Lượt xem: 1750 | Gửi lúc: 05/09/2014 14:12:35

UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 8

Khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước

                          Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận phiên họp. (.Ảnh: Việt Ba)

(THO) - Ngày 4-9, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 8 đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 8, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9-2014; nghe Đề án phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Đề án tái cơ cấu ngành dịch vụ tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.


Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo, trong tháng 8, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và có bước phát triển. Nhiều chỉ tiêu quan trọng trên một số lĩnh vực đạt kết quả tích cực so với kế hoạch và so với cùng kỳ. 

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng vụ thu mùa đạt 177.000 ha, tăng 1,5% so với kế hoạch. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, các công trình được giao vốn năm 2014 vẫn triển khai chậm, đến nay, trong tổng số 109 công trình mới chỉ có 10 công trình hoàn thành, 44 công trình đang thi công.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ, giá trị sản xuất ước đạt 2.418 tỷ đồng, tăng 10,9%.  Tính đến 31-8, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt 39.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay các đối tượng ưu tiên đạt trên 20.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 44% tổng dư nợ. Thu ngân sách tăng cao so với cùng kỳ và kế hoạc; công tác vận động, xúc tiến đầu tư và hoạt động kinh tế đối ngoại tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường được tăng cường. Hoạt động văn hóa – xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; quốc phòng – an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. 

Sau khi các đại biểu thảo luận, đề xuất những giải pháp để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong những tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến đã phân tích kết quả nổi bật mà toàn tỉnh đã đạt được, đồng thời chỉ rõ những hạn chế: Tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, dự án có sử dụng đất còn chậm và có nhiều sai phạm. Tính chủ động và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu một số sở, ngành, địa phương chưa cao. Vẫn còn tình trạng sách nhiễu trong bộ máy và một bộ phận cán bộ, công chức còn thụ động trong công việc...

Về nhiệm vụ tháng 9 và những tháng cuối năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến yêu cầu các cấp, ngành tập trung cao độ, điều hành quyết liệt nhằm đạt và vượt những mục tiêu kế hoạch đặt ra. Theo đó, các cấp, ngành chức năng cần thực hiện tốt các nhóm giải pháp, gồm: Tập trung quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, trong đó, ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng và tổ chức thu hoạch trà lúa mùa sớm, chuẩn bị tốt các điều kiện để sản xuất vụ đông. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và phòng chống dịch cúm gia cầm, siết chặt quản lý Nhà nước về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, khai thác, bảo vệ nguồn lợi ven biển. Rà soát, bổ sung và thực hiện nghiêm các phương án phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho sản xuất và đời sống của nhân dân trong mùa mưa bão, đồng thời chỉ đạo thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới đúng kế hoạch, nhất là bảo đảm tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản nông thôn mới.
Trên lĩnh vực công nghiệp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp kích cầu tiêu dùng, nhất là giải pháp kích cầu xây dựng; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng Thanh Hóa”; tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường cho một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh. 

Lĩnh vực đầu tư, các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động, năng động, tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư và kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nhất là dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, Trái phiếu Chính phủ, vốn ODA. Kiên quyết điều chuyển vốn các dự án chậm khởi công, chậm tiến độ; lập lại kỷ cương trong đấu thầu xây dựng cơ bản. Đôn đốc  bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, bảo đảm thời gian thi công mới các dự án, giải ngân vốn và thu hồi vốn theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. Tiếp tục quản lý tốt nguồn thu ngân sách, đặc biệt là nguồn thu mới phát sinh tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, nguồn thu ở các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn có khả năng thu. 
Các ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, khoáng sản; các ngành thuộc khối văn hóa – xã hội tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong thời gian qua; đồng thời thực hiện tốt ngày toàn dân đưa trẻ đến trường và triển khai các hoạt động quảng bá Năm Du lịch quốc gia 2015 tại Thanh Hóa. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nâng cao chất lượng tham mưu của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương theo hướng tăng tính chủ động, từng bước tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành bộ máy hành chính...

Tiếp đó, các đại biểu đã thảo luận về Dự thảo Đề án phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và Đề án Tái cơ cấu và phát triển ngành dịch vụ tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành, đơn vị vào 2 dự thảo đề án, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến, nhấn mạnh: Đây là 2 đề án có ý nghĩa quan trọng, do vậy các sở, ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, có những đóng góp vào các đề án. Đối với Đề án phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần tập trung vào 7 nhóm giải pháp cụ thể được nêu trong đề án, trong đó chú ý đến phần vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân, tạo khí thế, động lực và ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển, các ban, ngành, địa phương cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ các điều kiện để doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh. 

Đối với Đề án Tái cơ cấu và phát triển ngành dịch vụ tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung được nêu trong đề án, đồng thời lưu ý cần bổ sung và tập trung nhấn mạnh các lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa, đó là: Du lịch, vận tải, giáo dục - đào tạo, y tế, thông tin truyền thông và bất động sản. Trên cơ sở các đề án được thông qua tại hội nghị, Văn phòng UBND tỉnh có nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo hoàn chỉnh các đề án.

.Việt Ba (Báo Thanh Hóa)