Lượt xem: 6162 | Gửi lúc: 25/08/2014 14:57:01

Những tồn tại về Công tác quản lý chất lượng CTXD giao thông thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; Nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

I. Những tồn tại về Công tác quản lý chất lượng CTXD giao thông thủy lợi trên địa bàn tỉnh. 1. Đối với Chủ đầu tư: Chủ đầu tư, là người chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng công trình xây dựng. Chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn các Nhà thầu, ký kết hợp đồng kinh tế, giám sát và nghiệm thu chất lượng công trình từ khâu Lập dự án, Khảo sát, Thiết kế, Thi công đến nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng và thanh quyết toán công trình.

Hầu hết các chủ đầu tư  trên địa bàn các huyện đều thành lập các Ban QLDA khi có công trình, (Riêng các huyện: Thạch Thành, Bá Thước, Tĩnh Gia, UBND huyện có thành lập Ban QLDA chuyên trách) còn lại các Ban QLDA hầu hết là kiêm nhiệm, đặc biệt đối với Ban QLDA cấp xã hầu hết không có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực xây dựng, sự hiểu biết về xây dựng cũng như công tác quản lý chất lượng xây dựng còn nhiều hạn chế.Khi lựa chọn nhà thầu các chủ đầu tư chưa kiểm tra, kiểm soát đầy đủ thông tin về năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu đủ năng lực thực sự và có kinh nghiệm tham gia thực hiện dự án. Phương thức lựa chọn nhà thầu chưa phù hợp, việc lựa chọn đơn vị trúng thầu chủ yếu căn cứ vào giá dự thầu thấp nhất mà chưa tính một cách đầy đủ đến yếu tố đảm bảo chất lượng, đến hiệu quả đầu tư của Dự án.Một số công trình việc tổ chức đấu thầu chỉ mang tính chất hình thức, thủ tục.


                    

                 Ảnh: Cán bộ Sở Xây dựng kiểm tra chất lượng một công trình thủy lợi

 

2. Đối với Tư vấn xây dựng:       

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp tư vấn xây dựng ra đời và phát triển rất nhanh về số lượng. Nhưng những đơn vị thực sự có năng lực không nhiều, phần lớn các doanh nghiệp năng lực hoạt động chuyên  môn hạn chế,  thiết bị, công nghệ của các đơn vị tư vấn chậm đổi mới, dẫn đến chất lượng hồ sơ khảo sát, hồ sơ thiết kế, công tác giám sát, chất lượng chưa cao, còn nhiều sai sót. Đánh giá về hoạt động và chất lượng một số lĩnh vực Tư vấn xây dựng, còn một số tồn tại cụ thể như sau:

            - Về công tác khảo sát: Hiện tượng không lập nhiệm vụ khảo sát diễn ra khá phổ biến ở công trình tuyến huyện, tuyến xã, hồ sơ khảo sát của nhiều công trình  không có Nhật ký khảo sát, không có nhiệm vụ và phương án khảo sát được chủ đầu tư phê duyệt. Một số công trình khảo sát địa chất chưa phù hợp về vị trí hố khoan, số lượng hố khoan và chiều sâu khoan. Các số liệu thí nghiệm, phân tích chỉ tiêu cơ lý một số công trình không do phòng thí nghiệm hợp chuẩn thực hiện, số liệu khảo sát chưa phù hợp với thực tế, chủ trì khảo sát chưa đảm bảo điều kiện năng lực theo quy định củaNĐ12/CP .

