Lượt xem: 1283 | Gửi lúc: 07/07/2014 14:45:18

Một số thuận lợi, khó khăn trong việc phổ biến, hướng dẫn quản lý và sử dụng chung công trình HTKT trong đô thị.

Ngày 24/9/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2012/NĐ-CP quy định về quản lý và sử dụng chung công trình Hạ tầng kỹ thuật; Nghị định đã nghiên cứu điều chỉnh các mối quan hệ về quản lý và sử dụng chung công trình Hạ tầng kỹ thuật (HTKT), trong đó có một số vấn đề cơ bản như: Tạo sự đồng bộ và phối hợp giữa các lĩnh vực chuyên ngành: cấp, thoát nước, cấp năng lượng, giao thông, cấp điện, chiếu sáng và viễn thông trong sử dụng chung các công trình HTKT tại các đô thị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm cảnh quan và môi trường; xác định các yếu tố mang tính bắt buộc phải thực hiện sử dụng chung công trình HTKT; quy định các nội dung cơ bản về kỹ thuật trong quản lý và sử dụng chung công trình HTKT; các nội dung có liên quan đến giải quyết các mối quan hệ trong quản lý, sử dụng chung và vấn đề về giá thuê sử dụng chung công trình HTKT.

Để tăng cường công tác quản lý và sử dụng chung công trình HTKT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Sở Xây dựng đã phối hợp với các cấp, ngành có liên quan tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3342/2013/QĐ-UBND ngày 25/9/2013 quy định về quản lý, phân cấp quản lý sử dụng chung công trình HTKT trong đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Theo đó quy định việc quản lý và sử dụng chung công trình HTKT trên địa bàn tỉnh, gồm các nội dung chính: Quy hoạch, đầu tư xây dựng, bảo trì công trình công trình HTKT sử dụng chung; Quy định trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức cá nhân trong quá trình đầu tư xây dựng, lập quy hoạch, thiết kế, thi công xây dựng và duy tu, bảo trì công trình HTKT sử dụng chung. Trên cơ sở căn cứ Thông tư liên tịch số 21/2013/TTLT-BXD-BCT-BTTTT ngày 27/12/2013 của Bộ Xây dựng - Bộ Công thương - Bộ Thông tin và Truyền thong; Sở Xây dựng đã soạn thảo trình UBND tỉnh ban hành Quyết định 1501/2014/QĐ-UBND ngày 20/5/2014 quy định quản lý, phân cấp quản lý dấu hiệu nhận biết các loại đường dây, cáp và đường ống được lắp đặt vào công trình HTKT sử dụng chung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

           Việc triển khai thực hiện quy định về quản lý và sử dụng chung công trình HTKT đã được UBND các cấp và các cơ quan ban ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm, thực hiện nghiêm túc. Trong các đồ án quy hoạch đô thị đang trong quá trình lập, thẩm định và trình duyệt, Sở Xây dựng đãtập trung chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn thiết kế triển khai lập Quy hoạch công trình HTKT sử dụng chung như một nội dung của đồ án quy hoạch đô thị;Việc cấp Giấy phép xây dựng công trình HTKT sử dụng chung đã có quy định về thủ tục hành chính thực hiện theo Quyết định số 1696/QĐ-UBND ngày 23/5/2013 của Chủtịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng chung công trình HTKT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, đó là:

           - Tại các đô thị hiện hữu chưa có các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cho việc sử dụng chung. Thực trạng mới chỉ có các công trình cột ăng-ten tự đứng, nhà trạm và cột treo cáp của các doanh nghiệp viễn thông (Viettel,VinaPhone…) là công trình HTKT sử dụng chung, nhưng trong quá trình khai thác, sử dụng các doanh nghiệp hiện vẫn chưa hình thành được “văn hóa hợp tác” với nhau trên cơ sở đôi bên cùng có lợi cũng như vì lợi ích chung của xã hội, mạnh đơn vị nào thì đơn vị đó thực hiện.

          - Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở các đô thị như giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, viễn thông … còn dàn trải, thiếu đồng bộ, không đồng thời chưa có chủ trương,quyết sách cho việc đầu tư công trình HTKT sử dụng chung; Các thành phần kinh tế chưa tham gia đầu tư xây dựng công trình HTKT sử dụng chung theo các hình thức đầu tư phù hợp.

         Nguyên nhân:

         - Đa số các Quy hoạch đô thị hiện hữu được phê duyệt chưa có nội dung Quy hoạch công trình HTKT sử dụng chung theo quy định tại Nghị định số72/2012/NĐ-CP ngày 24/9/2012;

         - Các quy định hướng dẫn về đầu tư xây dựng và quản lý công trình HTKT sử dụng chung còn mới;

         - Đầu tư công trình HTKT sử dụng chung do thiếu nguồn vốn Ngân sách nhà nước nên chưa được quan tâm đúng mức;

         - UBND huyện, thị xã, thành phố chưa tự chủ về tài chính nên thụ động trong việc lập kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng hoặc có kế hoạch nhưng còn dàn trải, thiếu tập trung trong đầu tư xây dựng công trình HTKT;

         - Trong bối cảnh các doanh nghiệp tự cung tự cấp, kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật của các doanh nghiệp còn phụ thuộc vào chiến lược phát triển của đơn vị, do vậy việc đầu tư xây dựng các công trình HTKT chủ yếu là phục vụ nhu cầu của Doanh nghiệp.

         - Chưa có Doanh nghiệp có năng lực tài chính tham gia đầu tư và quản lý,sử dụng công trình HTKT sử dụng chung để cho thuê.

         Kết luận:

         Việc sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật là tiêu chuẩn đô thị hiện đại, vì thế rất cần thiết phải triển khai cụ thể trong các đồ án quy hoạch (từ Quy hoạch chung đến Quy hoạch phân khu và Quy hoạch chi tiết), làm cơ sở để quản lý, sử dụng chung công trình HTKT một cách tổng thể, đảm bảo sự khớp nối giữa các công trình thành một thể thống nhất, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm cảnh quan và môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị hiệu quả và bền vững.

          Nhận diện được bước đầu những thuận lợi và khó khăn trong công tác quản lý và sử dụng chung công trình HTKT như các vấn đề nêu trên, sẽ giúp UBND các cấp, các cơ quan ban ngành trên địa bàn tỉnh từng bước tháo gỡ nhằm hiện đại hóa các đô thị trong tương lai./.

                                                                                                                             Nguyễn Mạnh Thuần

Trưởng phòng QL Hạ tầng – Kỹ thuật