Lượt xem: 1189 | Gửi lúc: 15/09/2014 15:24:21

Ưu đãi tiền thuê đất với dự án thoát nước, xử lý nước thải

(Xây dựng) - Đây là một trong những nội dung khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống thoát nước thải tại đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung được nêu tại Nghị định 80/2014/NĐ-CP (Nghị định 80) đã được Chính phủ ban hành.


Theo Nghị định 80, người dân sử dụng nước sạch thì sẽ phải trả phí để xử lý nguồn nước bẩn đã thải ra môi trường.

Nhiều ưu đãi khi đầu tư dự án xử lý nước thải

Theo khảo sát của Trung tâm Quan trắc môi trường Quốc gia - Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho thấy, hiện trạng môi trường nước mặt tại nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tại Đồng bằng sông Hồng, khu vực tập trung đông dân cư lượng nước thải đô thị lớn hầu hết của các thành phố đều chưa được xử lý và xả trực tiếp vào các kênh mương và chảy thẳng ra sông.

Còn theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ TN&MT, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và gần 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện. Một trong những nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

Nghị định 80 ra đời quy định về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải. Theo đó, nước thải từ hệ thống thoát nước đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư nông thôn tập trung xả vào nguồn tiếp nhận phải bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật môi trường do Bộ TN&MT ban hành. Nước thải từ các nhà máy trong khu công nghiệp xả vào hệ thống thoát nước tập trung của khu công nghiệp cũng phải tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý môi trường khu công nghiệp và các quy định của cơ quan quản lý thoát nước trong khu công nghiệp.

Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng các dự án thoát nước và xử lý nước thải trong đô thị được chính quyền các tỉnh đặc biệt quan tâm. Nghị định 80 ra đời đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung như: Ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và được hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án bằng nguồn vốn của ngân sách địa phương. Các dự án xử lý nước thải được lựa chọn theo các tiêu chí như: Tiết kiệm đất xây dựng, tiết kiệm năng lượng, có khả năng tái sử dụng nước thải, bùn thải sau xử lý, an toàn và thân thiện môi trường…

Cùng với đó, Nghị định 80 cũng quy định về việc quản lý, vận hành thoát nước thải. Nghị định yêu cầu chủ đầu tư phải định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình đầu mối, công trình trên mạng lưới thoát nước; độ kín, lắng cặn tại các điểm đấu nối, hố ga và tuyến cống nhằm bảo đảm khả năng hoạt động liên tục của hệ thống. Cơ quan quản lý đề xuất các biện pháp thay thế, sửa chữa, nạo vét, bảo trì và kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước; định kỳ thực hiện quan trắc chất lượng nước thải trong hệ thống thoát nước phù hợp với pháp luật về bảo vệ môi trường.

Người dân phải trả tiền xử lý nước ô nhiễm

Nghị định cũng quy định giá dịch vụ thoát nước gắn với chất lượng cung cấp dịch vụ thoát nước và không phân biệt đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong hay ngoài nước, phù hợp với các chế độ, chính sách của Nhà nước. Việc định giá dịch vụ thoát nước phải căn cứ vào khối lượng nước thải và hàm lượng chất gây ô nhiễm trong nước thải.

Đối với các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, khối lượng nước thải được tính bằng 100% khối lượng nước sạch tiêu thụ theo hóa đơn. Còn đối với các hộ không sử dụng nước sạch thì khối lượng nước thải được tính theo lượng nước sạch tiêu thụ bình quân đầu người tại địa phương do UBND cấp tỉnh quy định.

Về phương thức thu, thanh toán tiền dịch vụ thoát nước đối với hộ thoát nước, Nghị định quy định tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ cấp nước có trách nhiệm tổ chức thu tiền dịch vụ thoát nước thông qua hóa đơn tiền nước đối với các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, và được hưởng chi phí dịch vụ đi thu. Đơn vị thoát nước trực tiếp thu tiền dịch vụ thoát nước đối với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Hộ thoát nước đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước thì không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Ông Nguyễn Trung Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: “Nghị định 80 ra đời đã cụ thể hóa công tác thi hành luật pháp về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước mặt. Không những vậy, người dân sử dụng nước sạch phải trả phí để xử lý chính nguồn nước mà họ thải ra môi trường, đây là yêu cầu bức thiết để bảo vệ môi trường. Chất lượng nước thải sau xử lý phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được quy định cho việc sử dụng nước vào các mục đích khác nhau, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Đảm bảo không xâm nhập và ảnh hưởng đến hệ thống cấp nước sạch trên cùng địa bàn, khu vực.

Hiệp Bắc