            - Về công tác thiết kế: Trên địa bàn các huyện. Hầu hết các công trình có quy mô nhỏ: Phần thuyết minh tính toán kết cấu mang tính hình thức (không tính toán nội lực, không khảo sát đánh giá lưu lượng xe và tải trọng xe khi thiết kế đường, cầu; Thực hiện không đúng hoặc không đủ các điều kiện địa chất thủy văn khi thiết kế các công trình cầu, tràn, đê, đập). Một số cầu, cống, hoặc các bộp hận thường xuyên tiếp xúc với nước thiết kế với cường độ bê tông thấp M150#.Các cầu, cống thiết kế định hình mà không thiết kế theo tình hình thực tế. Hồ sơ không chỉ định rõ cường độ cốt thép sử dụng và không chỉ định rõ cốt liệu đá trong bê tông. Cá biệt, một số công trình, số liệu khảo sát trong hồ sơ không đúng với hiện trạng thực tế. Hồ sơ thiết kế không có nhiệm vụ thiết kế được chủ đầu tư phê duyệt. Hầu hết các hồ sơ thiết kế chưa lập quy trình bảo trì cho công trình, đơn vị thiết kế không thực hiện giám sát tác giả theo quy định. Một số hồ sơ thiết kế Chủ trì thiết kế chưa đảm bảo điều kiện năng lực theo quy định của NĐ 12/CP.

- Về công tác thẩm tra thiết kế, dự toán: Theo Nghị định 209/2004/NĐ-CP, Công tác thẩm tra thiết kế dự toán là do các doanh nghiệp Tư vấn thực hiện, nhưng trách nhiệm thực hiện của tư vấn thẩm tra chưa thực hiện nghiêm túc theo quy định của Pháp luật xây dựng. Những sai sót trong thiết kế tư vấn thẩm tra không phá thiện được. Nhiều công trình tư vấn thẩm tra ký kết hợp đồng với chủ đầu tư thẩm tra toàn bộ từ khâu thiết kế bản vẽ thi công đến dự toán công trình, nhưng thực tế chỉ thẩm tra phần dự toán, không có hoặc nêu không đẩy đủ các nội dung thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công. Một số công trình chủ đầu tư không lưu hồ sơ năng lực về tư vấn thẩm tra. Chủ trì thẩm tra không đảm bảo điều kiện năng lực theo quy định. Nhiều công trình thực hiện công tác thẩm tra chỉ mang tính thủ tục,hình thức, chưa chú trọng đến chất lượng thẩm tra, các Chủ đầu tư chưa kiểm tra chặt chẽ điều kiện năng lực của đơn vị tư vấn thẩm tra. Công tác kiểm tra, kiểm soát về lĩnh vực này đối với cơ quan quản lý chưa được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/4/2013, công tác thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công đã được giao cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng để thực hiện kiểm soát chất lượng hồ sơ ngay từ giai đoạn trước khi thẩm định, phê duyệt. Việc này cơ bản đã khắc phục được hầu hết các tồn tại lâu nay đã nêu trên.

- Về công tác tư vấn giám sát: Sau khi đấu thầu, công trình triển khai thi công. Như vậy,chất lượng xây lắp công trình được quyết định một phần chủ yếu ở khâu giám sát thi công, tư vấn giám sát giúp các Chủ đầu tư giám sát và quản lý thực hiện dựán với nhiệm vụ: Kiểm soát chất lượng công trình; Kiểm soát khối lượng; Kiểmsoát tiến độ, giúp Chủ đầu tư trong việc phát hiện những bất hợp lý trong thiết kế, dự toán, trong tổ chức thi công, giúp Chủ đầu tư nghiệm thu, thanh quyết toán đưa công trình vào sử dụng.

- Thực trạng hiện nay tư vấn giám sát trên địa bàn các huyện, yếu về năng lực, hiểu biết về Pháp luật xây dựng còn hạn chế, đặc biệt là nhận thức được tầm quan trọng của công tác Quản lý chất lượng CTXD;

