Lượt xem: 1854 | Gửi lúc: 13/11/2020 15:59:04

Thanh Hóa: Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị

(Xây dựng) - Xác định đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa là tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, công tác huy động nguồn lực, đầu tư phát triển đô thị hóa tại Thanh Hóa ngày càng được quan tâm. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển ước đạt 610.000 tỷ đồng, gấp 1,86 lần giai đoạn 2011 - 2015. Cao nhất trong

thanh hoa huy dong nguon luc cho dau tu phat trien do thi
Ông Đào Vũ Việt - Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa trình bày tham luận tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống đô thị đến năm 2030 phát triển bền vững, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, mang sắc thái kiến trúc đô thị riêng, môi trường chất lượng cuộc sống tốt, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và khu vực. Đồng thời phù hợp sự phát triển của các vùng, miền trong toàn tỉnh, nhất là theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 32 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I; 02 đô thị loại III; 01 đô thị loại IV, 28 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa đạt 35%. Kết cấu hạ tầng các đô thị lớn được đặc biệt quan tâm, đầu tư đồng bộ và hiện đại. Trong đó, liên đô thị thành phố Thanh Hóa – Sầm Sơn đang được đầu tư kết nối, đóng vai trò chủ đạo liên kết với các đô thị trọng điểm gồm: Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Lam Sơn – Sao Vàng. Một số đô thị mới với kiến trúc hiện đại như: đô thị mới phường Điện Biên, phường Đông Hải (VinGroup), khu đô thị Bình Minh, đô thị mới Đông Sơn… đã thay đổi rõ rệt diện mạo đô thị của tỉnh.

Cùng với đó, hạ tầng các khu đô thị nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh cũng được đầu tư làm trung tâm kết nối với các khu dân cư lân cận, gắn kết các cụm công nghiệp, điểm dịch vụ và du lịch theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Hệ thống giao thông đô thị; hệ thống cấp, thoát nước; cấp điện; xử lý chất thải rắn, nước thải, viễn thông, công nghệ thông tin đang từng bước được hoàn thiện.

Bên cạnh đó, về giao thông, tỉnh cũng đang tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp các quốc lộ, tỉnh lộ; xây dựng mới các tuyến đường liên kết với các vùng kinh tế động lực, các tuyến liên huyện, đường giao thông nông thôn khu vực nông thôn, miền núi, ven biển. Càng hàng không Thọ Xuân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế vào năm 2030, là cảng hàng không phát tiển nhanh nhất cả nước. Về cảng biển, hiện có 2 cảng là cảng Lễ Môn và cảng Nghi Sơn. Trong đó, cảng Nghi Sơn đang hoạt động với 9 bến cảng tổng hợp, một số cầu cảng chuyên dùng cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy xi măng Nghi Sơn và các nhà máy nhiệt điện.

Cùng với đó, tỉnh đã ưu tiên bố trí ngân sách, tích cực thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước, theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các nguồn lực trong nhân dân để đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị. Hiện trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối các đô thị được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và nguồn vốn ODA. Đồng thời, tiến hành triển khai thực hiện các dự án phát triển đô thị, khu dân cư bằng nguồn vốn của các nhà đầu tư thông qua đấu giá, đấu thầu các dự án có sử dụng đất.

Những giải pháp trên đã tạo tiền đề quan trọng, tạo thế và lực cho chương trình phát triển đô thị của Thanh Hóa những năm tiếp theo. Nhưng bên cạnh những kết quả đã có, vẫn còn một số bất cập, hạn chế cần triệt để tháo gỡ, khắc phục. Đó là hệ thống hạ tầng đô thị phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển kinh tế; các đô thị của tỉnh còn thiếu bản sắc, kiến trúc riêng tạo điểm nhấn cho đô thị; việc tổ chức các dịch vụ công, dịch vụ xã hội cơ bản ở nhiều đô thị mới còn chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. Nhất là hạ tầng khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp và khu vực miền núi; huy động vốn tham gia vào đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế.

Nhìn rõ những vấn đề trên, Nghị quyết số 58/NQ-TW của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 40% trở lên, năm 2030 khoảng 50% trở lên. Theo đó, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 - 2025 đạt 750.000 tỷ đồng trở lên, năm 2026 – 2030 đạt 900.000 tỷ đồng trở lên.

Thực tế trên cho thấy, nhu cầu vốn về đầu tư phát triển đô thị và hạ tầng đô thị là rất lớn. Trong khi nguồn vốn chi cho lĩnh vực này lại ngày càng hạn chế, khả năng tiếp cận vốn vay của các tổ chức quốc tế, tài trợ của các nước ngày càng hạn hẹp. Do đó, việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, hoàn chỉnh và thông thoáng nhằm thu hút tối đa nguồn vốn đầu tư cho phát triển đô thị là hết sức cần thiết và quan trọng.

Nhận thức sâu sắc vấn đề trên, với chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng nói chung, phát triển đô thị nói riêng, trong tham luận trình bày tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vừa qua, ông Đào Vũ Việt - Giám đốc Sở xây dựng Thanh Hóa đã nêu ra một số giải pháp về huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh thời gian tới như sau.

thanh hoa huy dong nguon luc cho dau tu phat trien do thi
Diện mạo đô thị loại I thành phố Thanh Hóa ngày càng thay đổi rõ nét.

