Lượt xem: 1430 | Gửi lúc: 15/08/2014 07:18:25

Cắt giảm 1/3 thời gian thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng

(Xây dựng) - Như tin Báo Điện tử Xây dựng đã đưa, ngày 14/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng.

Cùng dự có Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan. Về phía Bộ Xây dựng, dự buổi làm việc có Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, các Thứ trưởng cùng đại diện các cục, vụ, viện, TCty thuộc Bộ Xây dựng.


Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng báo cáo về tình hình thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Tăng 39 bậc xếp hạng so với năm 2012

Báo cáo về tình hình thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong đầu tư xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tích cực rà soát, công bố TTHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; đề xuất bãi bỏ các TTHC không cần thiết và sửa đổi, bổ sung các TTHC cho phù hợp với yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển, trong đó đặc biệt chú trọng các TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng.

Quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa, công khai, minh bạch các TTHC, nhất là các TTHC có tác động nhiều đến doanh nghiệp, người dân đã đạt được những kết quả tích cực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân triển khai dự án đầu tư xây dựng được thuận lợi, góp phần chống thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Đồng thời giúp cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân thực hiện tốt chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan được giao thực hiện TTHC.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, một trong những TTHC có liên quan trực tiếp, tác động nhiều đến doanh nghiệp, người dân và thuộc trách nhiệm giải quyết của nhiều Bộ, ngành, địa phương là nhóm thủ tục về dự án đầu tư xây dựng. Thông thường, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải thực hiện khoảng 15 thủ tục hành chính hoặc nhóm TTHC, tổng thời gian thực hiện các thủ tục hành chính khoảng từ 260 ngày làm việc (dự án nhóm C) đến 280 ngày làm việc (dự án nhóm A) để khởi công được công trình, trong đó đã giảm trừ thời gian khi kết hợp thực hiện đồng thời các thủ tục. Trường hợp nếu đã có Quy hoạch chi tiết được phê duyệt thì tổng số thời gian trên có thể rút ngắn được 75 ngày.

Trường hợp dự án đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì có 3 thủ tục, thời gian giải quyết khoảng 60 - 85 ngày, tùy theo nhóm dự án và loại công trình, trong đó đã tính cả thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu được thực hiện sau khi khởi công công trình (từ 15 - 30 ngày).

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Đối với trường hợp dự án chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì có 4 thủ tục, thời gian giải quyết khoảng 120 - 190 ngày, tùy theo nhóm dự án và loại công trình, trong đó đã tính cả thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu được thực hiện sau khi khởi công công trình (từ 15 - 30 ngày).

Trong khi đó, dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước thông thường phải thực hiện khoảng 19 TTHC, hoặc nhóm TTHC, chưa tính thời gian chuẩn bị và chỉnh sửa hồ sơ của nhà đầu tư thì tổng thời gian thực hiện các TTHC, kể cả công tác giải phóng mặt bằng, khoảng từ 392 ngày làm việc (dự án nhóm C) đến 447 ngày làm việc (dự án nhóm A) để khởi công được công trình.

Về thủ tục cấp giấy phép quy hoạch xây dựng và thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng còn chậm (mới đạt tỷ lệ 30%), chưa đáp ứng tốc độ đầu tư xây dựng.

Liên quan đến thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thời gian cho ý kiến đã được quy định cụ thể đối với dự án nhóm A là 40 ngày, nhóm B là 20 ngày, nhóm C là 10 ngày.

Trên cơ sở các quy định của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư hướng dẫn các nội dung liên quan đến quản lý dự án đầu tư xây dựng, trách nhiệm của cơ quan đầu mối thẩm định và các đơn vị phối hợp theo loại công trình xây dựng và nguồn vốn sử dụng cho dự án để bảo đảm cho việc thẩm định được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Về thủ tục thẩm tra thiết kế xây dựng, Bộ trưởng cho biết: Trước đây, việc thẩm tra thiết kế xây dựng chủ yếu do chủ đầu tư thuê các cơ quan tư vấn thực hiện, sau đó chủ đầu tư tự thẩm định và phê duyệt, không có sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nên chất lượng thiết kế, dự toán còn nhiều hạn chế.

Trong khi đó, quá trình đấu thầu còn bất cập, có hiện tượng thông thầu hoặc thỏa thuận giữa chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu để nâng giá gói thầu, dẫn đến thất thoát, lãng phí, làm giảm chất lượng công trình và giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Về thủ tục cấp giấy phép xây dựng: Các quy định về cấp GPXD đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp. Nhờ đó, những năm qua, công tác cấp phép xây dựng đã đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ số công trình xây dựng có giấy phép xây dựng tăng dần qua các năm: Năm 2005 - 71%, năm 2006 - 76%, năm 2007 - 79%, năm 2008 - 86,8%, năm 2009 - 88,2%, năm 2010 - 90,4%, năm 2011 - 90%, năm 2012 - 92%, năm 2013 - 92%, 6 tháng đầu năm 2104 - 92,9% trên tổng số công trình xây dựng trên địa bàn.

Đặc biệt, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về bộ 11 chỉ số đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh tại Việt Nam, trong năm 2013, chỉ số về giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng đạt thứ hạng cao nhất trong 11 chỉ số, xếp thứ 28/185 quốc gia, tăng 39 bậc so với năm 2012 (67/183) và là 1 trong 2 chỉ số có mức tăng thứ hạng so với năm 2012 (9 chỉ số còn lại đều giảm thứ hạng).