- Tư vấn giám sát chưa bám vào nhiệm vụ giám sát và hợp đồng giám sát để thực hiện công tác giám sát thi công. Chưa giúp Chủ đầu tư kiểm tra điều kiện năng lực của các nhà thầu so với Hồ sơ trúng thầu (Bộ máy chỉ đạo thi công, nhân lực, máy móc, thiết bị thi công, biện pháp thi công công trình, an toàn lao động, PCCC và chất lượng vật tư, vật liệu đưa vào xây dựng...). Chưa kiểm tra, kiểm soát được Hồ sơ quản lý chất lượng: Ghi chép Nhật ký giám sát chưa thể hiện được đầy đủ công tác quản lý chất lượng của chủ đầu tư; Không nhận xét hoặc không thường xuyên đánh giá chất lượng sau mỗi ngày hoặc mỗi ca làm việc trong nhật ký công trình; không kiểm tra kiểm soát các tài liệu làm căn cứ nghiệm thu dẫn đến các Biên bản nghiệm thu không đảm bảo quy định hiện hành. Hầu hết các công trình Biên bản nghiệm thu công việc, giai đoạn thiếu các căn cứ nghiệm thu, và các thông số kỹ thuật thi công thực tế của đối tượng nghiệm thu, cá biệt còn có những công trình áp dụng sai tiêu chuẩn kỹ thuật. Hồ sơ quản lý chất lượng chưa được quan tâm, chưa thể hiện được chất lượng thi công công trình. Công tác lập hồ sơ QLCL chỉ mang tính hình thức, chưa phản ánh được các thông số kỹ thuật thực tế của công trình.

 Các doanh nghiệp Tư vấn khi thực hiện nhiệm vụ giám sát không kiểm tra, kiểm soát và theo dõi chặt chẽ, hoạt động của cán bộ được cử làm công tác này, việc lưu trữ hồ sơ quản lý chất lượng (Nhật ký giám sát, các báo cáo chất lượng, các văn bản đề xuất, kiến nghị, các thay đổi bổ sung, các biên bản nghiệm thu) hầu hết chưa được các đơn vị tư vấn giám sát quan tâm;

Một số đơn vị tư vấn giám sát bố trí cán bộ giám sát không đúng chuyên ngành phù hợp, chưa có chứng chỉ hành nghề giám sát, bố trí một tư vấn giám sát đồng thời trong cùng một thời điểm, giám sát nhiều công trình, cán bộ giám sát không phải là hợp đồng lao động dài hạn của đơn vị.

Việc không tuân thủ qui định về điều kiện và năng lực hoạt động của Tư vấn giám sát theo NĐ12/CP dẫn đến chất lượng công tác giám sát chưa cao, giám sát chưa làm hết trách nhiệm, chất lượng công trình vẫn chưa được kiểm soát theo hồ sơ thiết kế được duyệt một cách đầy đủ;

- Về lĩnh vực thí nghiệm: Hầu hết các phòng thí nghiệm được kiểm tra chưa thực hiện nghiêm túc công tác quản lý theo quy định như: Chưa áp dụng kịp thời các Tiêu chuẩn kỹ thuật về thí nghiệm vật liệu xây dựng. Một số phòng thí nghiệm không tổ chức lấy mẫu thí nghiệm tại hiện trường,không có mẫu lưu tại phòng thí nghiệm. Bố trí cán bộ thí nghiệm chưa qua các lớp đào tạo thí nghiệm viên, cá biệt còn có đơn vị Trưởng phòng thí nghiệm chưa được đào tạo qua lớp quản lý phòng thí nghiệm.

3. Công tác quản lý chất lượng của Các doanh nghiệp  xây lắp:

- Các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn tỉnh, một số doanh nghiệp lớn đã có cố gắng nhiều trong việc tổ chức bộ máy cán bộ và đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất, còn phần lớn các doanh nghiệp năng lực hoạt động của cán bộ thi công còn hạn chế, công nhân kỹ thuật hầu hết là hợp đồng thời vụ,chưa được đào tạo bài bản, máy móc thiết bị thi công chưa đảm bảo được so vớ iHồ sơ Dự thầu.

- Hệ thống quản lý chất lượng ở các doanh nghiệp có qui mô lớn thực hiện tốt, các doanh nghiệp nhỏ không thành lập hệ thống QLCL hoặc có thành lập cũng chỉ là hình thức, chất lượng chưa cao.Nhiều doanh nghiệp bố trí chỉ huy trưởng công trình và cán bộ kỹ thuật, thiết bị thi công chưa đúng với hồ sơ dự thầu, chưa thực hiện nghiêm túc các cam kết trong hợp đồng xây lắp. Việc lập hồ sơ quản lý chất lượng còn mang tính đối phó như: Ghi chép nhật ký công trình chưa đảm bảo quy định. Công tác nghiệm thu nội bộ còn mang tính hình thức. Công tác thí nghiệm vật tư, vật liệu, cấu kiện bán thành phẩm để xác định chất lượng còn mang tính đối phó. Không lập bản vẽ hoàn công hoặc lập bản vẽ hoàn công không đúng quy định.

