Lượt xem: 2039 | Gửi lúc: 02/08/2017 14:10:41

Thanh Hóa: Phát triển vật liệu bê tông, vật liệu lợp theo công nghệ tiên tiến

(Xây dựng) - Đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu bê tông, vật liệu lợp với quy mô công suất vừa và lớn, đưa công nghệ tiên tiến, hiện đại, sạch, tiêu tốn ít năng lượng và nguyên liệu, tăng cao năng suất lao động tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.

                     
Chú trọng đưa công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm bê tông thương phẩm.
 Với hướng phát triển bền vững, nguồn cung đáp ứng đủ cho nguồn cầu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mới đây tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng bê tông và tấm lợp.
Qua đó giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2025, bê tông cấu kiện sẽ được đầu tư chiều sâu, tăng cường các thiết bị cơ giới hóa, phát huy tối đa công suất, đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm tại 4 cơ sở đã có ở giai đoạn trước; quy hoạch các điểm sản xuất tại khu vực có nhiều công trình xây dựng quy mô lớn. Mở rộng, nâng tổng công suất lên 400.000 m³/năm ở 4 cơ sở để phục vụ nhu cầu xây dựng tại TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn và các đô thị lân cận. Đầu tư mới một cơ sở bê tông dự ứng lực với công suất 100.000 m³/năm và 1 cơ sở sản xuất tấm tường bê tông Acotec; công suất 160.000 m²/năm (tương đương với 12 triệu viên gạch QTC/năm) tại Khu kinh tế Nghi Sơn để phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn và các đô thị lân cận.
Đối với bê tông thương phẩm: đưa công nghệ hiện đại hoặc tiên tiến hơn của các nước trong khu vực. Duy trì 11 cơ sở bê tông thương phẩm hiện có, tổng công suất 2.520.000 m³/năm trong đó có 9 trạm thuộc khu vực TP Thanh Hóa chủ yếu phục vụ phát triển đô thị ở thành phố, ngoài ra cung cấp một phần cho các huyện lân cận như các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa, TP Sầm Sơn… hai trạm còn lại ở Nga Sơn và Hà Trung chủ yếu cung ứng cho phát triển đô thị của huyện.
Khuyến khích đầu tư các trạm bê tông thương phẩm trên các địa bàn các huyện chưa có trạm bê tông công suất từ 30-50 m³/h đáp ứng nhu cầu xây dựng tại các địa phương và nâng cao chất lượng sản phẩm đưa vào các công trình xây dựng, qua đó nghiên cứu sử dụng tro bay thải của các nhà máy thay thế khoảng 10 -15% lượng xi măng trong sản xuất bê tông cấu kiện cũng như bê tông thương phẩm.
Duy trì và phát huy tối đa công suất các cơ sở đã có, đầu tư thêm một số trạm trộn bê tông thương phẩm ở các cụm công nghiệp tại các thị trấn các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh (công suất mỗi trạm từ 90 – 120 m³/h) với tổng công suất 700.000 m³/năm; cụ thể: thị xã Bỉm Sơn 1 trạm, công suất 90 m³/h; huyện Tĩnh Gia 1 trạm, công suất 120 m³/h; huyện Yên Định 1 trạm, công suất 90 m³/h. Tiếp tục khuyến khích đầu tư các trạm bê tông thương phẩm trên địa bàn chưa có trạm bê tông, công suât 30 – 50 m³/h, đáp ứng nhu cầu xây dựng tại các địa phương.
Cũng theo quy hoạch giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2025, vật liệu lợp: được duy trì các cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng – xi măng hiện có, tổng công xuất 4 triệu m²/năm. Phát huy tối đa công suất 23 cơ sở gia công tấm lợp kim loại trên địa bàn tỉnh với công suất là: 1.920.000 m². Đầu tư tăng tỷ lệ sản lượng ngói nung trong tổng sản lượng sản phẩm, đạt khoảng 0,5 – 0,8 triệu m²/năm tại các cơ sở gạch tuynel đang có sản xuất ngói ở thị xã Bỉm Sơn và huyện Vĩnh Lộc. Đầu tư cải tiến công nghệ và phát huy tối đa công suất (6,42 – 6,72 triệu m²/năm) các cơ sở đã có, đầu tư thêm 4 cơ sở gia công tấm lợp kim loại 3 lớp cách âm, cách nhiệt mỗi cơ sở có công suất 200.000 m²/năm tại huyện Tĩnh Gia 2 cơ sở, thị xã Bỉm Sơn 1 cơ sở, huyện Thọ Xuân 1 cơ sở nâng tổng công suất 0,4 triệu m²/năm. Khuyến khích đầu tư 5 cơ sở sản xuất ngói màu xi măng – cát (tại TP Thanh Hóa một cơ sở, huyện Tĩnh Gia, Hà Trung, Thiệu Hóa, Yên Định mỗi đơn vị một cơ sở); đây là các khu vực có nguồn nguyên liệu, giao thông thuận tiện cũng như sức tiêu thụ lớn. Tổng công suất là 0,5 triệu m²/năm.
                                      Trần Cường