Lượt xem: 1398 | Gửi lúc: 24/09/2015 07:38:41

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII: Thảo luận nhiều nội dung quan trọng

(THO)- Trong phiên làm việc buổi chiều, sau phần Báo cáo kiểm tra tư cách đại biểu, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 bước vào phần thảo luận tại hội trường với nhiều nội dung quan trọng.

Đoàn Chủ tịch Đại hội. (Minh Hiếu)

(THO)- Trong phiên làm việc buổi chiều, sau phần Báo cáo kiểm tra tư cách đại biểu, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 bước vào phần thảo luận tại hội trường với nhiều nội dung quan trọng.
Các ý kiến thảo luận đều bày tỏ sự phấn khởi, vui mừng và nhất trí cao với những thành tựu to lớn và khá toàn diện của tỉnh ta trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời đóng góp những ý kiến quan trọng về nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2015 – 2020.


Đồng chí Phạm Bá Oai, Bí thư Huyện ủy Hoằng Hóa trình bày tham luận.
 
Đồng chí Phạm Bá Oai, Bí thư Huyện ủy Hoằng Hóa trình bày tham luận về “Phát huy lợi thế và khai thác có hiệu quả kinh tế biển”. Trong đó khẳng định vị trí, vai trò của Biển, kinh tế biển và kinh tế-xã hội vùng biển là rất lớn. Đồng thời đề nghị một số vấn đề xung quanh việc khai thác tiềm năng lợi thế của Biển, kinh tế biển và phát triển kinh tế-xã hội vùng biển, đó là: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09 hội nghị TW4 khóa X về “chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế và Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế vùng biển theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, với trọng tâm là: Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu cụm, công nghiệp ven biển; Cảng, dịch vụ cảng, dịch vụ hàng hải, vận tải sông pha biển, dầu khí; du lịch biển, đảo; nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản. Cơ cấu lại các ngành dịch vụ; đa dạng hóa các loại hình du lịch, gắn phát triển du lịch biển Sầm Sơn, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển Hải Tiến, Hải Hòa, Tiên Trang,... với các địa danh du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh trong tỉnh.

Đề nghị Trung ương sớm triển khai đầu tư các tuyến đường đã có trong quy hoạch như: đường ven biển, đường cao tốc Ninh Bình đi Bãi Vọt nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội, vừa kết nối các khu du lịch biển, các khu kinh tế, cảng biển, bến cá vừa làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và đảm bảo quốc phòng an ninh ven biển. Tăng cường xúc tiến đầu tư, huy động tối đa các loại nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng dịch vụ du lịch cao cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại để phục vụ Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp.

Quan tâm rà soát, điều chỉnh, bổ sung và nâng cao chất lượng các quy hoạch kinh tế - xã hội vùng biển; các cơ chế, chính sách phát triển đa dạng để khai thác có hiệu quả tiềm năng biển; rà soát, bổ sung các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của vùng, quy hoạch phát triển đô thị ven biển; đề nghị tỉnh tiếp tục đầu tư đồng bộ các công trình thủy lợi, điện, viễn thông, cấp thoát nước, các cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa, đào tạo nghề,...

Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường vùng biển; xiết chặt quản lý nhà nước về môi trường. Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và an toàn biển đảo, gắn với bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Quốc gia.

Đồng chí Bùi Thị Mười, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành tham luận với chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã”; trong đó đề xuất các giải pháp sau:


Đồng chí Bùi Thị Mười, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành tham luận tại Đại hội.