- Chất lượng thi công: thi công một số công việc chưa đảm bảo Hồ sơ thiết kế được duyệt như:

+ Đối với công trình giao thông: Nhiều công trình thi công độ dốc ngang mặt đường, độ dốc dọc, độ dốc mái taluy, thành phần hạt của các loại cấp phối đá dăm, đá dăm tiêu chuẩn chưa đảm bảo yêu cầu thiết kế. Bố trí các khe co giãn của các đường bê tông chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Mặt đường một số vị trí còn lún, nứt cục bộ, sạt lở mái taluy. Nhiều công trình không lưu đầy đủ các mốc, cao độ gây khó khăn cho công tác kiểm tra và nghiệm thu công trình. Không chú trọng thi công hệ thống thoát nước mặt đường (trong giai đoạn hoàn thành đưa vào sử dụng) và nền đường (trong giai đoạn thi công). Thi công các vị trí tiếp giáp giữa đường và cống, cầu, tràn, lề đường không đảm bảo chất lượng. Đây là các nguyên nhân lớn góp phần làm giảm chất lượng của công trình giao thông.

+ Đối với công trình Thủy lợi: Thi công các khớp nối của các công trình đập, tràn,  các khe lún, các lớp đá dăm đệm phần kè mái, độ dốc mái chưa đảm bảo yêu cầu thiết kế; Quy trình thi công các lớp đất đắp chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Các công trình kênh,mương hầu hết thi công bằng gạch rỗng chưa đảm bảo Tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Thi công công tác đắp đất không đảm bảo trình tự kỹ thuật (chiều dày lớp đắp, máy móc đầm nén và phương pháp đầm…). Đặc biệt là các vị trí mái taluy.

- Công tác thí nghiệm vật tư, vật liệu, cấu kiện bán thành phẩm để xác định chất lượng một số công trình thực hiện chưa nghiêm túc, còn mang tính đối phó.

II. Nguyên nhân: 

Có 2 nguyên nhân dẫn đến các tình trạng trên: Nguyên nhân gián tiếp (thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước); Nguyên nhân trực tiếp (thuộc về các chủ thể tham gia thực hiện dự án đầu tư XD công trình):

            1. Nguyên nhân Gián tiếp:

- Sự phối hợp về công tác quản lý chất lượng trong hệ thống quản lý nhà nước của  các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Việc thực hiện các chế tài về xử phạt vip hạm hành chính trong hoạt động xây dựng chưa kiên quyết, chưa áp dụng các được các biện pháp xử phạt nặng mang tính chất răn đe cao. Hiệu quả của công tác kiểm tra sự tuân thủ các quy định của Pháp luật về quản lý chất lượng công trình hiện nay còn hạn chế do kết quả kiểm tra chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở. Đối với các công trình vốn ngân sách Nhà nước, tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu vốn,chậm vốn, dẫn đến tiến độ chậm, tạo ra những yếu tố bất lợi cho nhà thầu (Trượt giá, hiệu quả quay vòng vốn...)  nảy sinh hiện tượng ăn bớt chất lượng để bù lỗ.

- Năng lực quản lý nhà nước về chất lượng CTXD của các huyện chưa đáp ứng yêu cầu quản lý (Kể cả số lượng và năng lực cán bộ), thiết bị máy móc và phương tiện phục vụ cho công tác quản lý thiếu thốn. Công tác kiểm tra chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn các huyện chưa được chú trọng đúng mức, công tác phổ biến, cập nhật các văn bản của Pháp luật về chất lượng công trình xây dựng chưa kịp thời.

- Ở cấp xã Ban QLDA không có cán bộ chuyên môn kỹ thuật, cán bộ kiêm nhiệm không được đào nghiệp vụ chuyên môn. Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng ỷ lại cho Tư vấn giám sát.

