Lượt xem: 3198 | Gửi lúc: 11/06/2014 08:05:04

Một số vấn đề đặt ra hiện nay đối với công tác lập, quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá

Quy hoạch đô thị là cơ sở để quản lý và xây dựng đô thị, nó có tác dụng đi trước trong quá trình phát triển đô thị. Đóng vai trò định hướng phát triển mang tính chiến lược, công tác lập quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị đã góp phần tạo ra sự tăng trưởng ổn định cho đô thị và bước đầu khẳng định vị trí, vai trò trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội cũng như phục vụ và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác lập, quản lý quy hoạch vẫn còn nhiều tồn tại thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và địa phương. Những tồn tại, thách thức càng trở nên phức tạp và bộc lộ rõ hơn đặc biệt đối với các khu vực trong giai đoạn có tốc độ đô thị hoá cao, địa bàn tỉnh Thanh Hoá là một ví dụ. Bài viết này sẽ nêu lên một số vấn đề đặt ra hiện nay đối với công tác lập, quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.


 

 

Ảnh: Sơ đồđịnh hướng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025

Trong những năm gần đây, tỉnh Thanh Hoá đã đạt được tốc độ phát triển đô thị khá cao với tỷ lệ đô thị hoá đạt 18,6% vào năm 2013 (tăng 10,2% so với năm 2010), tuy tỉ lệ còn thấp so với cả nước (33% trong năm 2013) song đây là bước tiến đáng kể từ trước đến nay. Quá trình đô thị hoá này đòi hỏi số lượng các đồ án quy hoạch đô thị cần được lập ngày càng cao kể cả về số lượng lẫn chất lượng để đáp ứng các yêu cầu phát triển đô thị với những tính chất khác nhau, từ tứ giác tăng trưởng trung tâm, bao gồm thành phố Thanh Hoá (đô thị loại I) và thị xã Sầm Sơn (đô thị loại III) kết nối trực tiếp tới các đô thị công nghiệp là Khu kinh tế Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn (đô thị loại IV) và đô thị Lam Sơn – Sao Vàng đến các đô thị huyện lỵ là các thị trấn (đô thị loại V) và khu vực dự kiến hình thành các đô thị trong tương lai, sự khác biệt từ miền núi đến đồng bằng và vùng ven biển.Sự đa dạng về các loại đô thị theo phân cấp, chức năng và phân bố địa lý nêu trên đòi hỏi trước hết chiến lược tổng thể toàn diện về phát triển vùng của tỉnh(các vùng đô thị và vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng đồng bằng và ven biển với những tiềm năng, lợi thế và đặc thù khác nhau). Tuy nhiên hệ thống quy hoạch vùng trong tỉnh Thanh Hoá còn nhiều khoảng trống dường như chưa được nghiên cứu dự báo trước một cách đồng bộ mà một số đồ án quy hoạch vùng bắt buộc được đưa ra để thực hiện như là giải pháp đi kèm để kiểm soát, liên kế các đô thị, các khu chức năng phát triển mở rộng hoặc dự báo còn hạn chế về tầm nhìn.

Quy hoạch chung đô thị đã được phủ kín trên địa bàn toàn tỉnh. Trải qua quá trình phát triển,có nhiều đô thị đã và đang được triển khai điều chỉnh, mở rộng. Chất lượng đồ án quy hoạch chung các đô thị này đã được cải thiện đáng kể nhưng còn một số vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay. Một điều dễ nhận thấy và mọi người có thể chỉ ra rằng nguyên nhân chính của chất lượng lập quy hoạch còn yếu kém và tầm nhìn hạn chế là do năng lực yếu kém của đơn vị tư vấn. Bên cạnh đó,chất lượng quy hoạch chung đô thị còn phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm, tham gia vào cuộc của nhiều cấp, ngành và các bên liên quan. Thực tế công tác lập quy hoạch chung đô thị địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay vẫn chưa được sự quan tâm đúng mức của các ngành và chính quyền ở một số địa phương. Điều này có thể thấy thông qua các ý kiến tham gia về đồ án quy hoạch chung đô thị còn sơ sài,đôi khi là chiếu lệ. Bên cạnh đó còn có những lý do khách quan khó tránh khỏi cho tính dự báo của một đồ án quy hoạch, đó là sự thay đổi nhanh chóng về kinh tế khi đất nước đang trong quá trình hội nhập toàn cầu. Trong bối cảnh đó, dự báo quy hoạch phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển kinh tế và hầu như khó có thể trở thành hiện thực do những nhân tố mới xuất hiện, ví dụ như quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn có thể phải mở rộng tăng gấp ba lần diện tích mới có thể đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay, quy mô diện tích quy hoạch chung đô thị Lam Sơn – Sao Vàng cần phải điều chỉnh mở rộng đến hơn năm lần do các yếu tố mới xuất hiện như Cảng hàng không Thọ Xuân, khu công nghiệp công nghệ cao,khu nông nghiệp công nghệ cao.

Tương tự quy hoạch chung đô thị, công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị cũng còn nhiều hạn chế bất cập nêu trên, thêm vào đó nguồn vốn cho lĩnh vực này còn thiếu dẫn đến còn nhiều khoảng trống quy hoạch trong đô thị, càng làm tăng thêm áp lực cho công tác quản lý quy hoạch và quản lý đô thị. Sự phân cấp trong công tác quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cho địa phương hiện nay đã giúp các huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện) tự chủ và chủ động hơn trong việc hoạch định kế hoạch, chương trình thực hiện quy hoạch đô thị của địa phương. Tuy nhiên, Công tác phân cấp còn hạn chế do năng lực cấp huyện còn thiếu và yếu (nhân sự chưa đủ để thực hiện chức năng nhiệm vụ). Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đồ án quy hoạch đô thị, công tác quản lý quy hoạch và quản lý đô thị. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng trong công tác quản lý đô thị thì quản lý quy hoạch là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất. Trong đó, công tác lập quy hoạch được xem như bước đầu của công tác quản lý quy hoạch, muốn quản lý quy hoạch tốt thì chất lượng quy hoạch phải tốt.Quản lý quy hoạch tốt sẽ duy trì sự tăng trưởng ổn định cho đô thị.

 Tỉnh Thanh Hoá đang trong thời kỳ quan trọng của quá trình đô thị hóa với những triển vọng lớn về phát triển kinh tế tại các khu vực động lực (thành phố Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn,Khu kinh tế Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn và Đô thị Lam Sơn – Sao Vàng) và sự tương hỗ bởi hệ thống đô thị huyện lỵ và các vùng chức năng khác  trong toàn tỉnh.Trong quá trình phát triển đô thị, công tác lập và quản lý quy hoạch có vị trí quan trọng góp phần hoạch định chiến lược và những chính sách phát triển hợp lý.Tuy nhiên lĩnh vực quy hoạch đô thị tỉnh Thanh Hoá hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại cần sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan và đông đảo quần chúng nhân dân./.

 

Trịnh Đình Chiến           

Trưởng phòng QL Quy hoạch Kiến trúc

Sở Xây dựng Thanh Hoá