Tập trung làm chuyển biến nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp, của cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; thấy rõ yêu cầu, tính cấp bách của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã. Từ đó cấp ủy, chính quyền các cấp cần có kế hoạch, có chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện; nghiên cứu chế độ chính sách đãi ngộ và chính sách đào tạo bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, có chế tài đối với việc thực hiện nhiệm vụ một cách chặt chẽ, nghiêm túc. Hướng dẫn, chỉ đạo việc xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy, chính quyền cấp xã; quy chế phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tác phong, lề lối, tư duy làm việc của cán bộ, công chức cấp xã; kiên quyết loại trừ tư tưởng cục bộ, không ủng hộ cái mới, chậm chuyển biến, trì trệ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Tỉnh nên có chủ trương khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã về cơ cấu, tiêu chuẩn, độ tuổi, thâm niên công tác, năng lực công tác. Trên cơ sở đó xây dựng chủ trương, giải pháp cụ thể đối với từng đối tượng cán bộ, công chức cấp xã. Đối với cán bộ, công chức cấp xã trình độ năng lực hạn chế, chưa đạt chuẩn, bố trí chưa đúng chuyên môn, nhưng chưa đủ điều kiện để được hưởng các chế độ theo Nghị định 108, Nghị định 26 của Chính phủ tỉnh nên nghiên cứu, hoặc cho phép các địa phương ban hành chế độ, chính sách phù hợp, nhằm khuyến khích nghỉ hưu trước tuổi hoặc áp dụng hình thức nghỉ thôi việc, để bố trí cán bộ trẻ có trình độ, được đào tạo chính quy, chính ngạch vào công tác tại xã.

Tỉnh cần ban hành quy định mới và phân cấp cho các địa phương ban hành quy định về tiêu chuẩn cán bộ, công chức cấp xã khi tuyển dụng, bổ nhiệm mới cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Để từng bước thay đổi quan niệm ở cấp xã yêu cầu thấp hơn về trình độ, năng lực so với cấp huyện, cấp tỉnh; ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số yêu cầu thấp hơn đồng bằng và thành thị, do vậy mà đặt chỉ tiêu về tiêu chuẩn thấp hơn. Bởi vì theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, cần phải tập trung nguồn lực có chất lượng cao, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, để đẩy nhanh tốc độ phát triển ở các khu vực này. Còn nếu các khu vực này thiếu nguồn nhân lực thì có chính sách thu hút để tuyển dụng từ các miền, các vùng khác. Chủ trương này còn có tác động mạnh mẽ trong việc xóa bỏ tư tưởng cục bộ, khép kín của một số cán bộ chủ chốt các cấp hiện nay. Trong công tác tuyển dụng, bố trí, xắp xếp, quản lý, điều động, luân chuyển cán bộ công chức cấp xã, tỉnh cần nghiên cứu một cách đồng bộ, để đề xuất với Trung ương nhằm tạo sự liên thông giữa cán bộ xã, huyện và tỉnh, có như vậy mới thu hút người có tài về công tác ở cấp xã. Thực tế huyện Thạch Thành đã yêu cầu tiêu chuẩn cán bộ xã cao hơn quy định của Tỉnh, của Trung ương nên đến nay cán bộ, công chức cấp xã của huyện có trình độ Đại học, trên Đại học, đang theo học đại học đã đạt gần 80%, trong đó, 154/155 cán bộ xã thuộc diện Ban Thường vụ huyện ủy quản lý có trình độ đại học, trên đại học và đang theo học đại học.

Các cấp ủy đảng, chính quyền cần xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng phải xuất phát từ quy hoạch, gắn với sử dụng, đúng với ngạch và chức danh cán bộ, Chú trọng việc đào tạo kỹ năng giao tiếp, thái độ giao tiếp, ứng xử đối với công dân, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm giải quyết những tình huống theo từng chức danh cán bộ, công chức cụ thể. Tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo của tỉnh, huyện. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư mới và nâng cấp trang thiết bị dạy và học, cần quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên, giáo viên. Đồng thời với đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và học tập phù hợp với từng đối tượng cán bộ, nhất là cán bộ cấp xã.