2. Nguyên nhân trực tiếp: Các chủ thể tham gia quản lý dự án không đảm bảo điều kiện năng lực theo quy định:

- Đối với Chủ đầu tư: Các chủ đầu tư công trình đều thành lập ban QLDA khi có dự án. Bộ máy quản lý chất lượng chưa đảm bảo điều kiện năng lực, hoàn toàn ỷ lại cho cán bộ tư vấn giám sát (do chủ đầu tư thuê). Hầu hết các chủ đầu tư không thuê tư vấn quản lý dự án. (Trừ những công trình của một số huyện có Ban QLDA chuyên nghiệp) Các ban QLDA do chủ đầu tư thành lập khi có công trình hầu hết là kiêm nhiệm, Đặc biệt đối với các công trình do xã làm chủ đầu tư, Ban QLDA không có cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực xây dựng,điều kiện năng lực và sự hiểu biết về Pháp luật xây dựng cũng như Công tác quản lý chất lượng xây dựng của cấp xã còn nhiều hạn chế.

3. Đối với các tổ chức tư vấn xây dựng:

- Công tác Khảo sát, thiết kế,thẩm tra, thí nghiệm: Các đơn vị tư vấn tăng nhanh về số lượng nhưng năng lực hoạt động chuyên  môn  còn yếu kém, thiết bị, công nghệ của các đơn vị tư vấn chậm đổi mới, dẫn đến chất lượng hồ sơ khảo sát, hồ sơ thiết kế, chất lượng chưa cao, còn nhiều sai sót. Trong thời gian qua công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn bị buông lỏng, dẫn đến  một bộ phận chạy theo lợi nhuận kinh tế, hiện tượng “mua dấu, mua tư cách pháp nhân” đang diễn ra khá phổ biến trong hoạt động tư vấn xây dựng,  chất lưọng hồ sơ tư vấn chưa cao gây lãng phí về kinh tế và chậm trễ tiến độ thi công.

- Công tác tư vấn giám sát:Thực trạng hiện nay tư vấn giám sát công trình trên địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn các huyện miền núi nói riêng, vừa thiếu vừa yếu, mới thực hiện được một nhiệm vụ là kiểm soát chất lượng công trình nhưng chưa tốt, chưa giúp chủ đầu tư về công tác kiểm tra, kiểm soát đối với công tác khảo sát, thiết kế, thí nghiệm, chưa kiểm tra được chất lượng vật tư, vật liệu đưa vào xây dựng. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về Quản lý CLXD của Chủ đầu tư, nhiều đơn vị Tư vấn cử cán bộ giám sát là hợp đồng ngắn hạn,chưa có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát, hoặc thực hiện công tác giám sát thi công không phù hợp với chứng chỉ được cấp , thiếu  kinh nghiệm trong việc giám sát thi công công trình, dẫn tới những khó khăn cho Chủ đầu tư, chất lượng công trình không cao.Tình trạng một người giám sát nhiều công trình cùng một thời gian diễn ra khá phổ biến trên địa bàn các huyện hiện nay.

Nhìn chung chất lượng công tác tư vấn giám sát hiện nay trên địa bàn các huyện miền núi còn thiếu và yếu kém,nhiều công trình mang tính chất hình thức, đối phó, hợp pháp hoá thủ tục quản lý chất lượng để thanh quyết toán. Nhiều công trình tư vấn giám sát được đơn vị thi công, giới thiệu, bảo lãnh với chủ đầu tư để thực hiện việc giám sát thi công nên việc giám sát thi công chưa thực sự khách quan chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định.  Đặc biệt còn có những công trình, tư vấn giám sát chỉ ký hồ sơ nhưng không có mặt thường xuyên tại hiện trường, dẫn đến chất lượng thi công công trình không đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật.

