Lượt xem: 3080 | Gửi lúc: 01/08/2014 10:31:37

Gỡ “khó” trong quản lý trật tự xây dựng

(Xây dựng) - Sau một thời gian triển khai, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh BĐS; khai thác, sản xuất, kinh doanh VLXD; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở đã dần đi vào thực tiễn. Tuy nhiên để hoàn chỉnh các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện, Nghị định 121/2013/NĐ-CP đang được sửa đổi, bổ sung một số điều khoản.


Dự thảo Nghị định sẽ bỏ hẳn một điều khoản và bổ sung một số nội dung mới cho phù hợp.

Yêu cầu của thực tiễn

Nghị định số 121/2013/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định số 23/2009/NĐ-CP nằm trong kế hoạch triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính theo Quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ. So với Nghị định số 23/2009/NĐ-CP, Nghị định 121/2013/NĐ-CP bổ sung khoảng hơn 40 hành vi vi phạm mới. Thực tế qua quá trình thực hiện, Nghị định 121/2013/NĐ-CP đã bắt đầu gặp phải một số vướng mắc, yêu cầu phải được sửa đổi, điều chỉnh. Theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 13 và bỏ một điều khoản tại Điều 70 của Nghị định.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 9 và khoản 10, Điều 13 của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP như sau: Tại khoản 9, Điều 13 sẽ được sửa đổi là: Trừ những trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này, hành vi quy định tại khoản 3, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và bị cưỡng chế phá dỡ theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) đô thị.

Khoản 10 sẽ được sửa đổi: Hành vi quy định tại khoản 3, khoản 5 và khoản 6 Điều này mà đã kết thúc, công trình xây dựng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày Nghị định số 121/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với các công trình còn lại theo đơn giá suất đầu tư hàng năm được UBND cấp tỉnh ban hành, tại thời điểm ban hành quyết định xử phạt hành chính nếu đảm bảo đầy đủ các điều kiện sau đây: Không vi phạm chỉ giới xây dựng; không gây ảnh hưởng các công trình lân cận hoặc đã hoàn thành việc khắc phục các ảnh hưởng do công trình xây dựng gây ra; xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp, không có tranh chấp; công trình được xây dựng trên đất phù hợp với chức năng sử dụng đất theo đồ án quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chiều cao công trình xây dựng không vượt quá chiều cao tối đa cho phép theo quy hoạch được duyệt.

Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt hành chính và nộp lại số lợi bất hợp pháp, cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho phép công trình được tồn tại và cấp giấy chứng nhận sở hữu theo quy định. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể áp dụng quy định tại khoản này.

Sớm ban hành Nghị định

Ông Phan Văn Bảo - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Công tác quản lý TTXD là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội, vì vậy công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là hết sức cần thiết. Về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 13 và Điều 70 của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, UBND TP Hà Nội đã có những ý kiến đóng góp cụ thể. Thiết nghĩ, việc hoàn thiện các quy định pháp luật để làm tốt công tác quản lý TTXD cần sớm được ban hành để phục vụ thực tiễn.

Trong khi đó, tại khoản 9 Điều 13 hiện Nghị định quy định cụ thể là: Hành vi quy định tại khoản 3, khoản 5, khoản 6 và điểm b khoản 7 Điều này mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh GPXD. Còn tại khoản 10 quy định: Hành vi quy định tại khoản 3, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này mà không thuộc trường hợp xử lý theo quy định tại khoản 9 Điều này thì bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP.

Cũng theo dự thảo Nghị định 121/2013/NĐ-CP đang được xin ý kiến sửa đổi thì sẽ bãi bỏ khoản 2, Điều 70 của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP. Trong Nghị định đang có hiệu lực đã quy định điều khoản này như sau: Đối với hành vi xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng sai thiết kế được phê duyệt theo quy định của Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh BĐS; khai thác, sản xuất, kinh doanh VLXD; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, mà đã ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ, nhưng đến ngày Nghị định này có hiệu lực vẫn chưa thực hiện thì cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ xem xét, xử lý theo quy định tại khoản 9, khoản 10 Điều 13 của Nghị định này.

Ông Vũ Hoài Nam - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Bắc Ninh cho rằng: Thực tế những sai phạm trong quản lý, đầu tư, xây dựng dự án có quy mô lớn tại Bắc Ninh là hầu như không có, hoặc có nhưng rất ít. Do vậy những vi phạm chủ yếu chỉ tập trung vào những công trình đơn lẻ. Thiết nghĩ những sửa đổi, bổ sung về các văn bản quy phạm cần sớm được ban hành và các nội dung cần bám sát thực tiễn để công tác quản lý TTXD được tốt hơn.

Vũ Chiến