Đổi mới và nâng cao chất lượng đánh giá, phân loại cán bộ, công chức cấp xã, thực hiện nền nếp việc đánh giá, nhận xét cán bộ theo quy định; quy trình nhận xét, đánh giá cán bộ phải thật khách quan, dân chủ, công khai, lấy kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu trong đánh giá cán bộ, phản ánh đúng thực chất ưu, khuyết điểm của cán bộ. Trên cơ sở đó, rà soát lại quy hoạch, bổ sung kịp thời những nhân tố mới, có triển vọng. Cần xây dựng hệ thống bộ tiêu chí cụ thể và quy trình đánh giá cán bộ, công chức theo định kỳ, có những tiêu chuẩn riêng để đánh giá đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, gắn với kết quả, hiệu quả thực hiện chức năng quản lý nhà nước của địa phương. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cấp huyện trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, theo dõi, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức; làm tốt công tác quy hoạch cán bộ; kiên quyết xử lý đối với cán bộ, công chức trì trệ, không hoàn thành nhiệm vụ, kịp thời thay thế, luân chuyển và mạnh dạn đề bạt công chức trẻ có năng lực, đủ sức đảm đương nhiệm vụ theo yêu cầu mới. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; mạnh dạn xử lý cán bộ, công chức nhũng nhiễu, hách dịch, gây khó khăn cho công dân, khuyến khích các sáng kiến quản lý và đẩy mạnh cải cách hành chính ở cấp xã.

Đồng chí Đào Trọng Quy, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa phát biểu tham luận về kinh nghiệm và giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”.



Đồng chí Đào Trọng Quy, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa phát biểu tham luận.

Tham luận khẳng định, việc xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện là một quá trình cần có thời gian, công sức, tiền của, phải kiên trì và bài bản. Do vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015- 2020 tiếp tục thực hiện Chương trình “xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện” với các giải pháp cụ thể:

Huy động khai thác mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển khoảng 140.000 tỷ đồng, thành phố rất mong các sở, ban, ngành, xây dựng cơ chế riêng cho thành phố nhằm tinh giản các thủ tục hành chính để thuận lợi cho kêu gọi đầu tư những dự án của trung ương, của tỉnh về; chủ động lập các quy hoạch, các dự án mang tính chiến lược, tính đồng bộ để kêu gọi đầu tư; tạo nhiều điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến thành phố. Huy động các nguồn lực trong nhân dân, các nguồn vốn ODA, trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn tín dụng của các thành phần kinh tế, có kế hoạch và biện pháp tích cực để khai thác nguồn lực từ đất đai để đầu tư phát triển đô thị.

Quan tâm hơn nữa đến phát triển văn hóa- xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Thành phố tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án để giải quyết có hiệu quả các vấn đề nóng của xã hội như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, lấn chiếm vỉa hè, người nghiện ma túy…Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung sức xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng khu phố kiểu mẫu, đô thị văn minh, hiện đại. Đặc biệt tập trung nghiên cứu để xây dựng cốt cách, hình ảnh công dân thành phố Thanh Hóa đẹp, thanh lịch, văn minh, lịch sự, có văn hóa, xứng đáng là công dân của một đô thị tỉnh lỵ, xứng đáng với vai trò là “bộ mặt” của cả tỉnh, từ đó góp phần quan trọng để xây dựng hình ảnh tốt đẹp về mảnh đất và con người xứ Thanh trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.

Thường xuyên chủ động, sáng tạo triển khai các chủ trương, biện pháp, phương án giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phức tạp ngay tại địa bàn dân cư; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, kiềm chế tai nạn giao thông, tạo môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tế, xã hội. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện thuận lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của thành phố, của tỉnh đề ra; phát huy vai trò nội lực trong nhân dân để xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện.

Tiếp đó, đồng chí Đỗ Quốc Cảnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tham luận với nội dung “Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020”.


Đồng chí Đỗ Quốc Cảnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tham luận tại Đại hội.

