung
Hải đề nghị Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo tư vấn hoàn thành báo cáo điều chỉnh
quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội để báo cáo Chính phủ vào cuối năm 2013, phối hợp
với các Bộ, ngành, địa phương rà soát các quy hoạch chuyên ngành và các đề án,
dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu đề xuất cơ chế quản lý quy hoạch,
đảm bảo sự liên kết và phối hợp trong các quy hoạch chuyên ngành, giúp cho sự
phát triển bền vững từng địa phương và của cả vùng theo các mục tiêu của nhiệm
vụ điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt./.