4. Các doanh nghiệp  xây lắp:

Công tác đầu tư XDCB phát triển nhanh cả về qui mô và chiều sâu. các doanh nghiệp  xây lắp, hiện nay tuy đã có cố gắng nhiều trong tổ chức bộ máy và đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất nhưng thực lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Hình thức tổ chức thi công ở các công trình xây dựng của các nhà thầu xây dựng hiện nay chủ yếu khoán gọn cho các đội sau khi đơn vị trúng thầu. Điều hành về kinh tế, tiến độ và kỹ thuật phụ thuộc năng lực của người đội trưởng từ đó dẫn đến Hệ thống tổ chức đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp  không có hoặc có thành lập cũng chỉ là hình thức, hiệu lực chưa cao. Công tác chỉ đạo,kiểm tra, kiểm soát  để nâng cao được chất lượng xây lắp công trình bị buông lỏng (ví dụ: Lập tiến độ, biện pháp,thiết bị thi công, ghi chép nhật ký công trình, thí nghiệm các loại vật tư vật liệu và bán thành phẩm đưa vào công trình). Do khoán gọn cho đội trưởng nên qui trình, quy phạm thi công chưa được kiểm soát chặt chẽ, thực hiện chưa nghiêm túc, một số công trình còn có hiện tượng đưa vật liệu không đúng chủng loại,kém chất lượng vào công trình, sử dụng nhân công không có tay nghề dược đào tạo, thiết bị thi công chưa đáp ứng được với cấp và loại công trình theo hồ sơ dự thầu. Công tác thí nghiệm vật tư, vật liệu, cấu kiện bán thành phẩm để xác định chất lượng chỉ mang tính chất hình thức, đối phó nên chưa phản ánh được thực chất của chất lượng thi công.

III. Giải pháp khắc phục:

1. Nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng của Chủ đầu tư: Công tác quản lý chất lượng của chủ đầu tư phải được quan tâm đúng mức, các chủ đầu tư  cần quản lý CLCT bằng hợp đồng kinh tế đã ký kết (hoặc phụ lục hợp đồng) đây là yêu cầu pháp lý bắt buộc. Lâu nay tình trạng hợp đồng kinh tế là thủ tục, hình thức, không được quan tâm để sử dụng quản lý chất lượng. Dẫn đến các tranh chấp về chất lượng CTXD  không giải quyết được.

- Các chủ đầu tư khi có dự án phải thành lập ban quản lý dự án ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, để kiểm soát từ khâu khảo sát, lập dự án, thiết kế. Cán bộ ban QLDA hầu hết là kiêm nhiệm, không có chuyên môn về xây dựng nên cần được tập huấn nhanh (ngắn ngày)về nghiệp vụ đầu tư xây dựng, nhằm hiểu biết về nắm được trách nhiệm và trình tự, nội dung mà các nhà thầu phải thực hiện. Có kế hoạch và biện pháp lựa chọn nhà thầu đủ điều kiện năng lực theo quy định: Chủ đầu tư phải kiểm tra thực tế điều kiện năng lực của các nhà thầu chứ không chỉ kiểm tra trên hồ sơ dự thầu,đồng thời kết hợp nhiều kênh thông tin để xác định chính xác điều kiện năng lực của nhà thầu trước khi ký kết hợp đồng và trong quá trình thực hiện hợp đồng.

2. Nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng của các Nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công xây lắp: 

Các doanh nghiệp tư vấn xây dựng và xây lắp công trình phải xây dựng hệ thống bộ máy QLCL. Kiện toàn các chức danh theo quy định về điều kiện năng lực; xây dựng hệ thống từ bộ máy Văn phòng đến hiện trường; (Riêng nhà thầu xây lắp xóa bỏ hiện tượng khoán trắng cho các đội thi công); các Doanh nghiệp phải có chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thu hút nhân lực, nhân tài. Xây dựng chiến lược và kế hoạch đảm bảo chất lượng; đề ra mục tiêu, lộ trình, nội dung,mô hình quản lý chất lượng của Công ty; có chính sách chất lượng phù hợp với lộ trình; đồng thời kỷ luật nghiêm minh với các đối tượng vi phạm về QLCL, song song với đó phải xây dựng kế hoạch cho từng công trình với các biện pháp đảm bảo chất lượng thay vì lối làm việc tùy tiện, không bài bản.