Theo đó, để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, trong thời gian tới cần tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Thứ nhất, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các đề án tái cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2025, cần tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch phát triển vùng, ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo hướng đồng bộ và hiện đại. Đồng thời cần tăng cường công tác phổ biến, cung cấp thông tin, công bố công khai các quy hoạch để các nhà đầu tư, doanh nghiệp biết, lựa chọn phương án đầu tư và hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương đã ban hành; rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế, chính sách của tỉnh, nhất là các cơ chế chính sách về sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu tư các hạ tầng thiết yếu theo hướng thông thoáng, thủ tục đơn giản, dễ kiểm tra, dễ thực hiện; hình thành và thúc đẩy phát triển các loại thị trường, nhất là thị trường hàng hóa, lao động, tài chính, bất động sản, bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu quả, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, xóa bỏ phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh như: thành lập doanh nghiệp, chấp thuận địa điểm đầu tư, giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm, tiếp cận nguồn vốn, điện năng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm… theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, giảm thời gian, chi phí thực hiện; tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; bố trí cán bộ có năng lực, trách nhiệm trong hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; thiết lập hệ thống giám sát thực hiện thủ tục hành chính, xử lý nghiêm khắc, kịp thời cán bộ có biểu hiện tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết công việc của nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Thứ tư, tập trung huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trước hết là hệ thống hạ tầng giao thông, cảng hàng không, cảng biển, truyền tải điện, cấp nước, viễn thông, xử lý chất thải, nước thải…; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính, xây dựng chiến lược đầu tư, phát triển thị trường, tổ chức, quản lý doanh nghiệp một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh, bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Thứ năm tổ chức thực hiện tốt chính sách đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật cao để phát huy lợi thế nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Thứ sáu, nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp; linh hoạt, sáng tạo trong vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; duy trì chế độ gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, đồng thời thiết lập, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của nhà đầu tư và doanh nghiệp để nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh; nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động của nhà đầu tư và doanh nghiệp; đảm bảo tốt an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tham luận tại Đại hội, đồng chí Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Sở Công Thương trình bày các “Giải pháp phát triển các sản phẩm công nghệ mới, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và khuyến khích phát triển các ngành thu hút nhiều lao động”.


Đồng chí Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Sở Công Thương trình bày tham luận.

Theo đó, cần tập trung cao cho chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án SXCN dự kiến có sản phẩm trong kỳ, sớm hoàn thành, đưa vào SX đúng kế hoạch, như: Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Nhiệt điện Nghi Sơn 2; Thủy điện hồi Xuân; Thủy điện Trung Sơn; Thép Nghi Sơn; Xi Măng Long Sơn (cả 2 dây chuyền 1 và 2, công suất 4,6 triệu tấn xi măng)... Hình thành các ngành công nghiệp mới, như: Hóa lọc dầu, Dược phẩm, Sinh học, Giấy, Dệt nhuộm, Thiết bị y tế...

Tranh thủ thời cơ từ các hiệp định thương mại tự do, như: FTA (Việt Nam - EU), hiệp định TTP vv...để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án SXCN mới, ưu tiên lựa chọn các dự án có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng công nghệ nguồn từ các nước tiên tiến. Tiếp tục kêu gọi các dự án sử dụng nhiều lao động như: Dệt, may, da giày, TTCN, động viên và khuyến khích các chủ đầu tư hiện có mở rộng SXKD, đầu tư mới các ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may về vùng nông thôn, miền núi nhằm thu hút lao động tập trung qui mô lớn, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động.

Dành nguồn lực thỏa đáng để ưu tiên phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng KKT Nghi sơn, các KCN, CCN, Kho bãi. Đặc biệt là kết cấu hạ tầng KCN Lam sơn sao vàng, đảm bảo đủ điều kiện để thu hút các dự án sản xuất công nghiệp, công nghệ cao. Quan tâm đúng mức đến phát triển các CCN SX chuyên ngành, các làng nghề, làng nghề truyền thống để tạo chuyển biến mới cho công nghiệp nông thôn, gắn với phát triển nông thôn mới.

