Lượt xem: 5369 | Gửi lúc: 23/06/2014 09:26:28

Công tác thẩm tra thiết kế xây dựng-Một số giải pháp nâng cao chất lương, hiệu quả công tác thẩm tra.

Ngày 06/02/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng (Nghị định 15/2013/NĐ-CP) thay thế Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 15/4/2013. Ngày 15/8/2013 Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 13/2013/TT-BXD Quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình; Hiệu lực thi hành 30/9/2013.

Điểm mới nổi bật trong Nghị định 15/2013/NĐ-CP là tăng cường chức năng thẩm tra, giám sát các dự án đầu tư xây dựng công trình cho các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, nâng cao trách nhiệm của chủ đần tư trong thực hiện các công trình xây dựng, nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Đặc biệt là các quy định mới về tăng cường kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đối với chất lượng các công trình có ảnh hưởng đế nan toàn cộng đồng nếu xảy ra sự cố; công bố thông tin về năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng; thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, chống thất thoát lãng phí cho công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách; và kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành đưa hạng mục, công trình vào sử dụng.Bài viết này sẽ nêu lên một số vấn đề đặt ra hiện nay đối với công tác thẩm tra thiết kế xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá

1. Một số tồn tại về công tác thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công

- Một số công trình, việc lựa chọn nhà thầu tư vấn của Chủ đầu tư chưa phù hợp loại, cấp công trình để thiết kế, khảo sát hoặc thẩm tra. Cụ thể: các đơn vị tư vấn hầu hết đều thiếu hoặc không có các chủ trì thiết kế chuyên ngành (như điện, nước, kiến trúc, kỹ sư định giá…);Chủ đầu tư không kiểm tra chứng chỉ hành nghề tại thời điểm thực hiện hợp đồng.

- Hồ sơ nộp thẩm tra chưa cập nhật quy chuẩn,tiêu chuẩn có liên quan để khảo sát, thiết kế công trình (sử dụng tiêu chuẩn,quy chuẩn đã hết hiệu lực).

- Nội dung, khối lượng công tác khảo sát địa hình không phù hợp với nhiệm vụ khảo sát – thiết kế và dự toán chuẩn bị đầu tư được phê duyệt.

- Việc tính toán kết không phù hợp với thực tế quy mô công trình. Mô hình hóa trong các phần mềm tính toán chuyên dụng chưa sát với công trình thực tế. Một số công trình, đơn vị tư vấn có thực hiện tính toán kết cấu nhưng khi triển khai bản vẽ lại không căn cứ số liệu kết quả tính toán kết cấu để thể hiện. Điều này dẫnđến các cấu tạo kết cấu sai lệch với kết quả tính toán, gây lãng phí hoặc không an toàn cho công trình.

- Chỉ dẫn kỹ thuật lập sơ sài, chưa chỉ định rõ các loại vật liệu đưa vào công trình, chưa chỉ rõ cấu kiện phải sử dụng vật liệu không nung theo quy định tại thông tư 09/2012/TT-BXD. 

- Đối với công tác lập dự toán:  Đa số các công trình việc lập dự toán không dựa vào biện pháp thi công (nhất là công tác đất); Các công việc tạm tính(là công việc không có trong bộ đơn giá hiện hành của nhà nước) tính giá dự toán không có cơ sở hoặc không viện dẫn, diễn giải đầy đủ; Công tác áp giá vật liệu chủ yếu dựa vào công bố của Liên Sở Tài chính – Xây dựng, những vật tư,vật liệu không có trong thông báo giá thì không nêu nguồn gốc để làm căn cứ thẩm tra, thẩm định, phê duyệt.

2. Một số nhận xét về công tác thẩm tra theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Thông tư13/2013/TT-BXD:

- Nghị định số 15/2013/NĐ-CP và Thông tư13/2013/TT-BXD đã tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng trong việc kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng. Đặc biệt là quản lý nhà nước đối với thiết kế kỹ thuật và dự toán các công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Giảm thất thoát lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.