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân cần khắc phục trong việc thực hiện TTHC trong đầu tư xây dựng, đồng thời đưa ra các nhóm giải pháp, kiến nghị để tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC.

Theo đó, Bộ Xây dựng kiến nghị bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án có vốn đầu tư trong nước; đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tốc độ phủ kín quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, lập thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị làm cơ sở cho công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, đề nghị các bộ, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng tiến hành rà soát, cải cách các TTHC liên quan đến dự án đầu tư xây dựng trong quá trình xây dựng các luật và các nghị định hướng dẫn thi hành: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp...

Đề nghị Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Xây dựng sớm ban hành Thông tư hướng dẫn giấy tờ hợp pháp về đất đai trong hồ sơ cấp giấy phép xây dựng.

Cắt giảm 1/3 thời gian thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng

Phát biểu lại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh báo cáo của Bộ Xây dựng đã nêu khá rõ, đầy đủ và toàn diện về tình hình thực hiện cải cách TTHC trong đầu tư xây dựng.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận buổi làm việc.

Thủ tướng đánh giá, năm qua, Bộ Xây dựng đã có bước tiến đáng kể, thể hiện trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới về giải quyết các thủ tục cấp phép xây dựng.

Thủ tướng đánh giá đây là sự nỗ lực đáng ghi nhận của ngành Xây dựng. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, cần phải nghiên cứu cải cách hơn nữa các TTHC trong cấp phép xây dựng, vì thời gian cấp phép còn dài và chậm, chưa minh bạch, chưa thống nhất xuyên suốt.

Bên cạnh đó, chi phí cho cấp phép đầu tư xây dựng lớn nhưng còn sơ hở, lỏng lẻo, dẫn đến khi xảy ra sự cố công trình khó quy trách nhiệm cho ai, chẳng hạn như sự cố đổ tháp truyền hình Nam Định, vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 (Gia Lai)...

Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung và hoàn thiện lại báo cáo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời có kế hoạch hành động cụ thể về cải cách hành chính trong đầu tư xây dựng, việc nào Bộ làm, việc nào phân cấp cho địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao Bộ Xây dựng với việc xây dựng và ban hành Luật Xây dựng, xây dựng và ban hành các Nghị định, Thông tư liên quan, những nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính đã góp phần đáng kể giảm số lượng và thời gian làm thủ tục trong đầu tư xây dựng.

Việc Ngân hàng Thế giới đánh giá chỉ số về thủ tục cấp phép xây dựng của Việt Nam đứng thứ 28/185 quốc gia, tăng 39 bậc và là 1 trong 2 chỉ tiêu được thăng hạng đã cho thấy nỗ lực và kết quả này.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, so với thế giới, với yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, với mong muốn cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì số lượng và thời gian để thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng là còn nhiều và còn dài.

Mặt khác, việc chưa minh bạch về thủ tục, chưa thống nhất, đồng bộ về phối hợp thủ tục giữa các bộ, ngành liên quan, giữa Trung ương và địa phương còn tạo ra nhiều kẽ hở cho sự tùy tiện, gây rắc rối, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng.

Những hạn chế này chắc chắn làm tăng chi phí đầu tư các dự án, công trình, chi phí của nền kinh tế, ảnh hưởng đến hiệu quả của từng dự án cũng như của cả nền kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của quốc gia.

“Cải cách thủ tục hành chính hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta. Nhất thiết phải tăng cường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước theo hướng chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả; song quản lý còn phải tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư phát triển. Những thủ tục nào không cần thiết, dứt khoát phải cắt bỏ”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng cần xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu trong năm 2015, “cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng”.

Kế hoạch này bao gồm việc rà soát, bãi bỏ tất cả các thủ tục không cần thiết cả ở Trung ương và địa phương trong thẩm quyền của Bộ; đồng thời Bộ Xây dựng chủ trì và các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp để đề xuất, kiến nghị cắt giảm, loại bỏ các thủ tục không cần thiết khác trong quá trình sửa đổi, bổ sung các Nghị định, Thông tư liên quan.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với lãnh đạo Bộ Xây dựng.

Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các địa phương đẩy nhanh hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, 1/500; đặc biệt là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị để giảm ách tắc, nhũng nhiễu, tiêu cực và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong việc chuẩn bị, thực hiện đầu tư.

Trách nhiệm của Bộ Xây dựng cần tập trung vào việc rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan theo hướng chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp, khả thi, minh bạch đi liền với tăng cường thanh tra, kiểm tra; đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Vấn đề gì cần phải quy định để quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn thì phải quy định, vấn đề nào không cần thì phải loại bỏ. Thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục không những không tạo thông thoáng mà còn không đáp ứng được yêu cầu quản lý, vẫn lỏng lẻo, sơ hở, không chống được tiêu cực, tham nhũng thì phải xem lại”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Cuối cùng, nhấn mạnh đến yếu tố con người, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý Bộ Xây dựng quan tâm đào tạo, bỗi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ, công chức của ngành đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của xã hội trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, kiến trúc, quy hoạch trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa của đất nước.         

Vân Anh

Theo Báo Xây dựng điện tử