Tiếp tục rà soát, ban hành các chính sách hỗ trợ như: Chính sách thu hút đầu tư theo danh mục, ngành nghề, địa bàn ưu tiên; chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất; xử lý môi trường; chính sách thu hút đầu tư hạ tầng CCN; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và các chính sách khuyến công khác...

Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để vừa đáp ứng yêu cầu cho các doanh nghiệp công nghiệp hiện tại, vừa chuẩn bị cho phát triển công nghiệp trong tương lai, nhưng phải có cách làm mới, thiết thực, cụ thể, hiệu quả.

Đồng chí Lê Văn Chế, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân tham luận với nội dung "Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ủy xã đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế".


Đồng chí Lê Văn Chế, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân phát biểu tham luận.

Tham luận nêu bật các bài học kinh nghiệm, đó là:

Cấp ủy, chính quyền xã quán triệt tới cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về định hướng xuyên suốt của Đảng ta về lãnh đạo phát triển kinh tế; toàn Đảng bộ phải bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, tổ chức triển khai đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy các cấp về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội. Tập thể Đảng ủy trăn trở, đề ra những giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện địa phương, như: ban hành nghị quyết chuyên đề, chương trình trọng tâm, các khâu đột phá để phát triển kinh tế của địa phương, trong đó ưu tiên phát triển lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới,...

Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc của cấp ủy xã, nhất là trong lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phân công rõ trách nhiệm cho các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhiệm vụ sản xuất, phát triển kinh tế ở các chi bộ, các thôn hoàn thành theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra.

Lãnh đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ nhân dân, con em địa phương đi làm ăn xa tạo bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút doanh nghiệp có tâm huyết, đủ tiềm lực và gắn bó mật thiết với nông dân để cùng đầu tư phát triển trên địa bàn; tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mở rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả, hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa, sản xuất giống và một số cây trồng có lợi thế để xuất khẩu; đề xuất với cấp ủy, chính quyền huyện về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển kinh tế.

Thường xuyên chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đoàn kết theo phương châm: “Ổn định để phát triển, phát triển phải ổn định”; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và cán bộ, đảng viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đại tá Lê Ngọc Long, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, trình bày tham luận với nội dung “Bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế, xã hội”.


Đại tá Lê Ngọc Long, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, trình bày tham luận.

Theo đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong giai đoạn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc đường lối, chính sách của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa IX) và Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Kết luận số 86- KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới. Tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp sát với tình hình thực tế địa bàn biên giới.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với nhiệm vụ công tác biên phòng và xây dựng BĐBP tỉnh thông qua các Nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ cụ thể từng giai đoạn, vừa trước mắt, vừa lâu dài. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung quan hệ phối hợp giữa cấp ủy đảng trong BĐBP với cấp ủy đảng địa phương theo Quyết định số 105- QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Đẩy mạnh đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội địa bàn biên giới, nhằm từng bước cải thiện và nâng cao hiệu quả đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tạo tiềm lực trong xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Nâng cao hiệu quả kết hợp giữa quốc phòng – an ninh với phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng sâu, vùng bãi ngang, vùng dân tộc thiểu số, xem đây là vấn đề có tính chất quyết định trong xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 30a, Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020 và Nghị quyết 09- NQ/TU của Tỉnh ủy về giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, có cơ chế chính sách để Bộ đội Biên phòng tham gia tích cực vào việc “chung tay xây dựng nông thôn mới” khu vực biên giới.

Tập trung lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh vững mạnh, có sức chiến đấu cao, chú trọng tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp. Chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu xử lý kịp thời, không để xảy ra bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch đảm bảo quốc phòng – an ninh, gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Giữ vững và phát huy hơn nữa mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt với chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Hủa Phăn (Lào). Tiếp tục thực hiện chủ trương kết nghĩa hai bên biên giới để tăng cường công tác phối hợp, cùng nhau giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và an ninh trật tự địa bàn biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Đồng chí Ngô Tôn Tẫn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, trình bày tham luận với chủ đề “Xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”.


