Lượt xem: 7738 | Gửi lúc: 27/06/2016 14:40:38

Triển khai Đề án 1961 về “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và PTĐT đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2016-2020” khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Ngày 24-6, Hội nghị triển khai Đề án 1961 về “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2016-2020” khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã diễn ra tại Đà Nẵng. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đại diện các Cục, vụ chuyên ngành của Bộ Xây dựng, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên cùng một số tổ chức quốc tế đã tham dự Hội nghị.

Ông Đỗ Đức Duy – Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Trong 5 năm qua, Bộ Xây dựng đã hết sức nghiêm túc triển khai thực hiện Đề án. Đề án đã hoàn thành được nhiều nhiệm vụ như: Tổ chức Ban chỉ đạo để điều hành quản lý thực hiện Đề án, trong đó có sự tham gia phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương; Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu, cách thức tổ chức các khóa đào tạo đồng thời tuyên truyền, quảng bá về nội dung ý nghĩa của Đề án 1961 tới từng địa phương; Hoàn thành việc xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu cho các nhóm đối tượng học viên. Các bộ tài liệu được biên soạn công phu và nhận được đánh giá tích cực từ phía học viên tham dự những khóa học. Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - đơn vị được giao chủ trì thực hiện Đề án đã xây dựng đội ngũ giảng viên là lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, đồng thời mời các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước tham gia giảng dạy chương trình.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch TP. Đã Nẵng cho rằng các lớp đào tạo, bồi dưỡng về quản lý xây dựng và phát triển đô thị đã trang bị nhiều kiến thức giúp điều hành tốt hoạt động tại địa phương. TP. Đã Nẵng thời gian tới sẽ tăng cường phối hợp để tổ chức tốt các lớp theo Đề án.

Ông Trần Hữu Hà – Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị -  Phó trưởng Ban chỉ đạo Đề án đã nêu ra một số giải pháp thực hiện Đề án trong thời gian tới như công tác chuẩn bị giảng viên, tổ chức đào tạo cho từng nhóm đối tượng, Phương pháp đào tạo bồi dưỡng áp dụng các hình thức tích cực như học trực tiếp trên lớp và học trực tuyến Elearning, Xây dựng hoàn chỉnh bộ chương trình tài liệu đào tạo bồi dưỡng. Công tác phối hợp giữa Bộ Xây dựng với các Bộ, ngành, địa phương, với các tổ chức quốc tế cần đặc biệt chú trọng nhằm thực hiện tốt các mục tiêu mà Đề án đã đặt ra.

Tại Hội nghị, ý kiến của đại diện Viện quản lý đô thị Châu Á chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý đô thị của một số nước trên thế giới. Các nhà quản lý địa phương phát biểu tập trung làm rõ Kế hoạch thực hiện Đề án của địa phương mình với Ban chỉ đạo nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc hoàn thành các mục tiêu của Đề án trong thời gian tới. Phân tích, đánh giá những bất cập, khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện Đề án ở địa phương và có giải pháp để hoàn thành mục tiêu Đề án trong giai đoạn tiếp theo.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương, ông Đỗ Đức Duy - Thứ trưởng Bộ Xây dựng – Phó trưởng Ban, thường trực Ban chỉ đạo Đề án nhận định: Các ý kiến trong Hội nghị đều cho thấy sự đặc biệt cần thiết của Đề án. Những ý kiến đóng góp tại Hội nghị rất quan trọng, chúng tôi ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đề xuất. Cần thiết kế các chương trình linh hoạt, phù hợp với học viên. Việc đào tạo, bồi dưỡng sau này với mục tiêu đào tạo theo yêu cầu chức danh và theo vị trí việc làm. Đây cũng là mô hình của nhiều nước trên Thế giới. Ban chỉ đạo Đề án hoàn toàn đồng ý với các ý kiến và sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện để Đề án thực sự thiết thực và hiệu quả đối với sự phát triển của các đô thị Việt Nam.

Thanh Hương (AMC) nguồn Cổng TTĐT BộXD