Lượt xem: 2113 | Gửi lúc: 13/08/2013 15:36:41

Sở Xây dựng tổ chức tập huấn phổ biến, hướng dẫn các Nghị định mới của Chính phủ về đầu tư xây dựng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 4275/UBND – CN ngày 14/6/2013 về việc đồng ý chủ trương để Sở xây dựng tổ chức tập huấn, hướng dẫn các Nghị định mới về ĐTXD

Ngày 12/8/2013, dưới sự chủ trì của Đ/c Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở, Sở Xây dựng đã tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn các Nghị định: Trên 150 đại biểu đến từ các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Lãnh đạo UBND, Phòng Công thương, QLĐT các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở Xây dựng tham dự Hội nghị. Đ/c Nguyễn Ngọc Hồi – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo Hội nghị.

anh2.jpg

Ảnh: Đ/c Ngô Văn Tuấn, TUV, Giám đốc Sở Xây dựng phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về ĐTXD

        Trong những năm qua Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Thanh Hoá đặc biệt quan tâm đến việc ban hành các chính sách chế độ, qui định liên quan đến lĩnh vực xây dựng cơ bản bao gồm các luật như: Luật xây dựng, Luật đất đai, qui hoạch đô thị, luật đấu thầu, Chính phủ đã ban hành các Nghị định như: Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định về quản lý dự án, về công tác quy hoạch.. Bộ Xây dựng và các Bộ đã ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện các Nghị định của Chính Phủ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản như Chỉ thị 07/CT-UB ngày 03/4/2012 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư XDCB trên địa bàn tỉnh; Công văn số 2782/UBND-THKH ngày 04/5/2012 v/v tăng cường quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ nguồn NSNN và TPCP; Văn bản 6901/UBND-THKH ngày 24/9/2012 v/v tăng cường quản lý, sử dụng vốn NSNN và TPCP ứng trước năm 2013.....Chỉ từ tháng 9 năm 2012 đến tháng 3 năm 2013 chính phủ đã ban hành 4 Nghị định thuộc lĩnh vực của Ngành Xây dựng. Các Nghị định đều rất quan trọng có tính thời sự trên các lĩnh vực: Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 về cấp giấy phép xây dựng. Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị; Nghị định 15/2013/NĐ-CP về Quản lý chất lượng công trình xây dựng. Nghị định 26/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 về tổ chức hoạt động Thanh tra ngành Xây dựng.

 Thứ nhất: Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 về cấp giấy phép xây dựng.

Việc ban hành nghị định này đặt một dấu ấn quan trọng trong công tác cấp giấy phép xây dựng cũng như công tác quản lý đô thị nói chung. Vì đây là lần đầu tiên công tác cấp phép xây dựng có Nghị định riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư khi đề nghị cấp giấy phép xây dựng, đẩy nhanh thời gian cấp phép, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết cấp phép xây dựng, đảm bảo công tác cấp phép xây dựng đi vào nề nếp, tuân thủ quy hoạch.Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 10 năm 2012 và thay thế cho các quy định về giấy phép xây dựng tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009, Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 và Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ. Nghị định bao gồm 5 chương, 28 điều. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành thông tư 10/2012/TT-BXD ngày 20/12/2012 hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012. Căn cứ Nghị định 64/2012/NĐ-CP và thông tư 10/2012/TT-BXD, Sở Xây dựng đã soạn thảo Quy định cấp giấy phép xây dựng và quản lý công trình theo giấy phép trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trình UBND tỉnh xem xét ban hành tại Quyết định số 1350/2013/QĐ-UBND ngày 25/4/2013. Nội dung quyết định là căn cứ để quản lý, kiểm tra quá trình thực hiện xây dựng và xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành.

Thứ hai: Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về Quản lý đầu tư phát triển đô thị.

