Lượt xem: 514 | Gửi lúc: 24/10/2022 08:21:30

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Chiều ngày 18/10/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021-2025 đã tổ chức phiên họp trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện các CTMTQG, triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm các tháng cuối năm 2022. Đồng chí Phạm Bình Minh- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các CTMTQG chủ trì phiên họp. Cùng tham dự có đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Đầu Thanh Tùng- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Cùng tham gia có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Toàn cảnh hội nghị các điểm cầu trực tuyến trong toàn quốc.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay đã có 52/52 địa phương (được giao vốn ngân sách Trung ương) đã có quyết định giao kế hoạch vốn thực hiện 3 CTMTQG cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc. Theo đó, có 34/52 địa phương đã phân bổ 100% kế hoạch vốn được giao, 10/52 địa phương phân bổ trên 90% kế hoạch vốn được giao, 8/52 địa phương phân bổ trên 70% kế hoạch vốn được giao.

Về kết quả giải ngân vốn, tính đến ngày 31/8/2022, tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện các CTMTQG đã giải ngân là 178,895 tỷ đồng, đạt 0,75% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; ước đến ngày 30/9/2022, các địa phương sẽ giải ngân được 926,831 tỷ đồng, đạt khoảng 3,86% kế hoạch.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.

Đến nay, cả nước có 5.854/8.225 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước; có 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, ước tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.

Tại Thanh Hóa, đến nay tỷ lệ phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện các CTMTQG của tỉnh đạt 12,4% kế hoạch. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ phân bổ vốn thấp là do đến giữa năm 2022 vốn ngân sách mới được giao về địa phương nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Riêng vốn sự nghiệp xây dựng Nông thôn mới do Bộ Tài chính mới phân bổ nên tỉnh sẽ hoàn chỉnh thủ tục, phân bổ trong năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng phát biểu tại điểm cầu Thanh Hóa.

Tại hội nghị, lãnh đạo một số các tỉnh, thành còn báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các CTMTQG tại địa phương mình và có những đề xuất, kiến nghị đối với các bộ, ngành Trung ương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai thực hiện CTMTQG đạt các mục tiêu đề ra.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng kiến nghị Trung ương kéo dài thời gian giải ngân vốn năm 2022 sang năm 2023; giao vốn năm 2023 sớm từ đầu năm để các địa phương triển khai đảm bảo trình tự thủ tục, thời gian. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành ở Trung ương sớm ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn để các địa phương thực hiện. Những tháng cuối năm tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung cao trong công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Về việc phân bổ vốn thực hiện CTMTQG tại 3 xã bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đồng chí đề nghị đối với xã Hải Hà (thị xã Nghi Sơn) theo kế hoạch sẽ di chuyển để thực hiện quy hoạch xây dựng cảng biển đã phê duyệt, nên Thanh Hóa đề nghị các bộ, ngành quan tâm để tỉnh chuyển toàn bộ vốn phân bổ cho một xã khác. Tỉnh cũng đề nghị được sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các huyện nghèo thuộc khu vực miền núi.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu kết luận hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan liên tục cập nhật hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương để tham mưu cho UBND tỉnh triển khai kịp thời. Các sở chủ quản các chương trình có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ, hàng tháng báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện với UBND tỉnh.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị từ nay đến cuối năm 2022, các bộ, ngành tập trung hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện thuộc trách nhiệm của ngành, lĩnh vực quản lý. Các cơ quan chủ quản đề xuất các giải pháp lồng ghép nguồn vốn của 3 CTMTQG để tránh chồng chéo, lãng phí; đồng thời, tập trung quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước còn lại chưa phân bổ của giai đoạn 2021-2025.

Đồng chí yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong việc triển khai phân bổ, giải ngân nguồn vốn của các CTMTQG; đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các dự án đã được phê duyệt; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chương trình thông qua hoạt động chỉ đạo điều hành của ban chỉ đạo các cấp để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề ra giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Xuân Nghĩa