Thứ nhất: Tập trung nguồn lực cho các dự án ưu tiên đầu tư và phát triển đô thị, các trung tâm kinh tế động lực, có sức đột phá, lan tỏa lớn tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên các hạ tầng thiết yếu làm đòn bẩy thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển vào đô thị. Đẩy nhanh tốc độ gắn với nâng cao chất lượng đô thị hóa. Tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống đô thị tỉnh theo hướng bền vững, phân phối hợp lý, cân đối giữa các vùng, kết nối thuận lợi với hệ thống đô thị vùng Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Phát triển đô thị thân thiện với môi trường, tôn trọng, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống về kiến trúc, đảm bảo văn minh đô thị với sự phát triển dịch vụ xã hội cơ bản ở trình độ cao, chất lượng cao.

Tập trung đầu tư hoàn thiện và đồng bộ hạ tầng các khu đô thị trung tâm, giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội. Trong đó, xây dựng thành phố Thanh Hóa là đô thị thông minh. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu đô thị Bỉm Sơn, Sầm Sơn, Nghi Sơn, Ngọc Lặc, Lam Sơn – Sao Vàng. Hoàn thiện các thủ tục để sớm khởi công các dự án đô thị lớn như: Hàm Rồng – Núi Đọ; dự án đô thị động lực tại Nghi Sơn; dự án khu phức hợp dịch vụ hàng không; đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao Thọ Xuân; xây dựng khu sân bay Thọ Xuân thành đô thị sân bay theo xu hướng của thế giới…

Thứ hai: Tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách, tăng cường thu hút vốn trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư và các nguồn lực trong nhân dân, để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị. Trong đó, tập trung đẩy mạnh hình thức đầu tư PPP cho phát triển đô thị (nhất là đô thị thông minh); phát triển và điều hành tốt thị trường bất động sản. Coi đây là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng các biện pháp kích thích vào đất đai, tạo lập các công trình, nhà xưởng, vật kiến trúc… từ đó tạo sự chuyển dịch về cơ cấu trong các ngành kinh tế.

Thứ ba: Sử dụng các quỹ đầu tư hiện có, bao gồm quỹ đầu tư phát triển địa phương, quỹ phát triển đất, quỹ phát triển hạ tầng, quỹ phát triển nhà ở… tạo nguồn kinh phí đầu tư cho các khu vực phát triển đô thị. Theo đó, các giải pháp huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị một cách hiệu quả bao gồm: Tập trung vào các khu vực và dự án có sức lan tỏa lớn; thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế bằng cách tập trung vào xây dựng 5 yếu tố cạnh tranh như sau: Quy trình nhanh gọn – cơ chế hấp dẫn – hạ tầng đảm bảo – môi trường trong sạch – nhân lực dồi dào.

Huy động tối đa nguồn lực trong nhân dân bằng cơ chế, chính sách xã hội hóa, nâng cao vai trò cộng đồng và chính quyền đô thị.

Thứ tư: Xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi cho dự án đầu tư phát triển đô thị theo từng nhóm dự án sau:

Công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội phục vụ công cộng; công trình nhà ở gồm nhà ở xã hội, nhà ở tái địch cư, nhà ở cho thuê, nhà ở dân cư hiện có cải tạo, xây dựng lại; công trình có ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường.

Chính sách ưu đãi đầu tư: Ưu đãi trong cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất với mức ưu đãi tối đa; giao đất hoặc cho thuê đất là đất sạch để xây dựng công trình xã hội hóa; chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng.

Thứ năm: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư đô thị, song song với chính sách ưu đãi để hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư, gồm có:

Chú trọng cải thiện kỹ thuật xúc tiến đầu tư, thực hiện các hoạt động tạo nguồn đầu tư, nâng cấp các dịch vụ đầu tư thông qua chiến dịch tạo dựng hình ảnh các đô thị của tỉnh với tài liệu, ấn phẩm, thông tin đa dạng, đảm bảo độ xác thực, tin cậy, tính tiện ích và khả năng tiếp cận dễ dàng.

Tổ chức thường niên các hội nghị xúc tiến đầu tư và đặc biệt theo các đôi tượng và chủ đề khác nhau như: Đầu tư các khu công nghiệp, đầu tư du lịch và thương mại, đầu tư khu vực Nghi Sơn và các vùng phụ cận, đầu tư khu vực miền núi phía Tây… chú trọng các nhà đầu tư khu vực Đông Nam Á, Đông Á với trọng tâm là các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, những quốc gia có kinh nghiệm về đầu tư khu vực đô thị và đã có nhà đầu tư tại Thanh Hóa.

thanh hoa huy dong nguon luc cho dau tu phat trien do thi
Những năm qua, công tác huy động nguồn lực, đầu tư phát triển đô thị hóa tại Thanh Hóa ngày càng được quan tâm.

Với những giải pháp đúng đắn, toàn diện và lộ trình triển khai phù hợp, khoa học như đã nêu. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân. Hy vọng chương trình mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống đô thị văn minh, hiện đại, sinh thái và giàu bản sắc của Thanh Hóa sẽ hoàn thành theo kế hoạch. Góp phần đưa Thanh Hóa trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, cực tăng trưởng mới của khu vực miền Bắc như Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị.

Đào Nguyên