Trong những năm qua, hệ thống các đô thị Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng và quy mô, cả nước hiên nay có 758 đô thị bao gồm 2 đô thị đặc biệt là thành phố HCM và HN; 12 đô thị loại I; 10 đô thị loại II; 48 đô thị loại III; 56 đô thị loại IV và 630 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hoá đạt 32%. Thanh Hoá có 31 đô thị, bao gồm: 1 đô thị loại II đang lập đề án lên đô thi loại I, 1 ĐT loại III là TX Sầm sơn, 1 ĐT loại IV là TX Bỉm sơn còn lại là các đô thi loại V; tỉ lệ đô thị hoá năm 2010 là 13,2% hiện nay đạt 18%. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại, tạo dựng được những không gian đô thị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được còn tồn tại khá nhiều bất cập: sự phát triển không có kế hoạch, thiếu trọng tâm trọng điểm cũng như cơ chế kiểm soát dẫn đến sự không đồng bộ giữa mở rộng không gian và chất lượng cuộc sống của dân cư đô thị, lãng phí tài nguyên đất đai và nguồn lực của xã hội…Để giải quyết những bất cập trên, Nghị định 11/2013/NĐ-CP được ban hành thay thế cho Nghị định 02/2006/NĐ-CP và một số nội dung có liên quan đến phát triển đô thị trước đây được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Nghị định bao gồm 6 chương, 53 điều. Nghị định 11 cũng lần đầu tiên quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc phải thực hiện công tác đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch. Đây chính là công cụ cốt lõi để kiểm soát quá trình phát triển đô thị, hạn chế các dự án thực hiện tràn lan không theo nhu cầu và khả năng của nền kinh tế như đã diễn ra trước đây.

Chính quyền địa phương phải xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm về việc thực hiện công tác đầu tư xây dựng theo kế hoạch do chính mình đề xuất. Chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm trong việc thực hiện công tác kết nối, hỗ trợ chủ đầu tư phối hợp trong công tác quản lý hành chính và an ninh trật tự tại các khu vực dự án. Nghị định qui định UBND tỉnh phải thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị là đơn vị sự nghiệp có thu có chức năng quản giám sát quá đầu tư PTĐT theo qui hoạch theo kế hoạch. Đối với các qui hoạch chung do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Thành phố Thanh Hoá các nơi khác tuỳ theo yêu cầu mà UBND tỉnh quyết định hoặc sử dụng 1 ban cho cả tỉnh. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là các hoạt động liên quan đến việc đầu tư phát triển đô thị bao gồm: Quy hoạch đô thị; hình thành, công bố kế hoạch triển khai các khu vực phát triển đô thị; thực hiện đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác, chuyển giao các dự án đầu tư phát triển đôthị. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia các hoạt động liên quan đến việc đầu tư phát triển đô thị.

Thứ ba - Nghị định 15/2013/NĐ-CP: Trong 9 năm áp dụng Nghị định 209/2004/NĐ-CP cho thấy trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng xây dựng của các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành và UBND cấp tỉnh chưa rõ nét. Yêu cầu và cách thức quản lý các dự án, công trình xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác nhau chưa rõ ràng. Theo số liệu thống kê, hiện nay vốn đầu tư xây dựng chiếm khoảng 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, vì vậy công tác quản lý chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn Ngân sách nhà nước. Với nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, cơ chế quản lý đầu tư xây dựng được điều chỉnh dần theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư phát triển. Tuy nhiên, do quá coi trọng yếu tố thị trường, không phân biệt nguồn vốn nhà nước và các nguồn vốn ngoài nhà nước để có biện pháp quản lý phù hợp nên đã phân giao quá nhiều quyền hạn cho chủ đầu tư, làm mờ nhạt vai trò kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Chính điều này cùng với sự hạn chế về năng lực của các chủ đầu tư là một trong những nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, làm giảm chất lượng công trình, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư

Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2013. Nghị định gồm 8 chương 48 điều quy định về: quản lý chất lượng công trình xây dựng trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng; quản lý an toàn, giải quyết sự cố trong thi công xây dựng, khai thác và sử dụng công trình xây dựng; quy định về bảo hành công trình xây dựng…