Đồng chí Ngô Tôn Tẫn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, trình bày tham luận.

Tham luận nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể, đó là:

Kiện toàn các Ban vận động thành lập CĐCS ngoài nhà nước ở các cấp CĐ; khảo sát, nắm tình hình hoạt động các DN trên địa bàn để xây dựng kế hoạch, vận động chủ DN và người lao động thành lập và gia nhập tổ chức công đoàn. Tiến hành khảo sát số lượng, chất lượng lao động để xây dựng kế hoạch phát triển tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp; thực hiện linh hoạt các biện pháp tuyên truyền, vận động, phối hợp với chủ doanh nghiệp để thành lập, phát triển tổ chức công đoàn. Tập trung củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp đã thành lập, tham gia tích cực cùng với doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; giải quyết những mâu thuẫn trong doanh nghiệp và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và công nhân lao động.

Tăng cường mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ CĐCS nói chung và CĐCS trong các DN nói riêng để nâng cao chất lượng hoạt động CĐ.

Hướng dẫn, chỉ đạo CĐCS trong các DN chủ động phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, nhất là tổ chức đối thoại trưc tiếp tại nơi làm việc nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Đồng thời, đề nghị Tỉnh ủy chỉ đạo cấp Ủy, chính quyền các cấp quan tâm, phối hợp với các đoàn thể nói chung, công đoàn nói riêng trong việc thành lập các đoàn thể trong các loại hình DN. Sớm ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội từ tỉnh đến cơ sở giai đoạn 2015-2020.

Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các DN vi phạm Pháp luật , nhất là Bộ luật Lao động, Luật công đoàn, Luật BHXH, BHYT … nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động.

Đồng chí Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát, tham luận với nội dung “Giải pháp tăng cường công tác phát triển đảng viên mới trong đồng bào dân tộc ít người”.


Đồng chí Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát trình bày tham luận tại Đại hội.
 
Tham luận nêu một số giải pháp như sau:

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác phát triển đảng viên ở các xã, các bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào Mông, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của toàn đảng bộ. Tiến hành rà soát và có kế hoạch bồi dưỡng, tạo nguồn để phát triển đảng viên mới, ngay từ các em học sinh nội trú và học sinh cấp 3 để bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên mới, nhất là đảng viên người dân tộc thiểu số, những bản có điều kiện khó khăn.

Tích cực tuyên truyền về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, cụ thể là vai trò hạt nhân lãnh đạo của chi bộ, làm cho người vào đảng nhận thức đúng đắn, khắc phục những nhận thức đơn giản vào Đảng chẳng được hưởng quyền lợi gì mà phải mất tiền đóng đảng phí.

Chỉ đạo các ban xây dựng Đảng và Trung tâm BDCT huyện, soạn thảo chương trình phù hợp với đối tượng bồi dưỡng kết nạp Đảng vùng đặc biệt khó khăn. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tích cực đổi mới nội dung sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Kết hợp công tác dân vận của cấp uỷ, chính quyền theo hướng trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân. Bố trí, tăng cường một số giáo viên, Bộ đội Biên phòng là đảng viên về dạy học và công tác tại các bản để kèm cặp, giúp đỡ các đối tượng bồi dưỡng để kết nạp đảng và sinh hoạt chi bộ tại bản; thực hiện chính sách đối với giáo viên, Bộ đội Biên phòng ở vùng này.

Phát huy vai trò nòng cốt của Đoàn TNCS HCM và các đoàn thể nhân dân để vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, qua đó lựa chọn những nhân tố mới, quần chúng ưu tú có triển vọng giới thiệu cho Đảng.

Nguồn : Báo Thanh Hóa điện tử