Lượt xem: 1722 | Gửi lúc: 25/06/2015 14:02:45

Thống nhất nội dung một số báo cáo, tờ trình

Trong ngày làm việc thứ 2, phiên họp thường kỳ tháng 6, ngày 23/6, UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến về các nội dung còn lại trong chương trình. Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị.

Đối với Tờ trình về việc điều chỉnh mức thu học phí trong các trường mầm non, phổ thông tại Quyết định số 4267/2011 và bổ sung một số khoản thu xã hội hoá trong các cơ sở giáo dục công lập của tỉnh Thanh Hoá, do Sở Giáo dục và Đào tạo trình bày, nêu vấn đề: Hiện nay, mức thu học phí theo Quyết định 4267 còn thấp so với quy định trong Nghị định 49 của Chính phủ về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cho nên, mức thu hiện tại không đảm bảo để chi cho các hoạt động của giáo dục và cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, mức thu học phí mới sẽ tăng thêm 17% so với mức đang thực hiện và đạt từ 25 đến 85% trong khung quy định học phí của Trung ương. 40% số kinh phí thu được dùng để thực hiện chế độ cải cách tiền lương; 60% còn lại được bổ sung vào nguồn chi thường xuyên cho đơn vị.

Để giảm bớt khó khăn và tránh tình trạng lạm thu ở các trường học, Tờ trình cũng đề xuất bổ sung thêm một số khoản thu, đó là: Thu tiền học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học ở các trường chưa bố trí đủ giáo viên trên lớp theo định mức 1,5 giáo viên/lớp; Thu tiền tăng cường, bổ sung cơ sở vật chất hàng năm đối với học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh mức tăng học phí là cần thiết để đảm bảo chi cho hoạt động giáo dục của các trường, tuy nhiên, mức thu ở từng địa bàn, từng khu vực cần tính toán lại cho sát thực tế, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa phương. Riêng đối với các khoản thu bổ sung, các đại biểu còn nhiều ý kiến băn khoăn về cơ sở pháp lý thực hiện.

 

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh
phát biểu tại hội nghị

Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với đề xuất điều chỉnh mức thu học phí trong các trường, đồng thời giao Sở Giáo dục và Đào hoàn chỉnh lại Tờ trình để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh trong kỳ họp tới. Trong đó, đồng chí yêu cầu Sở giáo dục và Đào tạo cần tính toán lại phương án thu học phí và cơ cấu thu để vừa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, vừa phù hợp với quy định của pháp luật và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân; phối hợp cùng chính quyền địa phương tăng cường vận động các nhà tài trợ đầu tư cho các trường còn nhiều khó khăn ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các trường cần duy trì việc rèn luyện kỹ năng sống và ý thức lao động cho học sinh thông qua các giờ lao động hợp lý tại trường, tại lớp, qua đó cũng góp phần giảm áp lực đóng góp. Đồng chí cũng yêu cầu Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn về việc quản lý, sử dụng nguồn thu đúng quy định; Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường các giải pháp để quản lý biên chế trong ngành giáo dục, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp xử lý những vấn đề phát sinh.

Về các khoản thu bổ sung được đề xuất trong Tờ trình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định chưa đủ cơ sở để thực hiện. Đồng chí yêu cầu ngành giáo dục sớm đưa ra các giải pháp để vừa xử lý được tình trạng giáo viên dôi dư, vừa giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên một số bộ môn ở các trường học, qua đó hạn chế được việc bổ sung các khoản thu.

Đề án thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Thanh Hoá do Sở Xây dựng trình bày, cho thấy: Hiện nay, Thanh Hoá là tỉnh có nhiều đô thị nhất cả nước song tỷ lệ đô thị hoá đạt thấp, tốc độ tăng trưởng chậm, chất lượng sống ở đô thị còn thấp; quản lý phát triển đô thị thiếu đồng bộ, từ công tác lập quy hoạch xây dựng đến việc tổ chức thực hiện quy hoạch tại các địa phương còn nhiều bất cập, chưa kiểm soát được quá trình phát triển đô thị; cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị còn nhiều yếu kém, thiếu đồng bộ; nhiều nơi, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát triển đô thị; việc thực hiện các nhiệm vụ về quản lý đầu tư phát triển đô thị còn trùng lặp, chưa có đơn vị chuyên trách. Vì vậy, theo đề xuất của Sở Xây dựng, Ban quản lý khu vực phát triển đô thị được thành lập là một đơn vị sự nghiệp có thu với chức năng giúp UBND tỉnh quản lý đầu tư phát triển đô thị trong khu vực phát triển đô thị, bao gồm: Quản lý, giám sát quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; đảm bảo sự kết nối đồng bộ và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa các dự án trong giai đoạn đầu tư xây dựng; trực tiếp quản lý các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước được UBND tỉnh giao và thực hiện một số nhiệm vụ khác về triển khai khu vực phát triển đô thị được UBND tỉnh giao.

Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với đề xuất thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị Thanh Hóa. Về tổ chức bộ máy, trước mắt không tăng biên chế cho đơn vị này. Về tổ chức hoạt động, Sở Xây dựng cần nghiên cứu kỹ những mô hình đã có và căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để quy định chức năng, nhiệm vụ của Ban.

Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh đã nghe Tờ trình về Quy định chế độ công tác phí, chế độ tổ chức hội nghị đối với các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tại Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020 (sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1060/2011/QĐ-UBND ngày 6-4-2011 của UBND tỉnh); Tờ trình về việc đề nghị ban hành phí tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, do Sở Tài chính trình bày. Tờ trình của Liên ngành Sở Tài chính – Ủy ban MTTQ tỉnh về quy định chế độ đón tiếp, thăm hỏi, chúc mừng đối với một số đối tượng do Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện, giai đoạn 2016-2020 (sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2866/2010/QĐ-UBND ngày 16-8-2010 của UBND tỉnh). Báo cáo đánh giá, tổng kết sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới chế độ, cơ chế chính sách lĩnh vực văn hóa – thể thao do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tờ trình, đồng thời đề nghị các đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng văn bản sớm hoàn thiện báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tới. 

Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm, UBND tỉnh đã hoàn thành các nội dung trong chương trình.  

 

(Theo Báo Thanh Hóa điện tử)