Nghị định này được ban hành thay thế Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng, đã làm rõ hơn về phân loại nguồn vốn đầu tư để có cách thức quản lý khác nhau tránh lãnh phí thất thoát. Điểm mới nổi bật trong Nghị định 15/2013/NĐ-CP là tăng cường chức năng thẩm tra, giám sát các dự án đầu tư xây dựng công trình cho các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong thực hiện các công trình xây dựng, nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Đặc biệt là các quy định mới về tăng cường kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đối với chất lượng các công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng nếu xảy ra sự cố; Công bố thông tin về năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng; thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, chống thất thoát lãng phí cho công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách; và kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành đưa hạng mục, công trình vào sử dụng. Nghị định 15/2013/NĐ-CP đã giao trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương (quy định tại điều 44, điều 45).Hiện nay Bộ Xây dựng đã ban hành 2 Thông tư: Thông tư số 10/2013/TT-BXD, ngày 25/7/2013 về Quy định chi tiết  một số nội dung về Quản lý chất lượng CTXD;  Thông tư số 12/2013/TT-BXD, ngày 31/7/2013 về Quy định tổ chức Giải thưởng về chất lượng CTXD. Dự kiến sẽ ban hành 6 Thông tư hướng dẫn liên quan đến Nghị định 15 CP.

Thứ tư - Nghị định 26/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013: Nhằm cụ thể hóa hoạt động thanh tra xây dựng theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010, ngày 29/03/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Xây dựng. Nghị định gồm 6 chương, 29 điều, quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước ngành Xây dựng, thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra ngành Xây dựng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra ngành Xây dựng. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2013, thay thế Nghị định số 46/2005/NĐ-CP ngày 6/4/2005 của Chính phủ. Theo Nghị định này, cơ quan thanh tra nhà nước ngành Xây dựng bao gồm Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng với con dấu và tài khoản riêng. Nghị định số 26/2013/NĐ-CP cũng quy định nhiệm vụ: Xây dựng Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức, hoạt động của Thanh tra Sở; Ban hành Quy chế phối hợp hoạt động giữa Thanh tra Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện tại các địa phương. Thực hiện nhiệm vụ được giao về rà soát xây dựng đề án, tổ chức Thanh tra Xây dựng theo văn bản số 2684/UBND-CN ngày 23/4/2013 của UBND Tỉnh, trên cơ sở Nghị định 26 của Chính phủ:  Sở đang xây dựng đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức của Thanh tra Sở và trình UBND Tỉnh phê duyệt. Sở Xây dựng đang xây dựng dự thảo quy chế phối hợp giữa Sở Xây dựng với UBND cấp huyện, câp xã, trong thời gian xây dựng quy chế Sở Xây dựng sẽ xin ý kiến tham gia của cấp huyện và xã và trình UBND Tỉnh phê duyệt.

anhhn1.jpg

Ảnh: Các Đại biểu tham dự hội nghị triển khai các Nghị định mới về ĐTXD

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các đơn vị và trực tiếp giải đáp những vấn đề liên quan, phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Sở, Đ/c Ngô Văn Tuấn,Tỉnh ủy viên,Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định: Việc ban hành Nghị định 11, Nghị định 64, Nghị định 15 và Nghị định 26 có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý phát triển đô thị, quản lý chất lượng công trình xây dựng, cấp phép xây dựng và thanh tra xây dựng, trong đó có nhiều quy định về những công việc hoàn toàn mới. Vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương chắc chắn sẽ gặp những khó khăn nhất định, nảy sinh những tình huống mới, vấn đề mới trong thực tiễn cần quan tâm phối hợp để giải quyết. Sau Hội nghị triển khai, tập huấn cấp tỉnh, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn đến từng địa phương, đơn vị. Sở Xây dựng trân trọng đề nghị Lãnh đạo tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, các ban, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ, phối hợp, sự ủng hộ của các doanh nghiệp và người dân trong việc triển khai thực hiện các Nghị định này, đảm bảo các quy định của các Nghị định thực sự đi vào cuộc sống và mang lại những lợi ích thiết thực cho công tác phát triển đô thị và chất lượng công trình xây dựng nói riêng và sự phát triển KT –XH của tỉnh trong thời gian tới.