Lượt xem: 2905 | Gửi lúc: 15/06/2016 08:54:26

Ngày làm việc thứ 2, phiên họp thường kỳ tháng 6 UBND tỉnh: Thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội

(THO) - Ngày 14-6, UBND tỉnh tiếp tục ngày làm việc thứ 2, phiên họp thường kỳ tháng 6-2016, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì phiên họp.


Mô hình tuyển chọn giống đậu tương mới thuộc đề tài khoa học cấp tỉnh được triển khai tại xã Định Long (Yên Định).(Ảnh: PV)
Hội nghị đã thảo luận và cho ý kiến đối với các dự thảo: Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII về nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và một số nội dung quan trọng khác.

Dự thảo kế hoạch triển khai khâu đột phá về nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đã xác định các lĩnh vực, sản phẩm và đối tượng cần đột phá về khoa học công nghệ (KHCN) đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; các chính sách cần xây dựng, các chương trình, dự án cần triển khai. Theo đó, trên lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào 21 sản phẩm có hàm lượng KHCN cao; trong công nghiệp tập trung vào 42 sản phẩm, gồm 22 sản phẩm có hàm lượng KHCN cao và 20 sản phẩm có khả năng cạnh tranh tốt; trong dịch vụ tập trung vào dịch vụ khám, chữa bệnh kỹ thuật cao, dịch vụ hành chính công. Đối tượng cần đột phá là doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở.  Các chính sách được đề xuất gồm:  hỗ trợ đổi mới thiết bị, công nghệ; hỗ trợ thực hiện tiêu chuẩn chất lượng ISO; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đánh giá cao chất lượng của dự thảo kế hoạch, đồng thời đề nghị: Các giải pháp cần phải rõ ràng, cụ thể hơn, bám sát chủ đề của kế hoạch. Nội dung và đối tượng có trọng tâm, trọng điểm, các khâu đột phá phải gắn với quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển của tỉnh trên các ngành, lĩnh vực và các sản phẩm. 

Dự thảo kế hoạch triển khai khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh với 5 nội dung lớn, gồm: Đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính mà trọng tâm là hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tiếp nhận và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; rà soát, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch, hoàn chỉnh hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho doanh nghiệp phát triển. Phấn đấu đến năm 2020: Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội đạt 615.000 tỷ đồng; các chỉ số năng lực PCI, PAPI, PAR INDEX của tỉnh nằm trong Top 10 của cả nước; đạt  trên 90% mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính; 100% các văn bản, tài liệu trao đổi trong từng cơ quan Nhà nước, giữa các cơ quan được thực hiện dưới dạng điện tử... 

Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ phạm vi, đối tượng của kế hoạch; cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu, trong đó phải đảm bảo mục tiêu giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tăng mức độ hài lòng của tổ chức và cá nhân đối với các dịch vụ hành chính công. Về mục tiêu, cần viết gọn, rõ, có tính khái quát cao. Về nội dung, yêu cầu bổ sung mục tiêu cụ thể cho từng nhiệm vụ. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao các ngành chức năng tiếp tục hoàn chỉnh kế hoạch thực hiện các khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã nêu để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Hội nghị cũng thảo luận, cho ý kiến vào Tờ trình liên ngành về việc ban hành chính sách hỗ trợ hoạt động và thu hút đào tạo cán bộ, giảng viên cho phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa giai đoạn 2017 – 2021, hướng tới thành lập Trường Đại học Y Thanh Hóa; thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo tờ trình về chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020;  chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập và hỗ trợ Trường THPT chuyên Lam Sơn, học sinh năng khiếu thể dục - thể thao; quy định mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục - đào tạo công lập và một số nội dung quan trọng khác. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã  kết luận từng nội dung, nêu những định hướng cơ bản để các ngành tiếp tục hoàn chỉnh nội dung tờ trình. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các chính sách xây dựng phải phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và điều kiện cụ thể của tỉnh, gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của tỉnh. Nội dung chính sách phải rõ ràng, dễ thực hiện và quan trọng nhất là phải đạt được hiệu quả thiết thực. 
 
      Khánh Phương