- Khắc phục được tình trạng chất lượng hồ sơ thiết kế không đảm bảo về kết cấu và kiến trúc, không đúng quy định, vật tư thiết bị đưa vào công trình hợp lý hơn; Quy mô công trình đúng với các quy định hiện hành (Giải pháp xử lý nền móng, kết cấu công trình hợp lý, an toàn, diện tích sàn, diện tích làm việc và các quy định khác); giá thành công trình phù hợp với thiết kế bản vẽ thi công và các quy định trong quản lý chi phí đầu tư theo quy định.

- Hồ sơ sau khi thẩm tra về cơ bản tuân theo các quy định hiện hành. Chủ đầu tư có sự quan tâm đến công tác lựa chọn các đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế.

- Nâng cao trách nhiệm, năng lực của nhà thầu tư vấn thiết kế, khảo sát trong việc lập hồ sơ, giám sát tác giả.

            3. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác thẩm tra:

- Thứ nhất, hoàn thiện các cơ chế, chính sách:

 Chính phủ đã ban hành các nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cũng đã có thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định này, tuy nhiên đến nay cũng mới chỉ ban hành Thông tư 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 Quy định chi tiết một số nội dung quản lý chất lượng công trình xây dựng, thông tư 13/2013/TT-BXD ngày 15/8/2013 Quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình.

Các vấn đề liên quan đến thẩm tra vẫn chưa được các Bộ liên quan hướng dẫn như: hướng dẫn phí thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng của Bộ Tài chính, hướng dẫn việc đăng tải, công bố công khai trên cổng thông tin về năng lực của các tổ chức, cá nhân làm cơ sở để cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ định hoặc thông báo cho chủ đầu tư lựa chọn phục vụ cho việc thẩm tra theo quy định...

Do đặc điểm tình hình địa phương tại Thanh Hóa có địa bàn rộng, hiện nay có rất nhiều công trình có quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít, ở các vùng xa trung tâm tỉnh thuộc đối tượng Sở Xây dựng và các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm thẩm tra theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP. Các Sở ban ngành đang tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định việc phân cấp thẩm tra cho UBND cấp huyện các công trình nêu trên nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo hiệu quả thực hiện dự án.

- Thứ hai, nâng cao năng lực của Chủ đầu tư và  tổ chức, cá nhân làm công tác tư vấn xây dựng:

  Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc thực hiện, có hệ thống quản lý chất lượng và chịu trách nhiệm về chất lượng các công việc xây dựng do mình thực hiện trước chủ đầu tư và trước pháp luật; Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nêu trên đã được quy định cụ thể tại các Chương 2, 3 và 4 – Nghị định số 15/2013/NĐ-CP.

Tiếp tục tuyên truyền và quán triệt đầy đủ công tác thẩm tra thiết kế theo Nghị định 15-CP và các văn bản khác có liên quan đến tất cả các huyện, thị xã, các chủ đầu tư trong tỉnh thông qua việc hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật tại các huyện, thị xã.  Hướng dẫn cho các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn tuân thủ các quy định trong chuẩn bị và đầu tư dự án xây dựng. Khắc phục tình trạng phải bổ sung, sửa đổi hồ sơ khi nộp thẩm tra.

   -Thứ ba, nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác thẩm tra tại cơ quan quản lý nhà nước :

 Thực hiện đúng thời gian quy định của thủ tục hành chính đã ban hành. Xử lý hồ sơ khoa học, hợp lý, chủ động liên hệ, phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong giải quyết công việc. Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư, quản lý chất lượng công trình xây dựng trong quá trình thực hiện công tác thẩm tra. Cần chú trọng các điểm sau:

+ Tuân thủ tổng mặt bằng quy hoạch được duyệt, đảm bảo sự đấu nối đồng bộgiữa các hạng mục công trình thuộc dự án và với hạ tầng kỹ thuật của khu vực;

   + Đề xuất ứng dụng các các giải pháp thiết kế phù hợp, đảm bảo an toàn, tiết kiệm kinh phí, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

+ Đảm bảo sự phù hợp giữa khối lượng dự toán và hồ sơ thiết kế; đơn giá định mức công việc so với biện pháp thi công; giá cả vật liệu phù hợp với thị trường và yêu cầu sử dụng để tránh lãng phí, thất thoát trong việc thực hiện dự án.

                       

 

Nguyễn Văn Hưng

Trưởng ban thẩm tra thiết kế