3. Nâng cao hiệu quả quản lý CLCTXD của chủ sử dụng công trình:

Chủ sử dụng công trình và các chủ thể khác phải nhận thức đầy đủ về công tác bảo trì công trình. Chủ sử dụng công trình nhất thiết không nhận bàn giao công trình khi không có hồ sơ bảo trì công trình theo quy định. Cử cán bộ phụ trách công tác bảo trì  (nếu là công trình lớn cần có người hoặc bộ phận có chuyên môn , nghiệp vụ). Tổ chức tập huấn, truyên truyền giáo dục để mọi cán bộ công nhân viên trong cơ quan có những kiến thức phổ thông về bảo trì. Từ đó họ có thể thường xuyên tham gia công tác duy tu, bảo dưỡng.

4. Tăng cường Giám sát cộng đồng về CLCTXD, cần tổ chức, tập huấn nhanh để bộ phận giám sát cộng đồng donhân dân lập ra, nhằm nắm bắt được các quy định về trách nhiệm của các chủ thể về công tác QLCL, từ đó họ có thể giám sát về hành vi trách nhiệm (Chứ không phải giám sát về kỹ thuật thi công).

5. Nâng cao hiệu quả Quản lý CLCTXD của các cơ quan Nhà nước gồm: UBND các cấp; Sở Xây dựng và các Sở có quản lý CLXD chuyên ngành; các phòng chức năng cấp huyện (Phòng công thương,Phòng Quản lý đô thị, Phòng Nông nghiệp ...) trong

- Tiếp tục rà soát, nghiên cứu hệ thống văn bản của Nhà nước về CLCT xây dựng, hướng dẫn thực hiện các văn bản QPPL về chất lượng CTXD đối với các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trên phạm vi toàn tỉnh.

- Tăng cường vai trò kiểm tra,giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước đối với sự tuân thủ các quy định của Pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất lượng của với các chủ thể trong suốt quá trình đầu tư xây dựng công trình;Phân, giao quyền hạn và trách nhiệm đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, cho các cơ quan QLNN về CLCT xây dựng cho các cấp, các ngành. Vừa qua, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1967/2014/QĐ-UBND ngày 25/6/2014 của chủ tịch UBND tỉnh trong đó quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trong công tác quản lý dự án, quản lý chất lượng, an toàn lao động (Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, các nhà thầu: khảo sát, thiết kế,thẩm tra, giám sát, thi công, tư vấn quản lý dự án) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý CLCT; Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, quản lý thông tin về năng lực hoạt động của các nhà thầu, gói thầu trên trang thông tin điện tử của Ngành xây dựng và các phương tiện thông tin đại chúng, làm cơ sở cho các chủ đầu tư lựa chon các đơn vị thực hiện dự án cho phù hợp, nhằm công khai,minh bạch hoá quy trình đấu thầu, chỉ định thầu, đảm bảo lựa chọn nhà thầu có đủ điều kiện năng lực thực sự tham gia thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình. 

- Tăng cường công tác Thanh tra, Kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trong việc chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng, quy trình, quy phạm trong khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng và nghiệm thu công trình xây dựng.

- Tiếp tục kiện toàn, củng cố,nâng cao năng lực cho hệ thống quản lý nhà nước về chất lượng công trình từ tỉnh đến huyện. Tăng cường sự phối hợp giữa Sở Xây dựng với các Sở có xây dựng chuyên ngành và UBND các Huyện về công tác quản lý chất lượng công trình, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác Thanh tra, Kiểm tra về đầu tư xây dựng.

- Tăng cường phối hợp với Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng Thanh hoá, để thực hiện tốt vai trò là công cụ hữu hiệu giúp cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng CTXD trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác phổ biến ,truyên truyền về công tác quản lý chất lượng đến từng tổ chức, cá nhân và các chủ thể tham gia thực hiện dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh.

- Xây dựng các chế tài đủ mạnh,răn đe, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về công tác quản lý đầu tư và chất lượng công trình xây dựng theo quy định của Pháp luật hiện hành./.

TRƯỞNG BAN RÀ SOÁT CHẤT LƯỢNG CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
NGUYỄN BÁ HÙNG